Làn gió đổi mới ở Myanmar

Myanmar Guardian
Myanmar Guardian
TP - Thay đổi thực sự đang diễn ra ở Myanmar. Đã có những ghi nhận hồ hởi về làn gió đổi mới, lan tỏa từ những mái nhà cổ kính có từ thời nước này còn nằm dưới ách đô hộ của đế quốc phương Tây đến những vùng quê.

> Bà Suu Kyi giành ghế trong quốc hội

Thủ đô Yangon Myanmar. Ảnh: Myanmar Guardian
Thủ đô Yangon Myanmar. Ảnh: Myanmar Guardian.

Và thế giới cũng nhận thấy điều này. Bằng chứng là các nhà đầu tư nước ngoài đã lũ lượt làm thủ tục nhập cảnh trong khuôn viên sân bay quốc tế Yangon ở thành phố nay là cố đô của Myanmar.

Ai cũng lo mình bị lỡ “chuyến tàu” đưa đến cơ hội làm ăn ở một quốc gia được đánh giá là còn chậm phát triển trong khi khá giàu tài nguyên thiên nhiên. Sự thay đổi ở đất nước chùa vàng nay được xem là chấn động, có thể gây hiệu ứng lan tỏa tới toàn khu vực.

Những lý do cho sự thay đổi chính trị được xem là bất ngờ ở Myanmar cũng phức tạp như mối quan hệ sắc tộc ở đất nước này.

Không một nguyên nhân đơn lẻ, một nhân vật đơn lẻ nào có thể xem là lý do chính cho những thay đổi ở Myanmar.

Những lệnh cấm vận hay tiếng nói của ASEAN ư? Không lẽ nào, vì tình trạng bị cô lập của chính quyền Naypyidaw đã tồn tại nhiều năm.

Người giành giải Nobel Hòa bình năm 1991 Aung San Suu Kyi, mới đắc cử nghị sỹ quốc hội và là lãnh đạo đảng đối lập chính, hay tổng thống đương nhiệm Thein Sein cũng chẳng phải là những động lực chính của “Wind of change” (“Làn gió đổi mới”, ca khúc nổi tiếng của nhóm nhạc rock Scorpions, sáng tác khi tới thăm Liên Xô).

Mà sự thay đổi là kết quả của một loạt các nhân tố. Hai thập kỷ chịu cấm vận của phương Tây tuy không phải là nguyên nhân chính dẫn đến đổi thay, nhưng những ảnh hưởng của chúng đã khiến Myanmar bị các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN bỏ xa trong cuộc đua phát triển.

Chắc chắn lãnh đạo Myanmar nhận thức rất rõ rằng, nước này không thể chấp nhận mãi tình trạng chậm phát triển, trong khi thiên hạ ngày càng giàu mạnh, khi xu hướng tự do hóa thương mại ngày càng sâu sắc.

Do vậy, các lệnh cấm vận cần phải dỡ bỏ, mở đường cho nguồn tài trợ và đầu tư nước ngoài.

Nhưng cũng cần hiểu rằng đây là một quyết định không hề dễ dàng, bởi từ thế kỷ 19, khi đế quốc Anh chiếm đóng và thống trị Myanmar, người dân đất nước này rất cảnh giác với sự phụ thuộc vào nước ngoài. Nay, họ cũng có những lo ngại đến từ người láng giềng khổng lồ - Trung Quốc.

Dù là nhà đầu tư số một ở Myanmar, người láng giềng chung nhau hơn 2.000km biên giới ấy chủ yếu chỉ đầu tư vào ngành khai khoáng, lĩnh vực dễ ăn nhất nhưng tất nhiên kém tính bền vững nhất.

Việc chính phủ Myanmar bác bỏ dự án đập thủy điện Myitsone cho thấy quyết tâm không chấp nhận sự phụ thuộc quá lớn vào nước láng giềng Trung Quốc.

Và tất nhiên, khi các lệnh cấm vận bị dỡ bỏ thì ngoài Myanmar, nhiều quốc gia khác cũng được hưởng lợi nếu có ý định làm ăn với nước này. Myanmar giàu tài nguyên thiên nhiên và cũng là một vựa lúa.

Vì thế, đổi mới ở Myanmar chắc chắn được đa số ủng hộ cho dù vẫn có ai đó không cảm thấy dễ chịu chút nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG