Đầu đạn hạt nhân
Năm 1995, một người đàn ông trung niên bước vào một văn phòng của Cục Tình báo Trung ương (Mỹ) ở Đông Nam Á, chìa ra đống tài liệu mật của Trung Quốc. Trong số tài liệu có một hồ sơ chứa thiết kế tối mật của đầu đạn hạt nhân W-88 của Mỹ. Loại đầu đạn này được lắp ở đầu tên lửa đạn đạo Trident mà các tàu ngầm của Mỹ thường mang theo.
Người đàn ông Trung Quốc kể mình làm việc cho chương trình hạt nhân của Bắc Kinh, có quyền tiếp cận khu lưu trữ chứa tài liệu mật. Một buổi tối, ông tới đó, nhồi hàng trăm tài liệu vào túi vải rồi quăng qua cửa sổ tầng hai để tránh bảo vệ. Tuy nhiên, túi bị bục nên tài liệu vương vãi. Ở bên ngoài tòa nhà, ông thu gom tài liệu, nhét trở lại chiếc túi rách. Trong số tài liệu mật ông đánh cắp, tài liệu về đầu đạn hạt nhân W-88 khiến lực lượng phản gián Mỹ điên đầu nhất vì nó chứa những chi tiết tuyệt mật về thiết kế đầu đạn hạt nhân thế hệ mới.
Theo các nhà phân tích, Mỹ sản xuất đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ nhiều thập kỷ qua và Trung Quốc rất nóng lòng tự sản xuất được đầu đạn mini. Việc Trung Quốc có được thiết kế bí mật của đầu đạn W-88 là minh chứng hùng hồn nhất, rằng các lực lượng phản gián Mỹ đã đánh giá thấp khả năng tình báo của Bắc Kinh. Khi trở thành siêu cường kinh tế, Trung Quốc cũng phát triển ngành tình báo đẳng cấp thế giới - đối thủ đáng gờm của CIA.
Thời Chiến tranh Lạnh, hàng chục nhân viên phản gián của CIA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) theo dõi các điệp viên Liên Xô, sau đó là Nga. Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) được coi là kẻ thù số một của CIA và FBI. Chỉ một số ít nhân viên FBI đặc trách các vụ gián điệp Trung Quốc và công việc của họ được coi là không có tiềm năng giúp thăng tiến nghề nghiệp. Theo các nhà sử học Mỹ chuyên về tình báo, việc Washington không ưu tiên quan tâm gián điệp Trung Quốc đã giúp nước này gặt hái nhiều thành công chống lại Mỹ.
Giới phản gián Mỹ cho rằng, các cơ quan tình báo đối ngoại và tình báo quân đội của Trung Quốc tích cực do thám ngành quốc phòng, phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân, Thung lũng Silicon, những đơn vị tình báo và nhiều mục tiêu nhạy cảm khác của Mỹ.
Tàu ngầm Mỹ mang tên lửa đạn đạo Trident nổi lên ở Thái Bình Dương Ảnh: Time & Life Pictures. |
Công nghệ tàng hình
Tháng 1-2011, khi ông Robert Gates (lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) thăm Trung Quốc, Bắc Kinh tiết lộ máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Việc tiết lộ này chứng tỏ Trung Quốc đã có trong tay ít nhất một công nghệ tàng hình, cho phép máy bay, tàu chiến, tên lửa của nước này qua mặt radar. Công nghệ này tương tự một công nghệ tàng hình của Mỹ mà Trung Quốc nhiều năm bí mật tìm kiếm, theo các quan chức tình báo Mỹ.
Cuối tháng 1-2011, một kỹ sư làm việc với máy bay ném bom tàng hình B-2 tại tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ) bị kết án 32 năm tù vì tội chuyển bí mật quốc phòng cho Trung Quốc, với giá hơn 100.000 USD. Người kỹ sư này giúp thiết kế một hệ thống dẫn khí tàng hình để các tên lửa hành trình của Trung Quốc khó bị tìm diệt.
Hồi tháng 8-2011, các quan chức tình báo Mỹ cho rằng, Pakistan cho phép chuyên gia Trung Quốc kiểm tra chiếc máy bay trực thăng Mỹ bị rơi trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden đầu tháng 5. Dù Pakistan và Trung Quốc phủ nhận việc này nhưng có một thực tế rằng Bắc Kinh rất muốn xem xét phần đuôi của chiếc Black Hawk, bộ phận không bị đội đặc nhiệm hải quân Mỹ chủ động phá hỏng, để hiểu thêm về công nghệ tàng hình Mỹ, các nhà phân tích khẳng định.
Trong khi đó, việc thiết kế đầu đạn hạt nhân W-88 bị rò rỉ như thế nào vẫn còn là bí ẩn. Đầu tiên, chính phủ Mỹ tình nghi ông Wen Ho Lee, nhà khoa học hạt nhân làm việc tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, làm rò rỉ thiết kế. Tuy nhiên, sau đó không có bằng chứng cho thấy ông Wen làm như vậy. Ông Wen bị biệt giam chín tháng. Thẩm phán liên bang chủ tọa phiên tòa đã xin lỗi ông. Cuối cùng, ông chỉ nhận một lỗi là đã xử lý thông tin mật một cách không thích đáng.
Do Bộ Năng lượng Mỹ chỉ điểm nhầm, FBI đã theo đuổi sai người suốt ba năm. Cuối cùng, năm 1999, ông Robert Bryant (lúc đó là Phó Giám đốc FBI) giao ông Stephen Dillard, một chuyên gia phản gián kỳ cựu, lãnh đạo một cuộc điều tra quy mô lớn để tìm hiểu xem Trung Quốc có được thiết kế đầu đạn W-88 như thế nào.
Cuộc điều tra của FBI do một đội đặc nhiệm tiến hành, gồm 300 điều tra viên đến từ 11 cơ quan liên bang, trong đó có CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia, Cơ quan Tình báo Quốc phòng, Bộ Quốc phòng. Ngày 11-9-2001, một số điều tra viên thiệt mạng khi chuyến bay 77 của Hãng hàng không Mỹ bị không tặc khống chế bay vào Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, việc điều tra vẫn tiếp tục. Đội đặc nhiệm của ông Dillard tích cực xem xét các phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân, cơ quan chính phủ và nhà thầu quốc phòng ở bang California cùng một số bang khác - những nơi sản xuất những bộ phận của đầu đạn W-88.
FBI phỏng vấn người đàn ông Trung Quốc cung cấp tài liệu mật (hiện sống ở Mỹ), nhưng ông không biết manh mối nào dẫn tới nguồn gốc vụ rò rỉ. Cuối cùng, sau bốn năm, cuộc điều tra kết thúc mà các cơ quan tình báo Mỹ vẫn không biết được Trung Quốc làm thế nào để có được thiết kế tuyệt mật về đầu đạn W-88.
Cấu tạo đầu đạn hạt nhân W-88 lắp trong tên lửa đạn đạo Trident D-5 Nguồn: Getty Images. |
Quan chức Bộ Quốc phòng cũng dính chàm
Hơn một thập kỷ sau, gián điệp Trung Quốc tiếp tục tiến hành chiến dịch nhằm vào các mục tiêu quân sự của Mỹ. Năm ngoái, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ bị kết án tù. Vị quan chức này là người cuối cùng trong nhóm 10 người bị FBI cất vó. Họ là thành viên của một mạng lưới điệp viên Trung Quốc liên kết lỏng lẻo, hoạt động ở bờ Đông và bờ Tây của Mỹ, do Lin Hong điều hành từ Bắc Kinh. Dữ liệu bị tiết lộ cho Trung Quốc gồm có thông tin về chương trình QED giúp tàu ngầm khó bị phát hiện, máy bay ném bom B-1 và kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan.
Điệp viên Trung Quốc từng thâm nhập FBI. Năm 2003, bà Katrina Leung, chỉ điểm của FBI trong suốt hai thập kỷ, bị phát hiện là điệp viên hai mang cho Bắc Kinh. Kinh ngạc hơn, hai điệp viên hàng đầu của FBI ở bang California chịu trách nhiệm chống gián điệp Trung Quốc lại có quan hệ tình ái với bà Leung cùng thời điểm. Vì thế, bà Lương dễ dàng tiếp cận tài liệu mật mà người tình mang tới nhà mình.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc thành công trong nhiều vụ đánh cắp bí mật Mỹ tiếp tục là thách thức lớn đối với lực lượng phản gián Mỹ. Theo họ, các cơ quan phản gián vốn quen với thông số dễ chịu thời Chiến tranh Lạnh và gần đây là cuộc chiến chống al-Qaeda phải nghĩ lại về những ưu tiên của họ, phải tập trung nguồn lực, năng lượng về phía đông để chống gián điệp Trung Quốc. Nếu không, các tài liệu mật như trong vụ đầu đạn hạt nhân W-88 sẽ tiếp tục tìm đường tới Bắc Kinh.
Đầu đạn W-88 được Hải quân Mỹ sử dụng trong tên lửa Trident II là vũ khí nhiệt hạch chiến lược tinh vi nhất của nước này. W-88 là một trong hai loại đầu đạn hạt nhân trong tên lửa phóng từ tàu ngầm Mỹ. Nước này hiện có gần 400 đầu đạn W-88 và hơn 3.000 đầu đạn W-76. Trong quá trình điều tra vụ gián điệp Trung Quốc liên quan chương trình vũ khí hạt nhân Mỹ, một sự thật được phơi bày: Bom khinh khí hiện đại của Mỹ sử dụng lõi không phải hình cầu. Đây là kỹ thuật chính để chế tạo đầu đạn cỡ nhỏ. |
Minh Long
The New York Times, Global Security