Thiếu chủ bút, WikiLeaks có trụ vững?

Giao diện trang chủ WikiLeaks ngày 5 -12 với hình của Julian Assange và thông điệp “Giúp WikiLeaks khiến các chính phủ phải công khai”. Ảnh: M.L
Giao diện trang chủ WikiLeaks ngày 5 -12 với hình của Julian Assange và thông điệp “Giúp WikiLeaks khiến các chính phủ phải công khai”. Ảnh: M.L
TP - Cuối tuần qua, máy chủ của WikiLeaks ở Pháp đóng máy theo lệnh của chính phủ, tài khoản PayPal của WikiLeaks dùng để nhận đóng góp tài chính (nguồn thu chủ yếu của website này) bị PayPal cấm vĩnh viễn, cảnh sát Úc bắt đầu điều tra người sáng lập - chủ bút Julian Assange… WikiLeaks vừa đưa thông điệp lên Twitter: “Hạn chế chúng tôi, chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn”.

> Giữ mồm, giữ miệng

Giao diện trang chủ WikiLeaks ngày 5 -12 với hình của Julian Assange và thông điệp “Giúp WikiLeaks khiến các chính phủ phải công khai”. Ảnh: M.L
Giao diện trang chủ WikiLeaks ngày 5 -12 với hình của Julian Assange
và thông điệp “Giúp WikiLeaks khiến các chính phủ phải công khai”. Ảnh: M.L.

Có thể có nhiều WikiLeaks

WikiLeaks đã thành lập một công ty tư nhân ở Iceland nhằm tái cấu trúc hoạt động toàn cầu của website. Ngoài ra, WikiLeaks đang lập các đơn vị pháp lý ở Thụy Điển và Pháp, người phát ngôn của website, Kristinn Hrafnsson, nói. Đây cũng là bước khởi đầu để thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo, trong đó có mở tài khoản ngân hàng.

Mới đây, chính phủ Iceland thông qua nghị quyết ủng hộ một dự luật nhằm biến quốc gia nhỏ bé này thành thiên đường báo chí bằng cách bảo vệ nhà báo và nguồn tin của họ ở cấp độ cao nhất. Dự luật này có phần đóng góp của Assange. Những người ủng hộ Assange hy vọng dự luật được thông qua vào năm tới và WikiLeaks sẽ có nơi trú thân an toàn hơn.

Ngày 4-12, Assange tuyên bố trên mạng rằng WikiLeaks đã thực hiện các bước đi cần thiết để website không bị cấm khẩu. WikiLeaks đã gửi tài liệu ngoại giao của Mỹ và các tài liệu mật khác được mã hóa cho hơn 100.000 người. “Nếu có chuyện gì xảy ra với chúng tôi, các phần quan trọng của tài liệu sẽ tự động được công bố. Lịch sử sẽ chiến thắng”, Assange nói. Daniel Schmitt, cựu phát ngôn viên của WikiLeaks, cho biết muốn lập một website tương tự WikiLeaks, và nhiều người khác có thể làm tương tự.

“Tôi nghĩ ý tưởng cơ bản đó có tương lai. Việc tiết lộ các hồ sơ mật theo cách ẩn danh dễ dàng hơn bao giờ hết. Ưu điểm minh bạch và tính chịu trách nhiệm của chính phủ được ghi nhận rộng rãi hơn bao giờ hết. Hai nhân tố này tạo thành nền tảng cho hoạt động kiểu như WikiLeaks”, Steven Aftergood, người nghiên cứu về chính sách bí mật của chính phủ tại Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ, nhận định.

Sau khi công bố 250.000 tài liệu ngoại giao mật của Mỹ hôm 28-11, WikiLeaks bị chính phủ nhiều nước có tên trong tài liệu chỉ trích. Website bị tấn công cả trong lĩnh vực pháp lý và không gian ảo. Trang web, cụ thể là những máy chủ chứa dữ liệu, liên tục bị tin tặc thăm viếng. Julian Assange (từng là hacker khét tiếng) phải rút vào hoạt động trong bóng tối sau khi bị buộc tội liên quan sex.

“Cho dù chuyện gì xảy ra với tên miền và tổ chức này, ý tưởng của WikiLeaks (công bố thông tin mật mà ban quản trị cho rằng thế giới cần biết) sẽ tiếp diễn”, Joshua Benton, Giám đốc Dự án Báo chí Nieman (Mỹ), nhận định. Ben Laurie, chuyên gia bảo mật dữ liệu (người làm cố vấn cho WikiLeaks trước khi website được thành lập năm 2006), chung quan điểm: “Ý tưởng sẽ không mất đi. Đóng cửa mọi chuyện thật sự là khó khăn, nếu họ muốn đứng dậy. Hãy nhìn những thứ khác mà người ta không muốn diễn ra trên mạng - lừa đảo, tin rác, tranh ảnh khiêu dâm. Chúng vẫn còn đó”.

Hiện nay, người ta hầu như không biết gì về hoạt động hằng ngày của WikiLeaks. Website không có trụ sở, nhân viên không được trả lương, nếu có thì chỉ một số rất ít. Julian Assange, người sáng lập (hoặc tổng biên tập theo cách gọi của người đàn ông Úc 39 tuổi tóc bạch kim đang bị Interpol truy nã toàn cầu), không có địa chỉ cố định. Assange có mặt trên trang bìa của nhiều tờ báo, tạp chí khắp thế giới.

Trở thành cột thu lôi

Người sáng lập WikiLeaks là đối tượng trong lệnh bắt phát đi từ Thụy Điển, với tội cưỡng hiếp, quấy rối tình dục và ép buộc trái phép. Nếu cảnh sát Anh bắt Assange, ông ta sẽ dính vào cuộc chiến pháp lý dai dẳng về dẫn độ và có thể phải ngồi tù. Assange phủ nhận các cáo buộc.

Luật sư người Anh của Assange, Mark Stephens, nói rằng, cáo buộc bắt nguồn từ một tranh cãi về “tình dục đồng thuận nhưng không an toàn”. Vị luật sư nói rằng, thân chủ của ông vui lòng nói chuyện với công tố viên Thụy Điển, và đã cung cấp thông tin liên hệ cho giới chức Thụy Điển và Anh.

Assange cũng gây thù chuốc oán ở Mỹ, đặc biệt kể từ đầu năm nay, khi WikiLeaks tiết lộ hàng nghìn tài liệu bí mật về cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Mới đây, các chính khách Mỹ kêu gọi truy tố Assange về tội hoạt động gián điệp, hoặc những tội danh ghê gớm hơn.

Nguyên ứng cử viên phó tổng thống Sarah Palin nêu câu hỏi trên Facebook: “Tại sao chúng ta không xử lý anh ta (Assange) với độ cấp thiết như với các thủ lĩnh al-Qaida và Taliban?”. Cuối tuần qua, Assange phát biểu trên mạng: “Tôi đã trở thành cột thu lôi”.

Thái An (tổng hợp)
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG