Huyền như bị Đề nghị chung thân
Trong phiên tòa mở ngày 13/1, chủ tọa Nguyễn Đức Sáu cho biết, có 5 luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn dân sự, bị hại gửi đơn kiến nghị yêu cầu được tiếp tục thẩm vấn đại diện Vietinbank và đề nghị Vietinbank phải trả lời.
Song HĐXX cho rằng, có đến 31 luật sư đặt câu hỏi với đại diện Vietinbank và trong phiên xét xử trước, HĐXX đã thông báo khi vào phần tranh tụng thì Vietinbank phải tranh tụng tại tòa. Bởi vậy, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận, nên bác kiến nghị của nhóm năm luật sư.
Trong phần luận tội, công tố viên nêu quan điểm, ngân hàng ACB và Navibank ngay từ đầu từ chối tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án là không phù hợp. Bởi lẽ, hai ngân hàng này đã được bị cáo Huyền Như dẫn dụ thực hiện hành vi lừa đảo, cho thấy ACB và Navibank chấp nhận mọi rủi ro, không gặp người đại diện ký hợp đồng.
Do vậy, xác định ACB và Navibank là 2 đơn vị nguyên đơn dân sự trong vụ án này là phù hợp pháp luật. Đồng thời, những hành vi của Huyền Như thực hiện ngoài kiểm soát của Vietinbank nên Như phải có trách nhiệm bồi thường, chứ không phải Vietinbank. Công tố viên cho rằng, cáo trạng đã truy tố đúng người, đúng tội.
Theo đó, công tố viên đề nghị, mức án đối với Huyền Như và Võ Anh Tuấn cùng chung mức án tù chung thân.
Đề nghị khởi tố
Đại diện Viện KSND thực hiện quyền công tố cũng đề nghị HĐXX khởi tố vụ án và kiến nghị khởi tố bổ sung một số cán bộ lãnh đạo 4 ngân hàng đã và đang làm việc.
Cụ thể, đề nghị khởi tố hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với 2 phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM là bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng, vì 2 người này đã tạo “khe hở” cho Huyền Như lừa đảo ACB và Navibank.
Ngoài ra, đại diện Viện KSND cũng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị Vietinbank kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân lãnh đạo để Huyền Như lừa đảo kéo dài, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Một số cá nhân thuộc ACB, Navibank, Maritimebank… được cho là đã thỏa thuận với bị cáo Huyền Như để hưởng lãi suất chênh lệch trái pháp luật.
Theo công tố viên, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố các bị can Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá… là cựu lãnh đạo ACB, nhưng 3 ngân hàng còn lại cũng có cùng hành vi với ACB.
Công tố viên kiến nghị lãnh đạo liên ngành tố tụng T.Ư xem xét trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân có trách nhiệm ở những ngân hàng còn lại trong việc đưa ra những chủ trương trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Công tố viên cũng kiến nghị khởi tố bà Vũ Hồng Hạnh - Tổng giám đốc Cty CP chứng khoán Phương Đông (ORS, nơi Huyền Như là thành viên HĐQT) về hành vi cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong quá trình xảy ra vụ án, bà Hạnh được cho là biết Như có hành vi gian dối nhưng không báo cho Vietinbank, thậm chí còn hợp thức hóa 7 lệnh chi khống.
Ngoài ra, công tố viên cũng kiến nghị tòa yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố bổ sung đối với những người giúp việc cho Huyền Như đã ký vào những hợp đồng vay tiền của ngân hàng VIB để giúp Huyền Như chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng này.
Nhóm cho vay nặng lãi cũng bị công tố viên đề nghị áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Bị cáo Nguyễn Thiên Lý bị đề nghị từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù và tổng hợp với hình phạt 4 năm tù cho tội vận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước đây; Hùng Mỹ Phương từ 2 năm 3 tháng đến 2 năm 6 tháng tù và Phạm Văn Chí từ 9-12 tháng tù.
“VietinBank phải có trách nhiệm với khách hàng”
GS.VS. TSKH Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Kinh tế, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, trong vụ án này, Huyền Như là người thay mặt cho Vietinbank nhận tiền của khách hàng, vì vậy VietinBank phải có trách nhiệm với khách hàng của mình. Việc Vietinbank có hay không có trách nhiệm sẽ xác lập thang điểm uy tín cho ngân hàng này. Trong lĩnh vực ngân hàng, uy tín của ngân hàng được đặt lên hàng đầu khi người ta lựa chọn nơi gửi gắm tài sản, nơi cung cấp nguồn vốn, nơi để đầu tư...
Công Khanh