Metro Sài Gòn nợ như chúa chổm

Gói thầu số 2 (đoạn đi trên cao) tuyến metro số 1 đang được thi công.
Gói thầu số 2 (đoạn đi trên cao) tuyến metro số 1 đang được thi công.
TP - Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đồng ý tạm ứng 500 tỷ đồng vốn ngân sách trả nợ cho các nhà thầu thi công tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 để tránh nguy cơ lãn công song số tiền trên chỉ như muối bỏ biển.

Chậm vốn, chậm tiến độ

Tuyến metro 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương), trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km đi trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.  Tính đến cuối tháng 7, tuyến metro 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn thành 67,4% khối lượng thi công với chiều dài 17,2 km. Dự kiến trong tháng 8/2017 các nhà thầu sẽ lắp đường ray.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết nhu cầu vốn ODA nguồn ngân sách Trung ương cấp phát giai đoạn 2016-2020 cho dự án tuyến metro số 1 là hơn 20.900 tỷ đồng. UBND TPHCM đã ba lần kiến nghị Thủ tướng bố trí đủ vốn nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới bố trí 7.500 tỷ cho dự án tuyến metro số 1. Với số vốn này, TPHCM chỉ đáp ứng được 39% nhu cầu vốn.

Do không đảm bảo tiến độ thanh toán theo hợp đồng nên một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị giãn tiến độ thi công và có thể sẽ dừng thi công nếu tiến độ giải ngân vẫn tiếp tục chậm trễ như hiện nay.

Theo Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM Lê Nguyễn Minh Quang, trong năm 2017, tuyến metro số 1 cần hơn 5.400 tỷ đồng, trong khi vốn Trung ương bố trí về thành phố là 2.100 tỷ đồng. Số tiền trên chỉ gần đủ trả nợ nhà thầu (1.339 tỷ đồng) và tiền tạm ứng 900 tỷ từ ngân sách của UBND TPHCM để nhà thầu thanh toán lương, thưởng cho công nhân về quê ăn Tết.

“Chúng tôi đang thúc nhà thầu sớm hoàn thành tiến độ dự án càng sớm càng tốt. Nhà thầu chấp thuận và làm quyết liệt nhưng họ cũng gay gắt trong việc yêu cầu thanh toán theo đúng tiến độ “, ông Quang cho hay.

Nghiêm trọng hơn, tình trạng “giật gấu, vá vai” trong quá trình thực hiện dự án tuyến metro số 1 đã ảnh hưởng đến nhiều dự án khác. Ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết khi đặt vấn đề về tài trợ vốn ODA cho một số tuyến metro khác, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA nói thẳng “trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán”.

“Từ thực tế của tuyến metro số 1, JICA rất quan ngại trong việc bố trí vốn cho các dự án khác… Các nhà tài trợ rất bức xúc, cho rằng tiền họ lo được nhưng chúng ta bị vòng lẩn quẩn và không thanh toán được”, ông Quang nói.

Nợ đầm đìa, vì đâu?

Theo ông Quang, vấn đề lớn nhất của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hiện nay là phân bổ vốn từ Trung ương. Từ tháng 9/2016, Bộ Tài chính đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp bởi vì đã thanh toán vượt vốn ODA của năm 2016.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho hay vốn trung hạn trong khoảng 300.000 tỷ đồng của Trung ương thì đã bố trí cho TPHCM 15.000 tỷ đồng. Số tiền này là đã phân bổ hết theo khuôn khổ pháp lý phê duyệt các dự án của TPHCM.

Đối với tuyến metro số 1, trước kia Thủ tướng phê duyệt tổng vốn đầu tư dự án là 19.000 tỷ đồng nhưng hiện nay TPHCM đề nghị tăng lên 47.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn gấp gần 3 lần ban đầu chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bộ KH&ĐT tiếp tục phân bổ vốn là việc chẳng đặng đừng để tránh công trình ngưng trệ do đang thi công dở dang.

“Nghị quyết số 49 của Quốc hội quy định các dự án đang làm hoặc chưa làm nhưng tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên là dự án quan trọng quốc gia, phải báo cáo Quốc hội. Dự án tuyến metro số 1 đã tăng lên 47.000 tỷ đồng rồi, phải báo cáo Quốc hội cho chủ trương chứ còn không thì chắc là chịu, không dám làm”, ông Thu nói.

Theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TPHCM (HASCON), trước năm 2006, Quốc hội đã có Nghị quyết 66, bất cứ dự án nào có vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng thì Chính phủ phải trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Quốc hội xem xét và bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư.

Năm 2007, khi TPHCM trình dự án này, tổng dự toán công trình là 1,09 tỷ USD (tương đương 19.000 tỷ đồng), dưới mức 20.000 tỷ đồng Quốc hội hạn định nên TPHCM chỉ cần trình Thủ tướng phê duyệt.

Năm 2010, Quốc hội có nghị quyết mới, nâng mức 20.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng, có nghĩa, những công trình trên 35.000 tỷ đồng thì phải trình Quốc hội. TPHCM đã điều chỉnh dự án vào năm 2011, nâng tổng mức đầu tư lên 2.49 tỷ USD (tương đương 47.000 tỷ đồng), tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm ban đầu và cao hơn hạn mức 35.000 tỷ đồng của Quốc hội nhưng TPHCM lại không trình Quốc hội thông qua. Đây là một thiếu sót rất lớn cần phải xem xét một cách nghiêm túc.

Đáng nói hơn, sau khi điều chỉnh tăng vốn, TPHCM đã cho khởi công dự án vào tháng 8/2012 khi Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư.

Theo UBND TPHCM, nguyên nhân dự án “đội vốn” là do biến động giá nguyên - nhiên liệu, tỷ giá ngoại hối, việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến 2009, đầu tư đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga, các trang thiết bị, hệ thống tiên tiến... nâng cao hiệu quả khai thác.

“Từ thực tế của tuyến metro số 1, JICA rất quan ngại trong việc bố trí vốn cho các dự án khác…. Các nhà tài trợ rất bức xúc, cho rằng tiền họ lo được nhưng chúng ta bị vòng lẩn quẩn và không thanh toán được”.

Đội vốn

Ngoài tuyến metro số 1, tuyến metro số 2 và số 5 cũng đội vốn rất cao so với dự toán ban đầu. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang được đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2.152,36 triệu USD (tương đương 47.605 tỷ đồng, tăng khoảng 56,6% so với tổng mức đầu tư được duyệt năm 2010). Ba khoản chi phí tăng mạnh nhất tại dự án này là bồi thường giải phóng mặt bằng tăng từ 119,38 triệu USD lên 197,88 triệu USD; xây lắp và mua sắm từ 748,11 lên 1.198 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng từ 263 triệu USD lên 368 triệu USD.

Riêng tuyến số 5 (giai đoạn 1) dài gần 9 km (ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn) khi đăng ký danh mục dự án ODA chỉ ước khoảng 833 triệu EURO (năm 2011). Tuy nhiên, tính đến nay tổng mức đầu tư dự án này ước khoảng hơn 1,5 tỷ EURO (tăng 87%). Nguyên nhân làm thay đổi tổng mức đầu tư là do tính toán lại khối lượng toàn bộ dự án, bổ sung 5% chi phí quản lý dự án, 7% chi phí tư vấn xây dựng theo quy định mới...

Đánh giá về nguyên nhân đội vốn, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho rằng do chủ đầu tư, các tư vấn lập dự án và tư vấn thẩm tra trong nước chưa có kinh nghiệm, dẫn đến việc tính toán chưa sát thực tế. Các chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý dự án tính theo quy định trong nước nên rất thấp. Đồng thời do các dự án chậm triển khai nên chịu ảnh hưởng của trượt giá, lạm phát.

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, TPHCM có 8 tuyến metro gồm: Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km (dự kiến kéo dài đến Bình Dương); Tuyến số 2: Thủ Thiêm - Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khoảng 48 km (làm trước đoạn Bến Thành - Tham Lương).

Ngoài ra, tuyến 3A: Bến Thành - Tân Kiên khoảng 20 km; Tuyến 3B: Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước dài hơn 12 km; Tuyến số 4A: Cầu Bến Cát - Khu đô thị Hiệp Phước dài 36 km; Tuyến 4B: Ga Công viên Gia Định - Ga Lăng Cha Cả dài 5,2 km; Tuyến số 5: Cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc (khoảng 17 km); Tuyến số 6: Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm (dài hơn 6 km).

MỚI - NÓNG