Dầm chữ U do nhà thầu Systra (Pháp) thiết kế, thi công và lao dầm do Liên danh FVR thực hiện. Thiết kế dầm chữ U được cho là sẽ tạo nên thẩm mỹ, thanh mảnh, đồng thời hai cánh dầm dùng làm tường chắn ồn.
Sau khi thực hiện thi công, trên công trường bãi đúc dầm, các gói thầu, bộ phận của FVR hoạt động nhịp nhàng từ khu làm lồng thép, công đoạn lắp vào khuôn, đổ bê tông đến kiểm tra và vận chuyển các đốt dầm tới vị trí lắp.
Những lồng thép dày đặc các loại phi thép từ loại lớn nhất phi 32 đến loại nhỏ phi 10 được buộc nối bằng những chiếc khung sắt khuôn sẵn. Sau khi hoàn thiện, mỗi chiếc lồng có trong lượng hàng chục tấn sẽ được cẩu xuống bãi đổ bê tông.
Những khuôn đúc dầm tại bãi đúc của FVR đều được nhập từ Italy. Kỹ sư Phạm Hoàng Tuấn cho biết, các kỹ sư thi công sẽ kiểm tra thông số kỹ thuật của lồng thép sau khi lắp vào khuôn. Tuy vậy, những lồng thép này đã được gia công đúng chuẩn tỷ lệ yêu cầu nên khi lắp vào chỉ cần khớp với các con C da bê tông là có thể hoàn chỉnh.
Công nhân làm sạch, khô lồng thép, khuôn đúc để đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ khi hoàn thiện xong đốt dầm.
Trước khi bơm bê tông vào, mỗi khuôn đúc đều được kỹ sư kiểm tra, nghiệm thu theo đúng thông số kỹ thuật.
Bê tông bơm vào khuôn, công nhân dùng 4 đầm dùi để bê tông được nèn chặt lại. Họ cho biết, việc dùng đầm dùi với số lượng nhiều cùng hoạt động sẽ đảm bảo bê tông được đầm kỹ và không bị rỗ.
Mặt trên của đốt dần được làm bóng, đảm bảo thẩm mỹ khi đưa ra khỏi khuôn.
Một đốt dầm đúc ngày 18/8 vừa được tháo ra khỏi khuôn. Các đốt dầm dài 11,1 mét, chiều rộng đáy dầm 9,5 mét, cao 2 mét. Đốt dầm có trọng lượng lớn nhất khoảng 42 tấn, một dầm U điển hình 35 m nặng khoảng 500 tấn.
Sau khi được tháo ra khỏi khuôn một thời gian, các đốt dầm sẽ được cẩu ra khu vực bãi đặt.
Tại khu vực này, một bộ phận công nhân sẽ thực hiện việc đục, trám và đánh bóng các lỗ khí nhỏ tạo độ bóng cho da đốt dầm.
Công nhân Phạm Đức Oanh cho biết, khâu vệ sinh đốt dầm nhìn đơn giản nhưng rất quan trọng. "Từ việc vệ sinh các lỗ ống gen, lỗ lắp điện sạch sẽ để đút cáp, dây điện vào khi lắp thành nhịp đến đục bỏ những chi tiết thừa nhỏ nhất trong quá trình đổ bê tông đều không thể bỏ qua", anh Oanh nói.
Sau khi vệ sinh đốt dầm hoàn thành, các kỹ sư sẽ kiểm tra toàn diện rồi cẩu lên xe.
Xe tải chuyên dụng vận chuyển đốt dầm nặng hơn 40 tấn tới khu vực lắp lao dầm.
Theo nhà thầu thi công, sau gần 5 tháng, bãi đúc dầm nằm trên địa bàn quận 9 đã đúc được 700 đốt trong tổng số 4.563 đốt (tương đương với 372 nhịp cầu cạn) của tuyến metro số 1.
12 km cầu cạn đang được thi công bằng biện pháp lao lắp trên hệ đà giáo di động với 3 mũi thi công tại phường Thảo Điền (quận 2), phường Trường Thọ và phường Linh Trung (quận Thủ Đức). Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, các dầm cầu cạn (dầm giản đơn) có khẩu độ điển hình 35 m (một số dầm có khẩu độ ngắn hơn) sẽ được phân chia thành 13 đốt dầm gồm 2 đỉnh trụ dài 1,7 m và 11 đốt giữa dài 2,8 m.
Mỗi nhịp gồm 13 đốt dầm được treo trên hệ đà giáo di động và ghép thành một nhịp cầu hoàn chỉnh. Công nghệ lắp hẫng cân bằng đòi hỏi trình độ, kỹ thuật rất cao từ công xưởng cho đến việc vận chuyển, lắp ghép ngoài công trường. Có thể nói đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng ở Việt Nam.
Các đốt dầm được liên kết vĩnh cửu với nhau bởi khóa chống cắt, keo epoxy và cáp dự ứng lực dọc theo dầm. Công tác lao lắp dầm đang được nhà thầu tiến hành theo dạng cuốn chiếu, vừa đúc vừa lắp kéo dài trong thời gian 2 năm.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công vào tháng 8/2012. Công trình dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương), trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm và hơn 17 km trên cao. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2019 và đưa vào khai thác sử dụng toàn tuyến từ năm 2020.