Đặc khu trực thuộc trung ương hay địa phương?

Một khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: TP.
Một khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: TP.
TP - Hôm nay (11/9), theo dự kiến, Bộ KH&ĐT sẽ trình dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đây là đạo luật quan trọng, nhằm thu hút, khuyến khích những nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển kinh tế.

Đạo luật này được áp dụng với tổ chức và cá nhân có liên quan đến đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Ba đơn vị này mang trong mình khát vọng trở thành những đặc khu kinh tế mang tầm cỡ khu vực và thế giới. Luật sẽ quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước
tại đây.

Trên cơ sở đó, nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư các ngành, nghề ưu tiên phát triển, công nghệ cao. Đồng thời áp dụng phương thức quản lý tiên tiến từ nước ngoài và hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại, chất lượng cao tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

“Làm tổ đại bàng khác tổ chim sẻ”

Trao đổi với PV Tiền Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm tạo ra một môi trường mới, làm động lực phát triển kinh tế, với những cơ chế đặc thù vượt trội. Nhấn mạnh sự cần thiết, tuy nhiên, ông Lê Thanh Vân cũng lưu ý ba vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Trước tiên, cần chú trọng đến việc “lót ổ chính sách”, tạo ra sự hấp dẫn thu hút đầu tư, chứ không phải dùng nhiều ngân sách nhà nước, nếu có thì cũng chỉ là vốn mồi. Còn chính sách ra sao tùy thuộc vào từng đối tượng hướng tới. “Làm tổ cho đại bàng, phượng hoàng sẽ khác làm tổ cho chim sẻ”, ông Vân ví von.

Trên cơ sở đó, muốn thu hút đầu tư từ Mỹ, Canada, Nhật Bản, Singapore... chúng ta phải tham khảo khuôn khổ pháp lý ở nước họ. Từ đó, chúng ta phải đưa ra những chính sách vượt trội hơn, có như thế mới thu hút được nhà đầu tư.

Lưu ý thứ hai được ông Vân nhấn mạnh là không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Bởi các đặc khu kinh tế dự kiến thành lập đều ở vị trí chiến lược, ngay sát biển Đông, nên phải hết sức cẩn trọng trong thu hút đầu tư.

Thứ ba, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đặc khu cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm. Luật tổ chức chính quyền địa phương có hẳn một chương với 4 điều, đã định dạng mô hình của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Chính vì thế làm sao phải đảm bảo sự thống nhất giữa hai luật này.

“Một mặt “lót ổ chính sách” để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển ở các đặc khu, nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo tôn trọng kỷ cương phép nước, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật”, ông Vân lưu ý.

Đặc khu có HĐND không?

Trước đòi hỏi đồng bộ về pháp luật, một số vấn đề được đặt ra là: Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trực thuộc trung ương hay trực thuộc cấp tỉnh? Để đặc khu có tính năng động thì tổ chức bộ máy ra sao? Có hội đồng nhân dân ( HĐND) hay không?

“Theo luật thì chính quyền địa phương có HĐND, UBND, nhưng ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có tổ chức mô hình mới là không có HĐND. Mặt khác, về nguyên tắc, chính quyền phải chịu sự giám sát của HĐND. Vậy câu chuyện ở đây là người đứng đầu, UBND sẽ chịu sự giám sát của ai? Tổ chức mô hình theo chế độ thủ trưởng, hay chế độ tập thể?”. Theo ông Lê Thanh Vân, đó là những vấn đề cần phải bàn cho kỹ.

Trước đó, Thường trực Chính phủ đã tổ chức cuộc họp, thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm xây dựng luật tốt nhất, bảo đảm tính bền vững, lâu dài trong phát triển, bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực. Đồng thời, phải tính trước mắt và lâu dài, xem Việt Nam đang cần gì để chấp nhận những yêu cầu cụ thể ở từng đặc khu; bảo đảm tinh thần xanh, sạch, đẹp, công nghệ cao, không trái điều ước quốc tế.

Thủ tướng cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng cần tiến hành đánh giá tác động, “lợi người lợi ta” là cái gì. Thủ tướng cũng nhất trí việc tạo lập khung thể chế vượt trội, vượt trên các luật hiện hành, có chính sách đặc thù trên tinh thần kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời mở cửa thị trường, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh, phát huy lợi thế từng đặc khu.

“Theo luật thì chính quyền địa phương có HĐND, UBND, nhưng ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có tổ chức mô hình mới là không có HĐND. Mặt khác, về nguyên tắc, chính quyền phải chịu sự giám sát của HĐND. Vậy câu chuyện ở đây là người đứng đầu, UBND sẽ chịu sự giám sát của ai? Tổ chức mô hình theo chế độ thủ trưởng, hay chế độ tập thể?”          

 ĐBQH Lê Thanh Vân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 14

Hôm nay (11/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 14, kéo dài đến 20/9. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Bộ KH&ĐT soạn thảo. Cùng với đó là các dự án luật mới khác, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật An ninh mạng…

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Thường vụ Quốc hội cũng sẽ dành thời gian thảo luận về kế hoạch kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước. Cùng với đó, Thường vụ Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Luân Dũng

MỚI - NÓNG