> 'Ngắc ngoải', thiếu thị trường
> Lúa, cá lỗ nặng nông dân kiệt sức
Hà Nội: Chết dở với phí thuê quầy
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, việc kinh doanh gặp khó khăn cả năm qua nhưng giá thuê tại các TTTM Hà Nội vẫn “neo” ở mức cao. Khách hàng vào thuê kiốt bán hàng còn phải chịu phí dịch vụ, phí marketing, thuế... lên đến hàng chục triệu/tháng.
TTTM Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) từng được ví như thiên đường mua sắm đệ nhất Hà thành, sau 2 năm hoạt động, cuối năm 2012, TTTM phải đóng cửa vì ế ẩm, chủ đầu tư và khách thuê không thống nhất được giá và các loại phí dịch vụ.
Chị Ánh Tuyết, đại diện công ty kinh doanh nhà hàng ăn uống trên tầng 4 TTTM Grand Plaza cho biết, Cty ký hợp đồng với Cty cổ phần quản lý tài sản IDJ thuê kiốt rộng 43,4m2 với giá 35 USD/m2/tháng từ tháng 7/2011.
Ngoài giá thuê, gian hàng phải chịu thêm phí dịch vụ 10 USD/m2/tháng, tiền marketing: 2USD/m2/tháng, phí gas... Tổng chi phí phải chi cho một gian hàng lên đến gần 50 triệu đồng/tháng.
“Mỗi tháng chúng tôi phải trả tiền thuê mặt bằng hơn một nghìn USD nhưng tiền thu lại từ dịch vụ ăn uống không đủ trả cho tiền thuê mặt bằng. Chúng tôi phải chịu lỗ tiền thuê nhân viên phục vụ và các chi phí phát sinh, vì vậy không thể cầm cự nổi”. Đại diện nhà hàng Phố Biển - TTTM Thiên Sơn |
“Đến tháng 11/2012, chủ đầu tư đột ngột thông báo sẽ tăng phí dịch vụ hơn 100.000 đồng/m2/tháng lên 1 triệu đồng/m2/tháng chưa bao gồm thuế VAT. Với mức phí điều chỉnh này, Cty phải trả gần 100 triệu đồng/tháng để bán hàng trong TTTM. Giá thuê, phí cao trong khi khách vắng, khiến Cty chúng tôi không thể có lãi”, chị nói.
Khi mới khai trương, TTTM Hàng Da Galleria cũng hút khá nhiều khách thuê kiốt với kỳ vọng “hốt bạc” từ khách tới mua sắm vì nằm tại vị trí đắc địa, cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 1km.
“Ngoài phí thuê mặt bằng trên 30 USDm2/tháng, chủ quầy phải trả phí dịch vụ 6 USD/m2/tháng, phí marketing 2 USD/m2/tháng, thuế trung gian 50% giá trị sản phẩm. Khách tới TTTM thưa thớt nên tôi không thể trụ được”, chị Hợp, thuê tầng 2 bán giày dép thương hiệu của Pháp cho biết.
Tình trạng khách thuê rơi rụng cũng diễn ra với TTTM Parkson Keangnam Land Mark Tower (Phạm Hùng, Từ Liêm), trái ngược với tỉ lệ lấp đầy lên tới 90% vào tháng 11/2011. Có mặt tại TTTM ngày 7/6, PV ghi nhận cả buổi sáng các quầy hàng mỹ phẩm tại tầng 3 chỉ thấy nhân viên ngồi “buôn chuyện”.
“Có hôm cả ngày không bán được sản phẩm nào, điều này ảnh hưởng đến thu nhập của nhân viên. Tình trạng ế ẩm diễn ra cả năm nay nên chủ thuê gian hàng sẽ nghỉ bán vào thời gian tới nếu tình hình bán hàng cuối năm không tăng cao”, chị Hồng, bán đồ mỹ phẩm thương hiệu OHui chia sẻ.
“Doanh số bán hàng nội thất tại trung tâm 2 năm nay sụt giảm đến 70% do tình hình thị trường bất động sản đóng băng. Nhiều gian hàng không trụ được phải trả lại mặt bằng, chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng khác. Có những tháng chúng tôi không bán được sản phẩm nào nhưng tiền thuê mặt bằng, phí dịch vụ vẫn phải trả”, chị Thu Nga, nhân viên bán bàn ghế chia sẻ.
TPHCM: Cắn răng chịu lỗ
Nhiều gian hàng như thế này tại TPHCM đang mong muốn bán tháo để trả lại mặt bằng. Ảnh: L.N. |
Dù có vị trí địa lý và giao thông thuận tiện (gần sân bay Tân Sơn Nhất và Sân vận động quân khu 7), tòa nhà WASECO Plaza, diện tích xây dựng khoảng 30 nghìn m2, sau nhiều năm hoạt động, đến nay vẫn còn 40% gian hàng chưa ai thuê. Trung tâm mua sắm Pico Plaza ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình cũng chung tình trạng.
Chị Nguyễn Thị Anh, kinh doanh mặt hàng thời trang ở Pico Plaza, quận Tân Bình sau một thời gian ế ẩm đã phải trả lại mặt bằng. “Trung tâm thương mại mới, lượng khách vào ra quá ít, việc mua bán rất khó. Chúng tôi thuê ở đây mỗi tháng phải trả tiền triệu nhưng bán chỉ thu được tiền trăm. Không đủ trả tiền mặt bằng thì làm sao mà nói đến lời”, chị Anh ngao ngán.
Còn theo anh Hồ Văn Dửng, bán hàng tại khu này, mấy tháng trước khi khai trương cửa hàng còn bán được. Nay mỗi tháng chỉ một vài khách ghé mua sắm. “Thực ra họ chỉ đến ngắm là chủ yếu, còn mua sắm rất ít”, anh Dửng nói.
Trung tâm thương mại Thiên Sơn Plaza ở quận 7 cũng đi vào hoạt động từ bốn năm nay nhưng vẫn không lấp đầy được chỗ trống. Theo người quản lý của trung tâm này, kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút khiến khách thuê không nhiều hoặc thuê rồi trả lại.
Anh Hoàng kinh doanh ở đây cho biết lúc đầu thuê hai gian hàng nhưng ế ẩm quá trả lại một gian, và bây giờ bán cầm cự qua ngày với một gian.
Còn chị Hoàng Mai bán hàng thời trang trẻ em ở đây cho biết tháng tới sẽ trả lại mặt bằng vì nguyên tháng năm vừa qua chẳng bán được sản phẩm nào dù đã khuyến mãi. Với kiểu buôn bán này thì không đủ trả tiền công cho nhân viên, nói gì đến lời lãi.
Khu ẩm thực Phố Biển ở Trung tâm thương mại Thiên Sơn đã đóng cửa hơn hai tháng nay.
“Mỗi tháng chúng tôi phải trả tiền thuê mặt bằng hơn một nghìn USD nhưng tiền thu lại từ dịch vụ ăn uống không đủ trả cho tiền thuê mặt bằng. Chúng tôi phải chịu lỗ tiền thuê nhân viên phục vụ và các chi phí phát sinh, vì vậy không thể cầm cự nổi”- đại diện nhà hàng cho biết.
Tại khu thương mại năm tầng này hiện thang máy cuốn không còn hoạt động, hàng loạt gian hàng bỏ trống và đang mời gọi đối tác vào đầu tư. Giá thuê cũng được trung tâm này khuyến mãi còn 7 USD/m2 cùng nhiều chương trình như: Miễn phí bãi đỗ ô tô, xe máy cho nhân viên và khách hàng; cung cấp máy phát điện 24/24 giờ kèm điều hòa trung tâm nhưng xem ra cũng không thể thu hút được khách hàng vào.
Bỏ trống đến bao giờ?
Theo khảo sát của PV, với tình trạng hiện nay, việc các TTTM như Hàng Da, Grand Plaza đóng cửa mà không biết ngày mở trở lại cũng dễ hiểu. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Đức Anh, Giám đốc TTTM Grand Plaza cho biết, trung tâm đóng cửa thay đổi lại chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, bao giờ trung tâm mở cửa trở lại không được ông tiết lộ. Còn ông Vũ Danh Hòa, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần thương mại Hàng Da, cho biết, đầu năm 2013, phía Cty đóng cửa ngừng cho thuê TTTM vì vắng khách thuê, đồng thời để nâng cấp, sửa chữa mới TTTM theo mô hình mới. Ông Hòa cũng ngập ngừng cho biết, sẽ mở cửa vào tháng 10/2013 tuy nhiên, ông cho biết, hiện chưa có khách hỏi thuê.