Theo trang tin quân sự Vpk, chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Ấn Độ (FGFA) do Công ty TNHH Hindustan Ấn Độ và Sukhoi Nga hợp tác phát triển dựa trên mẫu Sukhoi PAKFA T-50.
Trên thực tế, các chiến đấu cơ thế hệ năm T-50 PAK FA của Nga vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm, song Mosow tin rằng T-50 vượt trội chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ về khả năng cơ động và khả năng kiểm soát.
Tiết lộ của các kỹ sư Nga, FGFA của Ấn Độ có nhiều điểm chung với cấu trúc của T-50, nhưng cũng có một số thay đổi để phù hợp với đặc thù của không quân Ấn Độ. Đặc biệt, chiến đấu cơ thế hệ năm của Ấn Độ sẽ trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực mạng pha chủ động.
Ngoài ra, thiết kế khoang vũ khí của FGFA được cho là rất lớn, mang được 6 quả tên lửa đối không hoặc đối đất.
FGFA còn có thể thiết kế để mang được tên lửa hành trình siêu âm BrahMos phiên bản phóng trên không.
Theo kế hoạch, nguyên mẫu chiến đấu cơ thế hệ năm của Ấn Độ sẽ được thử nghiệm toàn diện từ năm 2014. Công tác bàn giao máy bay chiến đấu FGFA sẽ bắt đầu từ năm 2022, dự kiến Ấn Độ mua khoảng 250 chiếc.
Thỏa thuận giữa Ấn Độ và Nga là mỗi quốc gia sẽ đóng góp 50% chi phí. Tuy nhiên, phần lớn các chi tiết để tạo ra chiến đấu cơ thế hệ năm đều được thực hiện ở Nga do Ấn Độ không đáp ứng được cơ sở hạ tầng thích hợp cho việc sản xuất.
Trong khi đó, Ấn Độ muốn một thị phần lớn hơn trong việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ năm, nhằm đáp ứng nhu cầu tự sản xuất trong nước, qua đó tiết giảm chi phí nhập khẩu vũ khí ngày càng lớn của nước này.
Hiện Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 14% tổng số lượng vũ khí nhập khẩu toàn thế giới. Trong đó 75% vũ khí nhập từ Nga..
Ngoài ra, sức ép từ việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ năm J-20 của Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến Ấn Độ đẩy nhanh tiến độ sản xuất chiến đấu thế hệ mới.
Theo các nguồn tin tình báo, nếu Trung Quốc thành công với J-20, Pakistan, đối thủ của Ấn Độ, có thể là quốc gia đầu tiên được Bắc Kinh cung cấp chiến đấu cơ thế hệ mới nhất này.