Biên cương xanh
> Bí thư Trung ương Đoàn thăm thanh niên làm ăn giỏi
> Thủ tướng chỉ đạo chiến dịch tình nguyện hè
TPO - Là xã miền núi của thành phố vùng biên Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Sơn có gần 20 kilômet đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, là nơi sinh sống của đồng bào 4 dân tộc Kinh, Dao, Sán Chỉ, Tày.
Từ vị trí địa lý đó, tuổi trẻ xã Bắc Sơn đã có sáng kiến trồng tre tại bờ biên giới, góp phần gìn giữ môi trường, bảo vệ biên cương đất nước.
Bí thư Đoàn xã Bắc Sơn Đặng Văn Sinh giới thiệu những rặng tre đang lên xanh. |
Khẳng định chủ quyền bằng sức trẻ
Anh Nguyễn Văn Hoan (sinh năm 1976), một trong những Bí thư Đảng ủy trẻ nhất thành phố Móng Cái mới được luân chuyển từ trung tâm thành phố ra xã Bắc Sơn từ cuối năm 2012, giới thiệu tôi với chàng trai trẻ người dân tộc Dao cao to vạm vỡ Đặng Văn Sinh - Bí thư Đoàn thanh niên xã. Giữa cái nắng đầu hè oi ả và khó chịu, tôi được Bí thư Đoàn xã Bắc Sơn đưa ra thăm các khu vực trồng tre tại bờ sông biên giới.
Dừng xe ở cuối con đường bê tông dẫn ra gần bờ sông, anh Sinh dẫn tôi len lỏi giữa những vạt rừng tre bát độ um tùm, tỏa bóng râm mát. Đây cũng là rừng tre do thanh niên trong xã cùng bà con trồng cách đây 5 năm. Cách đó không xa là những bụi tre gai rậm rạp cành lá, như những bức tường vững chãi vừa để bảo vệ xóm làng, vừa giữ đất chống sạt lở xuống dòng sông. Băng qua vạt rừng tre bát độ, chúng tôi tới cột mốc số 1360. Từ đây, có thể đưa mắt ngắm nhìn những khóm tre mà đoàn viên thanh niên mới trồng năm ngoái đang bén rễ và nảy mầm lên xanh, vươn lên giữa bờ biên giới hiên ngang cùng với cột mốc như lời khẳng định chủ quyền và sự trường tồn của đất nước.
Rời cột mốc 1360, chúng tôi theo dọc vành đai biên giới tới khu vực Bãi Đá - nơi gần 80 bạn trẻ trong xã mới ra quân trồng tre vào cuối tháng 3 năm nay. Những gốc tre mới trồng trên bãi đất trống được gửi gắm bao niềm tin, ước vọng của các bạn trẻ về khát vọng hòa bình và sẵn sàng đem tuổi thanh xuân để bảo vệ yên bình cho Tổ quốc.
Tại thôn Phình Hồ, Bí thư Chi đoàn thôn Chỏong Văn Bình (người dân tộc Dao) và gần chục bạn trẻ trong thôn hăm hở dẫn chúng tôi băng qua những ruộng ngô và khoai lang đang lên xanh mơn mởn đến với bờ sông biên giới. Tại đây, xen kẽ giữa những mảnh vườn trồng hoa màu của bà con trong thôn là những rặng tre gai đang lên xanh tốt. Trong câu chuyện sôi nổi ngay dưới bóng tre, anh Đặng Văn Sinh cho biết, 5 năm trở lại đây, mỗi năm Đoàn xã lại tổ chức cho thanh niên các thôn trồng tre tại bờ sông biên giới từ 2-3 lượt, ngay sau những ngày trời mưa để tre nhanh bén rễ lên xanh. Chỉ riêng những tháng đầu năm nay, Đoàn xã đã tổ chức được 2 đợt ra quân, trồng gần 300 gốc tre…
Thanh niên thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn trồng và chăm sóc tre tại bờ sông biên giới. |
Giáo dục tinh thần yêu nước
Tuy nhiên, cũng ngay tại bờ sông biên giới, bên cạnh những khu vực được những khóm tre che chắn thì vẫn còn một số khu vực rất trống trải, đồng thời công tác bảo vệ, chăm sóc những khóm tre đã trồng cũng còn nhiều tồn tại. Chia sẻ với chúng tôi về những băn khoăn này, với tố chất tháo vát của một cán bộ trẻ đã nhiều năm đảm trách xuất sắc vị trí Chủ tịch phường Trần Phú (phường trung tâm thương mại của thành phố luôn sôi động bởi các hoạt động giao thương nơi địa đầu Tổ quốc), Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn Nguyễn Văn Hoan cho biết tới đây sẽ bàn bạc với Thành Đoàn Móng Cái để phối hợp với Bộ đội Biên phòng biến những đợt trồng tre tại bờ sông biên giới từ quy mô Đoàn xã lên quy mô rộng lớn hơn. Qua đó, để phong trào trồng tre biên giới, ngoài việc góp phần bảo vệ đất nước, che chở xóm làng bình yên, còn là hoạt động giáo dục tinh thần yêu nước có ý nghĩa nhất cho các tầng lớp nhân dân và tuổi trẻ địa phương.
Phạm Quỳnh