Chợt lớn lên và thấy mình nhỏ bé

Chợt lớn lên và thấy mình nhỏ bé
TP - Hơn chục ngày lênh đênh trên biển, hoàn thành hành trình hơn nghìn hải lý đến thăm 10 điểm đảo, những đoàn viên, thanh niên có may mắn được đến với quần đảo Trường Sa thực sự đã lớn lên, trưởng thành cả trong suy nghĩ và hành động.

> Gần 100 người ra Trường Sa làm việc, sinh sống
> Tặng Trường Sa cặp lộc bình Việt Nam long hình đồ

Tôi cứ mãi ấn tượng với hành động của cô gái trẻ tên Đoàn Hồng Trang ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trước lúc chia tay, Trang lấy từ trong ba lô ra một chai nước.

Cô ôm một anh lính trẻ bên cạnh và nói: “Chúng em đến đây, đã sử dụng mất nhiều nước ngọt của các anh. Chai nước này em mang theo từ trên tàu, dù rất ít thôi, nhưng mong các anh nhận lấy. Chúc các anh có thật nhiều mưa, thật nhiều nước ngọt để dự trữ”. Nghe Trang tâm sự, nhiều thành viên trong đoàn hành trình rưng rưng.

Trang chia sẻ thêm, mỗi lần đến với các điểm đảo trong hành trình, Trang đều mang theo nước từ trên tàu để tránh phải sử dụng nước ngọt ở trên đảo. Hơn ai hết, những người như Trang, khi đến với Trường Sa, đặc biệt sau khi tiếp xúc với những người lính trên đảo đều hiểu nước ngọt ở đây quý như thế nào.

Quý lắm, bởi nhiều khi, cả vài tháng trời mới có một trận mưa. Ngoài việc hứng nước mưa, thì phải vận chuyển từ đất liền ra đảo. Biết bao giọt mồ hôi đổ xuống mới mang được những giọt nước ngọt ra tới đảo xa…Việc sử dụng nước ngọt cũng tiết kiệm hết mức.

Có anh lính tâm sự, ở đây, quanh năm anh em cởi trần, để tránh việc phải dùng xà phòng giặt quần áo, bởi nếu nước có xà phòng sẽ không tận dụng cho lợn, gà uống và tưới cây được…

Tất nhiên, hiểu được điều đó, những bạn trẻ quen với mùi vị cuộc sống thị thành, vốn ồn ã, náo nhiệt cùng những cuộc hẹn hò cà phê, trà đá… sẽ biết thế nào là giá trị của cuộc sống, biết được giá trị thực của một cốc nước, một viên đá lạnh, một miếng hoa quả, một mớ rau xanh…mà bấy lâu vẫn nghĩ rằng đó là điều nhỏ nhặt.

Nhiều người đã trưởng thành, đã lớn lên sau chuyến đi. Đúng như Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải nhận xét, chuyến đi Trường Sa đã trở thành một Học kỳ quân đội trên biển để rèn giũa và trang bị những kiến thức, kỹ năng cho các bạn trẻ.

Gần 200 con người, từ mọi miền Tổ quốc gặp nhau, chưa quen thân nhưng khi đặt chân lên tàu bỗng trở thành đồng chí, chia sẻ cho nhau từng miếng cơm, chén nước… Mỗi sáng, việc dậy sớm từ 5h sáng theo hiệu lệnh “Báo thức toàn tàu” cùng những bản nhạc ca ngợi biển đảo đã thấm vào máu mỗi người.

Chẳng thế mà, dù xếp hàng đi đánh răng, mắt nhắm, mắt mở, nhiều người vẫn lẩm bẩm theo bài hát trên loa. Đến bây giờ, khi trở về đất liền rồi, những bài hát đó vẫn thường xuyên được các bạn trẻ nghêu ngao mỗi khi nhớ đến Trường Sa.

Lớn lên, trưởng thành hơn nhưng sẽ thấy mình nhỏ bé trước biển đảo quê hương, nhỏ bé trước tấm gương của những người lính đảo. Và nhiều người đã khóc, khi nghe được bài thơ của cô sinh viên Lê Na người xứ Nghệ viết tặng một chiến sĩ trên đảo: “Em nói rằng nhớ nhà quá chị ơi/Nhưng hỏi yêu đảo không/Chẳng đắn đo gật đầu em nói “Có!”/Đất liền bình yên, gia đình em ở đó/Nhưng Tổ quốc cần, em chẳng ngại hy sinh...”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG