Còn mang tính hình thức

Còn mang tính hình thức
TP - Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, từ ba năm nay, công tác đổi mới quản lý giáo dục ĐH tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu của thực tiễn. Nhiều chủ trương đổi mới tuy được các cơ sở đào tạo hưởng ứng nhưng lại triển khai một cách hình thức, không thực chất.

> Giáo dục đại học còn thiếu chiều sâu

Tăng học phí có tăng chất lượng?

Tại hội nghị trực tuyến 6 đầu cầu truyền hình tổng kết ba năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về đổi mới quản lý giáo dục ĐH được Bộ GD&ĐT tổ chức hôm qua, chính sách tín dụng sinh viên được xem là một thành tựu nổi bật. Theo Bộ GD&ĐT, đến đầu năm 2013, tổng dư nợ đạt 35.802 tỷ đồng, gần 2,4 triệu học sinh - sinh viên của hơn 1,9 triệu hộ gia đình được vay tín dụng. Mức vay hiện nay là 1.000.000 đồng sinh viên/ tháng với lãi suất 0,65%/tháng. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, đảm bảo thực hiện chủ trương của Chính phủ là không để một học sinh – sinh viên nào đỗ ĐH, CĐ mà phải bỏ học vì khó khăn tài chính.

 “Bộ GD&ĐT nên khẩn trương ban hành quy định về điều kiện, nội dung quyền tự chủ của cơ sở GD ĐH trong những năm tới”  

Phó GĐ Học viện Ngân hàng
Kiều Hữu Thiện

Thật ra chính sách tín dụng sinh viên chỉ là một trong những đầu việc của chủ trương đổi mới cơ chế tài chính trong GD&ĐT. Thực tế phát triển GD ĐH đòi hỏi cần phải tăng đầu tư cho các cơ sở đào tạo, trong đó học phí là một nguồn khá quan trọng. Theo đó, chính sách tín dụng sinh viên chính là một tiền đề làm bàn đạp cho việc triển khai lộ trình tăng dần học phí của giáo dục ĐH. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - người được mệnh danh là “tổng công trình sư” thiết kế chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý GD ĐH - chia sẻ: “Lúc đó chúng tôi có đặt yêu cầu: tăng đầu tư, tăng học phí thì chất lượng có tăng không? Ngành GD&ĐT đã cam kết cố gắng sử dụng các nguồn đầu tư hiệu quả để nâng cao chất lượng”. Tuy nhiên, theo nhận xét của Phó Thủ tướng, câu trả lời chưa được thể hiện rõ.

Đổi mới thiếu chiều sâu

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, các công cụ pháp lý giúp cho công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học chưa được hoàn thiện, thiếu các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong toàn hệ thống còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả, chẳng hạn như sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với UBND các tỉnh/thành phố, giữa các Bộ/ngành trong việc kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động liên kết đào tạo, đặc biệt là các lớp mở tại địa phương.

Về cơ bản, các cơ sở đào tạo đã thực hiện ba công khai theo quy định nhưng còn mang tính hình thức, đối phó. Nhiều trường chỉ công khai học phí và một số hoạt động đào tạo không chỉ khiến người học thiếu thông tin mà công tác kiểm tra, giám sát cũng bị hạn chế. “Chúng ta làm việc có gì đó hơi hình thức. Kế hoạch hành động triển khai chỉ thị của Thủ tướng về đổi mới quản lý GD ĐH của các trường rất bài bản, rất đầy đủ, rất hoành tráng nhưng thiếu trọng tâm. Tôi có cảm giác nhiều trường làm cho có. Đề nghị các trường rà soát lại để có chương trình hành động giai đoạn tới thiết thực hơn. Vấn đề ba công khai chẳng hạn, bên cạnh một số trường làm nghiêm túc thì một số trường làm hình thức”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhận xét.

Tự chủ để nâng tầm giáo dục đại học

Tại phần thảo luận của hội nghị, GS TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng trong các chương trình GD đào tạo ĐH hiện nay cần tìm ra một số điểm nhấn có tính đột phá để từ đó gây ra những tác động có tính lan tỏa tới sự thay đổi và chuyển biến cơ bản.

PGS Phan Đình Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TP HCM khi tóm tắt các ý kiến thảo luận tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh cũng cho biết nhiều đại biểu kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có chính sách thu hút người tài, sinh viên giỏi xuất sắc bổ sung cho nguồn lực của các trường ĐH, đồng thời có cơ chế đãi ngộ thu hút các nhà khoa học lớn, đặc biệt là những nhà khoa học Việt kiều. Bộ cần phải có chiến lược xây dựng các trường ĐH nghiên cứu mạnh. Tuy nhiên, cốt lõi để nâng tầm giáo dục ĐH vẫn là vấn đề tự chủ. NGƯT TS Kiều Hữu Thiện, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng đề nghị: “Bộ GD&ĐT nên khẩn trương ban hành quy định về điều kiện, nội dung quyền tự chủ của cơ sở GD ĐH trong những năm tới”. Ông Thiện cũng cho rằng về quy hoạch nên tái cấu trúc mạng lưới trường ĐH theo đúng tinh thần Luật ĐH, mạnh dạn sát nhập, rút giấy phép của cơ sở GD ĐH theo lộ trình thích hợp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG