Đề thi đại học dễ hay khó?

Đề thi đại học dễ hay khó?
TP - Các ý kiến khá phân tán với các đề thi ngày đầu tiên có sự tham dự của 650.000 thí sinh. Có người cho rằng đề thi dễ, tính phân loại không cao và có thể nhiều điểm trung bình trở lên, lại có các ý kiến trái chiều.

> Khi sĩ tử vẫn mua may bán rủi
> Sĩ tử 'lều chõng', sờ đầu rùa thời @

Dễ nhưng khó phân loại

Phân tích đề thi môn Toán, thầy Nguyễn Cảnh Hoàng, ĐH Công nghệ (ĐH QG HN) nói đề không khó và tính phân loại không cao nhưng rất cơ bản, bám sát chương trình. Các câu tích phân, câu lượng giác và phần riêng tương đối dễ, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản và biết vận dụng kỹ năng tính toán là dễ dàng đạt 6-7 điểm trở lên.

Đề thi không đạt yêu cầu phân loại nhưng đạt được một điều là đòi hỏi kỹ năng tính toán tốt. Vì vậy, thí sinh chăm chỉ, được rèn luyện cơ bản kỹ sẽ ghi điểm tốt trong khi thí sinh ở khu vực thành thị được luyện thi tinh vi theo kiểu mẹo mực của trò chơi trên dây sẽ dễ gặp khó khăn.

Tại nhiều hội đồng thi ở TPHCM, sau khi hết 2/3 thời gian làm bài, nhiều thí sinh đã bắt đầu nộp bài và rời khỏi phòng thi. Tại hội đồng thi Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, một thí sinh cho rằng, đề thi môn Toán không quá khó, sau hơn 2/3 thời gian, em này đã làm được khoảng 70% đề thi. Theo thí sinh này, nội dung đề Toán chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, thiên về tính toán nhiều hơn suy luận và, so với năm ngoái, đề năm nay dễ hơn.

Ông Nguyễn Cảnh Hoàng dự báo, phổ điểm chính của học sinh ngoại tỉnh sẽ rơi vào 5-7 điểm; thí sinh thành phố đạt rất nhiều điểm 8-9 nhưng cũng rất nhiều điểm 3-4; 4-7 điểm là phổ điểm cơ bản của môn Toán năm 2013 và điểm thi năm nay có thể cao hơn năm 2012.

Với môn thi Vật lý chiều 4/7, GS.TS Phó Chủ tịch Hội Vật lý VN, giảng viên (ĐHQG HN) Hà Huy Bằng nhận định đề Lý năm nay có một số ý khó và hơi lạ trong vòng 2-3 năm qua khi đều rơi vào các phần dao động điện từ, điện xoay chiều và sóng; so với đề năm ngoái, đề năm nay khó hơn. TS Hà Huy Bằng dự báo phổ điểm chính sẽ rơi vào 4-5,5 điểm; điểm 7 khá nhiều, có thể chiếm đến 25-39%; điểm 9-10 rất ít.

Toán khá khó, lý quá dài

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi. Ảnh: Hoàng Anh
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi. Ảnh: Hoàng Anh.

Trong khi đó, tại nhiều hội đồng thi khác, tình hình có vẻ ngược lại. Tại Trường Đại học Tây Nguyên, mới qua 2/3 thời gian buổi thi môn Toán, rất nhiều thi sinh đã rời phòng thi vì đề thi khó. Tại hội đồng thi ở TPHCM, nhiều thí sinh cho rằng đề Toán tương đối vừa sức nhưng đề Vật lý quá dài.

Vẫn tại hội đồng thi Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, một số thí sinh khác cũng ra về sớm (sau 2/3 thời gian - PV) nhưng lại cho rằng đề Toán dài và tương đối khó.

TS Nguyễn Phú Vinh, trưởng khoa khoa học cơ bản, ĐH Công nghiệp TPHCM nhận định đề Toán năm nay khá khó. Nhất là câu số 3, câu 5, câu 6 và câu hình học. Ngay cả phần nội dung kiến thức chuẩn cũng khó hơn năm ngoái. Đề thi nhìn chung có 70% nội dung nằm trong chương trình lớp 12, 30% là kiến thức lớp 10, 11.

Với đề thi này, học sinh học có lực trung bình chỉ có thể đạt được 4-5 điểm, học sinh học lực khá nếu làm bài tốt nhiều khả năng cũng chỉ được 7 điểm. Chỉ có học sinh xuất sắc mới có thể đạt điểm 9-10.

Ở buổi chiều, ghi nhận tại một số hội đồng thi, khi hết thời gian làm bài nhiều thí sinh ra về với vẻ mặt không vui. Tại điểm thi trường tiểu học Trần Quốc Thảo (Q.3), điểm thi của trường ĐH Kiến trúc TPHCM, nhiều thí sinh cho rằng đề Lý quá dài và tương đối khó.

Thí sinh Trần Nguyên Khánh Tùng cho biết đề có nhiều câu mất nhiều thời gian tính toán. Các câu hỏi về lý thuyết ít, câu hỏi bài tập nhiều. Nội dung đề thi phần lớn thuộc chương trình lớp 12, có một ít câu thuộc chương trình lớp 11.

Theo Tùng, đề thi với 50 câu nhưng thời gian làm bài 90 phút thì thí sinh không đủ thời gian để làm. Với đề này, học sinh trung bình chỉ làm được
khoảng 40%.

Phân loại cao

Tại các HĐT ở TP Đà Nẵng, đề Toán, Lý cũng được đánh giá khá khó, có tính phân loại cao. Tại HĐT trường THCS Tây Sơn, khá nhiều thí sinh kết thúc bài thi sớm trước 15 phút.

Thí sinh Trần Nữ Hoàng Huyền (dự thi ngành Quản trị du lịch, ĐH Kinh tế Đà Nẵng), cho hay: đề 9 câu, yêu cầu khảo sát hàm số, giải phương trình, tích phân, hình học không gian...

Phần lớn tập trung kiến thức cơ bản, SGK lớp 12. Tuy nhiên, câu về xác suất (câu 9a) khá bất ngờ. “Những năm tuyển sinh ĐH gần đây đề thi Toán thường không ra câu hỏi về xác suất, nên bọn em chủ quan không học”, thí sinh Huyền nói.

Thí sinh Trương Thị Mỹ Hạnh (dự thi ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cũng nhận định: câu về xác suất thực ra không quá khó nhưng do không nằm trong trọng tâm ôn luyện nên bọn em không làm được.

Theo thí sinh Hạnh, đề thi năm nay có tới 4 câu phân loại cao, trong đó câu 3 và câu 6 có tính đánh đố cao. Thí sinh Tiêu Đình Hưởng (Đà Nẵng) nhận định: Em làm hết 7 câu, còn lại hai câu 3 và 6 thì chỉ làm được vài ý. Thí sinh Ông Văn Thiệu (Hòa Vang, Đà Nẵng) nhận định: Với đề thi này, phổ điểm 5-6 sẽ chiếm trên 50%.

Ở bài thi môn Lý, không có nhiều thí sinh rời phòng thi sớm trước khi hết giờ. Tại HĐT ĐH Kinh tế Đà Nẵng, thí sinh Nguyễn Thị Thùy Anh, dự thi ngành Marketting (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cho hay: Đề thi 60 câu hỏi, chủ yếu tập trung kiến thức lớp 12. Tuy nhiên dạng câu hỏi bài tập chiếm tỉ lệ lớn nên thí sinh mất nhiều thời gian để lựa chọn đáp ứng chính xác. Nhiều thí sinh phản ánh, so với đề thi Lý năm 2012, đề năm nay khá khó.

Một trong những đổi mới của kỳ thi năm nay là Bộ GD&ĐT chủ trương đưa giáo viên THPT vào ban ra đề thi nhiều hơn nhằm có những nội dung đủ dễ cho học sinh trung bình đồng thời đảm bảo tính phân loại cao như Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga đã trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

Ngành GD&ĐT đã nhận được phản ứng nào về đề thi?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Từ dư luận các thầy cô giáo, các vị phụ huynh có thể thấy đề thi môn Toán đạt được 2 tiêu chí: phân loại cao và vừa tầm, vừa sức. Có thể thấy, ban ra đề thi đã đạt được tiêu chí: khoảng 50 % các câu hỏi thi dễ mà học sinh trung bình sẽ làm được và đa số thí sinh có thể đạt 5-6 điểm; tất nhiên có những câu khó và rất khó; có ít thí sinh nói làm được 70% bài. Chắc chắn sẽ có ít điểm 10 vì chỉ có những thí sinh xuất sắc mới làm được.

Như thế có thể dự báo mặt bằng điểm thi năm nay sẽ tốt hơn không?

Đề thi như thế nhưng năng lực làm bài của học sinh thì phải chờ đến khi có kết quả mới biết được. Có thể những thí sinh ngày xưa chỉ làm được 2 điểm thì nay làm được 5-6 điểm; như vậy, đề phù hợp với năng lực của học sinh hơn. Thí sinh không làm được bài thì rõ ràng năng lực của thí sinh chưa đạt.

Cảm kích trước sự nhiệt tình và chu đáo của Tỉnh đội Thái Nguyên trong công tác phục vụ thi (dùng xe thiết giáp đưa thí sinh đi thi), hôm qua Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã gửi thư cảm ơn tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận viết: “Việc làm này một lần nữa làm sâu đậm thêm hình ảnh Anh Bộ đội Cụ Hồ, làm thắm đậm thêm tình đoàn kết quân dân, tạo xúc động lớn trong nhân dân cả nước và thầy trò ngành giáo dục chúng tôi”.

Thứ trưởng GD&ĐT:

Phạt nặng hơn thí sinh vi phạm quy chê

Vì sao quy chế đã rõ ràng, đã phổ biến nhiều nhưng thí sinh vẫn tiếp tục vi phạm như mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Điều này phụ thuộc vào ý thức chấp hành của thí sinh, các hội đồng đã quán triệt mà thí sinh vẫn vi phạm là cố tình. Vì vậy phải xử phạt nghiêm minh theo quy chế.

Trong lần kiểm tra thi, có ý kiến đề xuất hình phạt nghiêm minh dành cho thí sinh vi phạm quy chế như: vĩnh viễn không cho thi đại học hoặc phạt không cho thi 5 năm, ông nghĩ gì về đề xuất này?

32 thí sinh vi phạm trong buổi sáng trên tổng số gần 650.000 thí sinh dự thi là một con số nhỏ, nếu số đông thì mới là đáng báo động. Tất nhiên sau năm nay, khi họp hội đồng tuyển sinh sắp tới sẽ bàn và có thể có hình thức xử phạt, răn đe cao hơn.

Hồ Thu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG