Ngành giáo dục chưa biết lắng nghe
> Giáo dục, truyền thông thua trên sân nhà
> Có nên chọn các ngành 'báo động đỏ'?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, những năm qua, ý kiến đóng góp rất nhiều cho giáo dục. Trong đó, có ý kiến không phù hợp, nhưng ý kiến tốt cũng nhiều. "Nhưng, tôi thấy lãnh đạo ngành giáo dục không tiếp nhận các ý kiến đó".
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình |
Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã được Hội nghị lần thứ 6 của BCH TƯ Đảng khóa XI thảo luận, cho ý kiến. Ban chấp hành TƯ cho rằng, đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào thời điểm thích hợp.
Đầu năm 2013, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người rất trăn trở về nền giáo dục nước nhà, đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Vừa qua Hội nghị TƯ 6 chưa thông qua Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo bà, đề án này cần tiếp tục hoàn thiện thêm những nội dung gì để được kỳ vọng về đổi mới giáo dục hiện nay?
Bà NGUYỄN THỊ BÌNH: Vừa rồi, đề án chưa được thông qua, chứng tỏ sự chuẩn bị chưa tốt. Tôi cũng tham gia đóng góp ý kiến cho đề án nhưng có nhiều nội dung đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học chưa được tiếp thu đầy đủ.
Trong xây dựng đất nước, lĩnh vực nào cũng quan trọng, có nhiều điều mới mẻ nên còn nhiều khó khăn. Nhưng điều quan trọng là người lãnh đạo phải khách quan, phải biết lắng nghe. Tôi cho là ngành giáo dục hiện nay không biết lắng nghe.
Trong 5 - 7 năm qua, trong và ngoài nước, các ý kiến đóng góp rất nhiều cho giáo dục, tất nhiên trong đó có những ý kiến không phù hợp, nhưng ý kiến tốt rất nhiều. Nhưng tôi thấy lãnh đạo ngành giáo dục không tiếp nhận các ý kiến đó.
Lĩnh vực giáo dục rất khó, là vấn đề khoa học tổng hợp về con người, tự nhiên, xã hội, cho nên càng phải có sự nghiên cứu nghiêm chỉnh và phải biết lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhà giáo dục.
Nhưng hiện nay, khuyết điểm là chúng ta chưa huy động được trí tuệ tập thể, chưa lắng nghe nhiều. Tôi mong sắp tới phải giải quyết được điều này.
Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phải là trí tuệ tập thể của đất nước, chứ không phải chỉ của ngành giáo dục. Thậm chí, chỉ vài đồng chí phụ trách đề án này là không được đâu.
Giáo dục nhằm đào tạo ra một lớp người toàn diện nên một ngành không thể nghĩ ra hết. Thế nên, tới đây phải biết huy động trí tuệ của tập thể thì chúng ta mới làm được. Tôi cho vấn đề giáo dục bức xúc lắm rồi, nó quyết định hết tất cả, vì thế cần phải cấp bách đổi mới.
Một vấn đề xã hội nhức nhối vừa qua là nhiều thanh niên vướng vào tệ nạn xã hội chẳng hạn. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân từ giáo dục.
Không phải chúng ta quy tất cả nguyên nhân cho nhà trường, nhưng phải thấy tất cả trẻ em đều qua nhà trường, qua ngành giáo dục. Dĩ nhiên, ở đây gia đình cũng có vấn đề do không quan tâm con em đầy đủ. Đổi mới giáo dục phải giải quyết được những vấn đề này.
Theo bà, có nên thành lập ủy ban cải cách giáo dục?
Trong tình hình hiện nay, theo tôi, phải có một ủy ban chỉ đạo vấn đề cải cách giáo dục. Ủy ban này không chỉ có ngành giáo dục mà phải có cả các nhà khoa học, nhà giáo dục trong và ngoài ngành để nghiên cứu một đề án tổng thể cả về giáo dục phổ thông, dạy nghề, giáo dục đại học.
Đề án này phải được trình ra Trung ương, ra Quốc hội, với sự tham gia của các nhà chuyên môn, với những quan điểm đổi mới giáo dục rõ ràng. Phải hết sức quyết tâm, còn nếu cứ lơ mơ thế này rất khó thành công.
Cần hiểu rằng, giáo dục chậm một năm là đất nước trễ hàng chục năm, ảnh hưởng đến cả một lớp người. Tôi rất quan tâm đến đề án này và mong đề án sớm được xây dựng một cách hoàn thiện. Tôi cũng mong muốn xã hội quan tâm hơn nữa đến giáo dục. Xã hội phải thấy giáo dục quyết định sự phát triển của chúng ta về tất cả các mặt.
Lần này, bà mong muốn cải cách giáo dục Việt Nam theo hướng nào?
Trước đây, nhiệm vụ độc lập, giải phóng đất nước là mục tiêu, mọi người đều theo hướng đó. Ngày nay, với nhiệm vụ phát triển, từng người phải phát triển tiềm năng của mình. Những tiềm năng đó sẽ được phát huy trong từng lĩnh vực, giúp tạo ra những sản phẩm một cách sáng tạo hơn, khoa học hơn.
Chúng ta phải hình thành ra những lớp người tự chủ thì mới có một đất nước tự chủ. Tôi muốn giáo dục sẽ đổi mới theo hướng làm cho lớp thanh niên của Việt Nam có tự chủ. Con người tự chủ để xây dựng một đất nước tự chủ, chứ không thụ động. Còn hiện nay, giáo dục của chúng ta còn quá thụ động, chưa tự chủ.
Theo Phan Thảo
Sài Gòn Giải Phóng