Nhiều điểm mới trong đào tạo tài năng

Nhiều điểm mới trong đào tạo tài năng
Sau khi dừng lại một năm vào 2012, đề án đào tạo kỹ sư - cử nhân tài năng của ĐH Quốc gia TP.HCM đang được vực dậy bằng một hướng đi mới.

Nhiều điểm mới trong đào tạo tài năng

> Sẽ kiểm định chất lượng giáo dục năm năm một lần
> Cử nhân thực tập nghề… bê nước, pha trà

Sau khi dừng lại một năm vào 2012, đề án đào tạo kỹ sư - cử nhân tài năng của ĐH Quốc gia TP.HCM đang được vực dậy bằng một hướng đi mới.

Sinh viên chương trình kỹ sư tài năng của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực tập. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sinh viên chương trình kỹ sư tài năng của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực tập. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Giảng dạy bằng tiếng Anh, bổ sung các kỹ năng mềm

Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM vừa xây dựng xong đề án mới về đào tạo kỹ sư - cử nhân tài năng giai đoạn 2013 - 2017, dự kiến triển khai ngay trong năm 2013.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo, cho biết: “Sau 10 năm thực hiện qua 2 giai đoạn, đề án đã đào tạo được 2.688 sinh viên tài năng. Chúng tôi đã tiến hành đánh giá chương trình và thấy rằng đây là một định hướng đúng đắn, là cơ sở cho việc xây dựng một ĐH nghiên cứu đa ngành có chất lượng đào tạo đạt chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, chương trình đã được thực hiện không dựa vào các tiêu chí cụ thể nên thiếu nhất quán cả về nội dung và cách tổ chức, dẫn đến hoạt động chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Việc xây dựng đề án theo hướng mới thông qua việc tái cấu trúc và hiệu chỉnh chương trình nhằm đạt được mục tiêu đã định ban đầu của đề án”.

Giống với đề án cũ, chương trình sẽ có các môn học tài năng được thiết kế và tổ chức riêng. Tùy theo đặc thù từng ngành học, tỷ lệ số tín chỉ các môn học tài năng có thể thay đổi nhưng tối thiểu phải chiếm 25% tổng số tín chỉ toàn chương trình. Lớp học tài năng phải có sĩ số ít để tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, tư duy phản biện, trình bày ý tưởng...

Một trong những điểm mới của đề án là ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên sẽ được bổ sung các kỹ năng mềm thông qua việc tích hợp vào các môn học của chương trình hoặc qua các môn học riêng biệt. Đặc biệt, hoạt động ngoại khóa, công tác xã hội và trình độ ngoại ngữ sẽ là những tiêu chí bắt buộc của chương trình tài năng. Tiến sĩ Chính thông tin thêm: “Các chương trình tài năng phải triển khai sinh hoạt ngoại khóa ít nhất là 2 sinh hoạt từ thiện xã hội và 2 sinh hoạt khoa học hoặc học thuật ở cấp độ ĐH Quốc gia hoặc cấp thành phố hằng năm do chính sinh viên tài năng tổ chức và điều hành. Sinh viên năm thứ hai phải đạt trình độ tiếng Anh tương đương 400 TOEIC và khi tốt nghiệp tối thiểu phải đạt 550 TOEIC”.

Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất mà đề án đặt ra là từng bước đưa giảng dạy tiếng Anh vào chương trình. Ở giai đoạn đại cương, mỗi học kỳ sinh viên phải tham dự ít nhất một khóa học sử dụng tiếng Anh hoặc song ngữ. Trong giai đoạn chuyên ngành, mỗi học kỳ sinh viên phải học ít nhất 2 môn học được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. “Các đơn vị tổ chức chương trình tài năng phải có kế hoạch cụ thể nhằm đạt được tiêu chí này”, tiến sĩ Chính cho hay.

Thử nghiệm 10 chương trình

Theo đề án, ngay trong năm 2013 ĐH Quốc gia sẽ chọn 10 chương trình để đầu tư hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Trong giai đoạn 2013 - 2017, mỗi năm sẽ tăng thêm 2 chương trình. Theo quy định, mỗi lớp học sẽ từ 40 - 60 sinh viên. Tiến sĩ Chính cho biết, dựa trên 19 chương trình cũ và một số chương trình mới, ĐH Quốc gia sẽ họp hội đồng xét duyệt chương trình. Chương trình được chọn lựa đầu tư phải đáp ứng theo định hướng và nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, những chương trình dù không được hỗ trợ kinh phí nhưng đủ điều kiện đào tạo vẫn sẽ được vận hành dựa trên kinh phí của riêng trường thành viên.

Việc tuyển chọn sinh viên đầu vào cũng vẫn dựa trên các tiêu chí cũ nhưng kỹ lưỡng hơn, thông qua điểm thi ĐH đầu vào (với trường tuyển ngay năm nhất) hoặc điểm trung bình chung năm học (với trường tuyển sau năm 1, 2), kết hợp với việc kiểm tra phỏng vấn trực tiếp hoặc bài viết. Ngoài việc được cấp học bổng như trước đây, sinh viên còn được miễn học phí toàn bộ chương trình đào tạo tiếng Anh được thiết kế riêng và hỗ trợ kinh phí cho đề tài nghiên cứu thuộc chương trình tài năng. Về việc làm của sinh viên tài năng sau khi tốt nghiệp, tiến sĩ Chính chia sẻ: “Thông qua việc liên kết với các đơn vị bên ngoài, nhà trường sẽ tạo điều kiện để sinh viên tài năng có cơ hội thực tập, nhận học bổng cũng như làm việc khi ra trường”.

Trường ĐH Bách khoa tuyển 5 ngành

Trong khi hầu hết các trường thành viên còn chờ đề án mới để lên kế hoạch tuyển sinh thì Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã thông báo tuyển sinh chương trình này cho năm 2013. Trên website, trường thông báo tuyển sinh cho 5 ngành (40 - 60 sinh viên/ngành) gồm: kỹ thuật chế tạo, khoa học và kỹ thuật máy tính, tự động hóa, công nghệ hóa học và xây dựng.

Theo đề án, việc đào tạo kỹ sư - cử nhân tài năng của ĐH Quốc gia thực hiện từ năm 2002 - 2020. Trong giai đoạn 1 (2002 - 2006), đề án thực hiện tại 4 trường ĐH thành viên: Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Kinh tế - Luật. Giai đoạn 2 (2007 - 2011) đề án thực hiện thêm 4 ngành. Hai giai đoạn trên đã thực hiện được 19 ngành với tổng số 2.688 sinh viên. 19 ngành gồm: công nghệ thông tin, điện - điện tử; nhóm ngành cơ khí - cơ điện tử, nhóm ngành công nghệ hóa - thực phẩm - sinh học, xây dựng (Trường ĐH Bách khoa); nhóm ngành công nghệ thông tin, toán - tin, hóa học, vật lý, điện tử viễn thông (ĐH Khoa học tự nhiên); văn học, Đông phương học, ngữ văn Anh, lịch sử (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn); Khoa học máy tính (ĐH Công nghệ thông tin); Kinh tế đối ngoại, kế toán kiểm toán, kinh tế học, tài chính ngân hàng (ĐH Kinh tế - Luật). Sinh viên giỏi được tuyển chọn từ thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh hoặc điểm trung bình chung học tập năm 1, 2 kết hợp với bài kiểm tra trực tiếp. Ngoài việc được nhận học bổng riêng, sinh viên hệ này còn được học tập theo chương trình được thiết kế riêng.

Theo Hà Ánh
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG