> Quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo
> Bắt dạy thêm như bắt trộm
Quảng Ninh khống chế thời gian dạy thêm và dạy chính khóa không vượt quá 1,5 lần định mức. Ảnh: Thành Duy. |
Quyết liệt
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 17 (ngày 16-5-2012) quy định về dạy thêm học thêm, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên ra văn bản (ngày 29-5-2012) hướng dẫn thực hiện thông tư này.
Kỳ thực, việc ra quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn Quảng Ninh chỉ là một hoạt động tiếp theo trong hàng loạt đầu việc mà UBND tỉnh đã triển khai để thực hiện chỉ thị 09 Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành từ tháng 12-2011.
Cuộc “ra quân” chấn chỉnh hoạt động dạy thêm học thêm của Quảng Ninh được tiến hành khá bài bản. Sau chỉ thị của tỉnh ủy là kế hoạch của UBND tỉnh, từng huyện/ thị cũng lập kế hoạch riêng, thậm chí nhiều huyện còn lập Ban chỉ đạo dạy thêm học thêm.
Ba tháng sau toàn tỉnh đánh giá sơ kết. Đồng thời Sở GD&ĐT tham mưu giúp UBND tỉnh soạn thảo quy định dạy thêm học thêm, đây cũng là thời điểm Bộ GD&ĐT chuẩn bị ban hành thông tư 17.
Dù là văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư 17 của Bộ GD&ĐT nhưng tinh thần nội dung quy định của tỉnh Quảng Ninh quyết liệt hơn thông tư của Bộ.
Nếu như Bộ chỉ không cho phép giáo viên hưởng lương trong các trường công lập không được tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường nhưng vẫn được tham gia thì với Quảng Ninh ngay cả tham gia cũng không được.
Vì thế ở các cơ sở học thêm ngoài nhà trường chỉ có giáo viên đã nghỉ hưu hoặc sinh viên tốt nghiệp sư phạm chưa có việc làm mới được tham gia.
Ngay cả dạy thêm trong nhà trường, Quảng Ninh cũng khống chế thời gian mà giáo viên được phép dạy thêm, theo đó mỗi giáo viên cả dạy thêm và dạy chính khoá không được phép vượt quá 1,5 lần định mức mà Bô GD&ĐT đã quy định về số tiết/tuần.
Một biểu hiện quyết liệt khác của Quảng Ninh là quy định về quy mô lớp, nhóm và thời gian học thêm. Đối với THCS, THPT các lớp dạy thêm trong các nhà trường không được vượt quá 30HS/ lớp, các cơ sở ngoài nhà trường không được vượt quá 20HS/ lớp.
Dù cơ sở trong hay ngoài nhà trường cũng không được phép dạy thêm vào khoảng thời gian sau 10 giờ 30 sáng, trước 14 giờ chiều và sau 21 giờ tối.
Quy định của Quảng Ninh cũng “linh hoạt” hơn thông tư 17 của Bộ ở chỗ xem việc “quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình” với học sinh tiểu học là một hình thức cần đưa vào quản lý trong hoạt động dạy thêm học thêm.
Tuy nhiên Quảng Ninh yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp phép cho hoạt động này không được dạy thêm các nội dung theo chương trình phổ thông tiểu học. Mỗi nhóm quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ cũng không được quá 15 em.
Nhiều tỉnh tạm dừng
Sau Quảng Ninh, rất ít nơi ra được văn bản hướng dẫn. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, từ đầu năm đến nay đoàn thanh tra của Bộ đã đi được một số nơi nhưng các nơi đều báo cáo quy định của địa phương về dạy thêm học thêm đang nằm trên bàn lãnh đạo UBND tỉnh/ thành để chờ ký.
Theo nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT, sở dĩ chậm là vì vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm rất phức tạp nên địa phương nào cũng muốn nghe ngóng địa phương bạn làm thế nào để học tập.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT một thành phố lớn còn nhờ đồng nghiệp các địa phương hoặc các phóng viên theo dõi giáo dục biết tỉnh thành nào đã ban hành quy định dạy thêm học thêm thì mách dùm để tìm đọc tham khảo.
“Với Bắc Ninh, dạy thêm học thêm không phức tạp như các thành phố lớn nhưng cũng có nhiều tình huống khó giải quyết. Nó xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh nên dù 99% người đồng ý mà chỉ có 1% có ý kiến là thành ra phức tạp ngay. Cho nên không cấm cũng khó, mà cấm thì không thể… cấm được” - ông Đặng Văn Hướng, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh chia sẻ.
Tuy nhiên UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành được quy định về dạy thêm học thêm cách đây vài ngày. Về cơ bản quy định của Bắc Ninh chỉ là “nói lại” thông tư 17 của Bộ GD&ĐT.
Nhưng cũng giống như Quảng Ninh, Bắc Ninh khống chế khoảng thời gian không được diễn ra hoạt động dạy thêm: từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30; từ 17 giờ đến 19 giờ và sau 21 giờ.
Tỉnh Hưng Yên cũng đã ra được quy định về dạy thêm học thêm. “UBND tỉnh chỉ mới ban hành hướng dẫn về việc thực hiện quy định dạy thêm học thêm, còn việc cấp phép cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm thì UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT tiếp tục xem xét cách làm của các tỉnh xung quanh để có hướng dẫn cụ thể sau” - ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết.
Điều đáng lo ngại là một số nơi khác trong khi chờ đợi chính quyền địa phương ban hành quy định về dạy thêm học thêm thì Sở GD&ĐT ra lệnh tạm dừng hoạt động này như Quảng Nam, Phú Yên.
Ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên nói: “Tuy UBND tỉnh chưa ban hành quy định nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo thực hiện theo thông tư 17 của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi không cấm dạy thêm mà chỉ nơi nào giấy phép hết hiệu lực thì phải dừng. Những tập thể, cá nhân muốn tổ chức dạy thêm phải làm lại hồ sơ, nếu thoả mãn được các điều kiện mà thông tư 17 yêu cầu thì chúng tôi cho dạy”.