Dạy chữ gắn với dạy người

Dạy chữ gắn với dạy người
TP - Ngày 4-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự lễ khai giảng năm học mới 2012-2013 tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Cùng tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân.

> Lý giải điểm phúc khảo bất thường

Sau khi đánh hồi trống khai trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu biểu dương những thành tích mà thầy và trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nói riêng và ngành giáo dục cả nước nói chung đã đạt được trong những năm qua.

Thủ tướng nói: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, coi đây là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước, một nhân tố có ý nghĩa quyết định để xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh công nghiệp hoá, phát triển nhanh - bền vững.

Đến nay nền giáo dục nước ta đã có nhiều bước phát triển đáng kể cùng với sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, nền giáo dục cũng còn nhiều bất cập như chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn với nhu cầu xã hội, kỹ năng sử dụng CNTT, ngoại ngữ còn kém, chưa phát huy khả năng tự học, chủ động sáng tạo của người học.

Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng năm học mới 2012. Ảnh: Hồng Vĩnh
Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng năm học mới 2012.         Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nội dung giáo dục thiên về lý thuyết, nặng “dạy chữ” chưa quan tâm đúng mức việc “dạy người”, cơ sở vật chất còn lạc hậu, một số hiện tượng tiêu cực trong khâu tuyển sinh, thi cử, dạy học, cấp bằng còn chậm được khắc phục.

Năm học 2012 - 2013 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020, trong đó phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân là một khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các trường chuyên trong cả nước phải có vai trò phát hiện và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Học sinh của trường không chỉ giỏi về các môn học mà còn phải giỏi về kiến thức xã hội, giỏi về các ngành công nghệ mũi nhọn. Trường phải đi đầu trong việc sử dụng và khai thác có hiệu quả các thiết bị dạy học hiện đại. Cán bộ, giáo viên của trường phải ý thức trong việc xây dựng trường là trung tâm đào tạo chất lượng cao của thành phố. Các em học sinh phải thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, cố gắng chăm chỉ siêng năng trong học tập và rèn luyện, có phương pháp học tập tích cực. Đồng thời không ngừng rèn luyện phẩm chất, nhân cách, đạo đức, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa và hoạt động xã hội xứng đáng trở thành con ngoan, trò giỏi, lớn lên trở thành công dân gương mẫu”.

Hôm nay 22 triệu HSSV đón năm học mới

Hôm nay là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, đồng thời cũng là thời điểm hàng loạt trường phổ thông trên toàn quốc tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Bộ GD&ĐT dự báo, quy mô học sinh sinh viên năm nay là 22 triệu 038 nghìn học sinh - sinh viên.

Chiếm số lượng lớn học sinh - sinh viên cả nước là khối học sinh phổ thông, khoảng 15 triệu em, trong đó non nửa là học sinh tiểu học. So với hai năm gần đây, số học sinh tiểu học tiếp tục tăng chậm (mỗi năm tăng 100.000 em); số lượng học sinh THCS và THPT không thay đổi nhiều.

Riêng khối ĐH, CĐ, tỷ lệ tăng trưởng về quy mô tiếp tục đạt mức cao. Năm ngoái cả nước có 2,2 triệu sinh viên ĐH, CĐ. Năm nay con số này xấp xỉ 2,3 triệu.

Theo thông lệ, ngày 5-9 các trường phổ thông đồng loạt tổ chức khai giảng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9, một số nơi đã tổ chức lễ khai giảng sớm. Tại Hà Nội ngày 3-9, các trường THCS Đại Áng - Thanh Trì, THCS Lê Quý Đôn - Cầu Giấy đã tiến hành khai giảng.

Ngày 4-9, tại Trường THPT Chu Văn An, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gióng trống khai giảng năm học mới.

Hôm nay, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan trung ương tiếp tục đến nhiều trường phổ thông trong cả nước để cùng chia sẻ với thầy trò ngành giáo dục nhân ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG