Để thành công trong cuộc đua xét tuyển
> 'Xé rào' xét tuyển: 3 chung, chỉ còn 2 chung
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước còn 73.800 chỉ tiêu để xét tuyển bổ sung cho tất cả các trường nhưng có đến 195.200 lượt thí sinh (TS) tham gia xét tuyển. Đây thật sự là một cuộc đua khốc liệt.
Nhiều thí sinh và phụ huynh tham gia buổi tư vấn trực tuyến về cơ hội trúng tuyển nguyện vọng bổ sung diễn ra tại Báo Thanh Niên. Ảnh: Đào Ngọc Thạch. |
Nhiều hướng đi bất ngờ
Trong khi rất nhiều TS thi khối D tập trung nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành ngôn ngữ của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM khiến TS ít có cơ hội trúng tuyển, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, đã cho TS một hướng đi khác.
Ông Hạ thông tin: “Kinh nghiệm các năm trước, các ngành khoa học xã hội như: lịch sử, triết học, thư viện - thông tin, văn hóa học... gần như TS khối D1 không đả động tới. Do vậy, TS khối này nếu nộp hồ sơ vào các ngành xã hội thì cơ hội trúng tuyển rất cao. Thực ra nếu học một ngành xã hội mà giỏi ngoại ngữ thì sẽ có nhiều cơ hội hơn trong công việc sau này”.
Ở khối ngành kỹ thuật, công nghệ, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết qua các năm, có một số ngành trúng tuyển chỉ bằng điểm xét tuyển, như: nhóm ngành cơ khí, lâm nghiệp (chế biến lâm sản, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên rừng) hoặc các ngành nằm ở phân hiệu Gia Lai, Ninh Thuận.
Mở một hướng đi khác cho TS, thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, tư vấn: “Nếu TS có điểm thi trên điểm sàn ĐH muốn có cơ hội cao hơn nên chọn lựa vào bậc CĐ của các trường ĐH hoặc các trường CĐ. Trường CĐ Kinh tế TP.HCM xét tuyển khối A, A1 và D1, với điểm dành cho TS sử dụng kết quả ĐH là 10,5 điểm và từ kết quả thi CĐ là 18,5 - 21 điểm”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, khuyên: “Tham gia xét tuyển bổ sung là một cuộc đua khốc liệt không kém kỳ thi tuyển. Vì vậy, muốn tăng cơ hội trúng tuyển, TS cần chú ý kỹ kế hoạch xét tuyển từng trường.
Đối với TS có điểm cao và muốn đăng ký nhóm ngành kinh tế, điểm thi cần cao hơn điểm xét tuyển 2 - 3 điểm thì mới nên nộp hồ sơ. Ngược lại, nếu điểm không cao, TS nên đăng ký nhóm ngành công nghệ kỹ thuật hoặc xét tuyển vào các trường ngoài công lập”.
Giúp TS lượng sức mình và tăng cơ hội trúng tuyển, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khuyên: “Phải phân biệt thật rõ cái chúng ta muốn và cái chúng ta cần. Cái muốn là được vào học ĐH, còn cái cần là học ngành nghề để sau này đi làm. Theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT, các trường giống nhau đến hơn 70% chương trình đào tạo”.
Làm sao để biết được khả năng trúng tuyển khi nộp hồ sơ là trăn trở của nhiều TS, tiến sĩ Hạ cho rằng: “Ở thời điểm này, điều TS nên làm là tham khảo thông tin trên website các trường về số lượng hồ sơ TS nộp vào. Dựa vào số lượng hồ sơ, chất lượng điểm thi và chỉ tiêu từng ngành để so sánh với mức điểm thi bản thân, TS sẽ biết khả năng trúng tuyển của mình bao nhiêu”.
Lưu ý về giấy báo điểm
Ngày 20-8 là thời điểm nhiều trường ĐH bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển, nhưng hiện nay nhiều TS vẫn chưa có được giấy báo điểm. Vấn đề này cũng được nhiều TS đặt ra tại buổi tư vấn.
Nhiều TS dự thi vào Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết hiện chỉ mới nhận được một giấy báo điểm từ trường này trong khi quy định của Bộ GD-ĐT là 2 phiếu.
Đại diện của Trường ĐH Quốc tế cho biết có sự việc này và phương án giải quyết như sau: “Các trường hợp khẩn cấp, TS liên lạc trực tiếp tới phòng đào tạo để trường gửi bổ sung thêm một giấy chứng nhận kết quả thi theo địa chỉ riêng. Các trường hợp còn lại, trường sẽ in thêm và gửi bổ sung theo cách bình thường, TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi ở đâu sẽ nhận giấy báo bổ sung tại đó”.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, thông tin: “Hiện nay hầu hết các trường ĐH, CĐ đã hoàn tất việc in ấn và gửi giấy báo trúng tuyển, phiếu điểm, giấy chứng nhận kết quả thi về cho các Sở GD-ĐT, để từ đó Sở chuyển về các trường THPT. Có thể một vài ngày tới TS sẽ nhận được các loại giấy tờ trên.
TS nộp hồ sơ ở đâu phải liên hệ trực tiếp tới đó để nhận. Riêng với các trường không tổ chức thi tuyển, việc gửi các loại giấy báo sẽ chậm hơn nhiều so với các trường có tổ chức thi. Bởi lẽ, trường tổ chức thi phải gửi kết quả điểm về các trường không tổ chức thi, từ đó các trường không tổ chức thi mới ra quyết định điểm chuẩn và tiến hành gửi giấy báo tới TS”.
Ông Cường cũng cho biết đến nay đã có nhiều trường gửi giấy báo điểm cho TS. Đến chiều 21-8, giấy chứng nhận kết quả thi của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường CĐ Phú Lâm mới được đưa đến đây để cấp cho TS. Lý do là hai trường này bị lỗi phần mềm và thời gian xử lý lâu hơn các trường khác.
Ít cơ hội cho thí sinh thi khối D6 Tham dự lần thứ 2 chương trình trực tuyến, phụ huynh Nguyễn Thanh Long bức xúc: “Con tôi học 7 năm tiếng Nhật, có điểm thi đạt trên điểm sàn nhưng cơ hội xét tuyển khối D6 hiện nay gần như khép lại. Hiện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển 40 chỉ tiêu nhưng gồm cả khối D1, D4, D6. Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học cho biết chỉ xét tuyển sau ngày 6-9 nếu còn chỉ tiêu. Bậc CĐ thì không tuyển hệ D6”. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho biết sẽ xin ý kiến Hội đồng tuyển sinh của trường để tạo cơ hội nhiều hơn cho TS dự thi khối D6 xét tuyển vào trường. Ông Nguyễn Quốc Cường thông tin thêm: “Hiện nay còn có Trường ĐH Mở TP.HCM xét tuyển khối D6 ngành công tác xã hội, xã hội học. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xét tuyển khối thi này ở nhiều ngành. Ông Cường cho biết sẽ trình vấn đề này lên lãnh đạo Bộ GD-ĐT xem xét để tạo thêm cơ hội cho các TS dự thi những khối ngành hiếm”. |
Theo Hà Ánh - Đăng Nguyên
Thanh Niên