Lạm thu, tiêu cực, lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm

Lạm thu, tiêu cực, lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm
TP - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc chỉ đạo, quản lý, giám sát các hoạt động giáo dục là của chính quyền địa phương. Ở đâu có tiêu cực trong dạy thêm học thêm hay lạm thu thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

> Chất lượng hay dịch vụ?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Về vấn đề quản lý dạy thêm học thêm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói:

Trong những năm gần đây ở một số địa phương, nhất là ở những đô thị, nảy sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động dạy thêm học thêm. Vì thế, trước hè vừa rồi, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư quy định về quản lý dạy thêm học thêm.

Dạy thêm được đề cập trong văn bản này là dạy thêm có thu tiền, còn dạy thêm học thêm không thu tiền như bồi dưỡng học sinh giỏi phụ đạo học sinh yếu thì không tính.

Trong quy định nêu rõ trách nhiệm của nhà trường, của địa phương, các cấp, các ngành. Việc quản lý dạy thêm học thêm phải phối hợp theo đúng tinh thần phân cấp, phân quyền và phân trách nhiệm, nếu không thì không làm được. Những người tham gia lâu nay chúng ta cứ gọi là phân cấp phân quyền nhưng mà lại không phân trách nhiệm.

Không thể có chuyện phân cấp phân quyền rồi nhưng những gì xảy ra ở cơ sở cũng hỏi đến trách nhiệm của Bộ cả.

Thưa Thứ trưởng, nhưng vẫn cần có một cơ quan nào đó chịu trách nhiệm giám sát việc chỉ đạo và thực hiện của các địa phương?

Bộ vẫn đốc thúc, nhưng chủ yếu là tác động vào lãnh đạo Sở GD&ĐT thôi. UBND cấp tỉnh cùng với Bộ chỉ đạo Sở GD&ĐT, chỉ đạo các cấp các ngành trong địa phương mình.

Trong việc phối hợp chỉ đạo này thì vai trò của Bộ là ra quy định, còn vai trò của UBND tỉnh là chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhưng Bộ cũng không để mặc các địa phương mà có những hình thức chỉ đạo tác động cùng tỉnh tới các sở.

Ví dụ: Năm nay Bộ đề nghị 5 thành phố lớn phải ngồi lại với nhau cùng bàn một chuyên đề khắc phục những tiêu cực trong GD&ĐT mà lâu nay hay bị dư luận kêu ca, đó là dạy thêm học thêm, trong đó có chuyện dạy trước chương trình lớp 1, và thu góp không đúng quy định.

Còn việc giám sát thì sao?

Người dân sẽ giám sát. Tất nhiên, còn có cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra Bộ sẽ đi thanh tra việc thực hiện. Nhưng đúng là Bộ cũng chỉ thanh tra chứ không được xử lý những người làm sai vì điều này thuộc thẩm quyền trách nhiệm của địa phương.

Bộ chỉ có thể hạ bậc địa phương nào có nhiều vi phạm khi xếp loại thi đua trong ngành. Điều quan trọng là vẫn phải xử lý tận gốc và điều này phụ thuộc vào chính quyền mỗi địa phương.

Nếu địa phương mà không chủ động thì Bộ cũng không giải quyết được vấn đề. Trên thực tế cũng có một số địa phương xử lý rất kiên quyết các vi phạm trong dạy thêm học thêm và thu góp.

Bộ ban hành quy định về dạy thêm học thêm từ trước hè nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai hướng dẫn thực hiện, ví dụ như Hà Nội. 15-7 vừa rồi các trường phổ thông đồng loạt tổ chức học hè, đến nỗi lịch hoạt động của Cung Thiếu nhi phải thay đổi theo lịch học hè đó...

Tôi hoan nghênh báo chí phát hiện, phản ánh những nơi làm sai để địa phương điều chỉnh kịp thời.

Với Hà Nội, Bộ cũng đã từng có ý kiến, có thái độ và Hà Nội cũng mở một đợt chấn chỉnh, nhiều nơi đã thu tiền của phụ huynh rồi bị bắt trả lại. Giáo dục tiểu học của Hà Nội năm nay không được Bộ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng chỉ vì quản lý dạy thêm học thêm và thu góp chưa tốt.

Ở đâu có tiêu cực trong dạy thêm học thêm hay lạm thu thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Học sinh ở Hà Nội đã học từ ngày 15 - 7. Ảnh: Hồng Vĩnh

Năm học này, Bộ có những biện pháp như thế nào nhằm giúp các địa phương chỉ đạo, quản lý tốt hơn trong vấn đề ngăn chặn lạm thu?

Các khoản hay bị lạm thu nhất là những khoản mà trường lợi dụng ban đại diện cha mẹ học sinh để thu tiền. Năm học vừa rồi, Bộ đã ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó đã quy định không cho ban đại diện thu tiền của phụ huynh để hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường.

Nhưng Bộ cũng không cấm huy động sự đóng góp của xã hội để đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, có muốn huy động thì ông hiệu trưởng phải đứng ra chịu trách nhiệm huy động chứ không được lấy ban đại diện cha mẹ học sinh làm lá chắn.

Tinh thần của thông tư là các trường phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của nhà nước, tất cả những thu góp phải đảm bảo tính tự nguyện, phải đưa vào quản lý qua hệ thống sổ sách của nhà trường, sử dụng theo nguyên tắc hiệu quả tiết kiệm, công khai.

Người đóng góp phải được giám sát kết quả thực hiện. Bộ khuyến khích người đóng góp đứng ra tổ chức thực hiện trực tiếp chứ không phải nhà trường.

Chẳng hạn ai ủng hộ quần áo cho các cháu thì mang quần áo đến, ai ủng hộ việc làm sân thì đứng ra tổ chức làm hoặc trực tiếp làm, ai ủng hộ quạt thì mang quạt đến lắp.v.v...

Nếu ai không làm được như vậy thì có thể ủng hộ tiền mặt, nhà trường đứng ra nhận và tổ chức thực hiện nhưng phải có thiết kế, có dự toán; làm xong phải báo cáo tài chính công khai.

Cảm ơn Thứ trưởng.

Quý Hiên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG