Ngành sư phạm tiếp tục ế

Ngành sư phạm tiếp tục ế
TP - Năm nay, thí sinh vẫn chê các ngành sư phạm (SP). Có ngành chỉ có vài ba thí sinh đạt được mức điểm sàn theo khối của năm 2011. Thậm chí một số ngành không có thí sinh nào có điểm thi bằng điểm chuẩn ngành năm ngoái.

> Thủ khoa ĐH Kinh tế đạt 28 điểm

Đầu vào teo tóp

Theo thống kê năm nay tại ĐH Cần Thơ, ngành SP tiếng Pháp có 20 thí sinh dự thi và chỉ 12 thí sinh đạt điểm từ 13 trở lên, trong khi chỉ tiêu của ngành là 40.

Ngành SP Ngữ văn của ĐH Trà Vinh tuyển sinh cả khối C, D1 có 105 thí sinh dự thi và số thí sinh có tổng điểm từ 14 trở lên là 14 thí sinh và ở mức điểm 13 là 24 thí sinh. Thí sinh cao điểm nhất ngành này chỉ đạt 17,5 điểm.

Cũng ở khu vực ĐBSCL, sự ế ẩm của các ngành SP thể hiện rõ nét nhất ở ĐH Đồng Tháp. Mặt bằng điểm thi của thí sinh vào các ngành sư phạm khá thấp, lượng thí sinh dự thi ở các ngành này cũng rất ít.

Ngành SP Toán chỉ có 10 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên ở 2 khối A và A1. SP Tin học có 13 thí sinh dự thi và thí sinh điểm cao nhất chỉ 11 điểm. SP Vật lý có 27 thí sinh dự thi và chỉ có 1 thí sinh đạt 14,5 điểm.

SP Hóa có 5 thí sinh từ 13 điểm trở lên. SP Sinh học có 24 thí sinh dự thi và thí sinh cao điểm nhất là 12,5 điểm...

Trong khi đó, ĐH Sư phạm TPHCM là nơi đào tạo sư phạm lâu năm nhưng nhiều ngành thuộc hệ sư phạm vẫn rơi vào tình trạng hiu hắt. Ngành Giáo dục chính trị chỉ tiêu 100 nhưng chỉ có 26 thí sinh đạt 13 điểm.

SP Giáo dục Quốc phòng An ninh tuyển sinh các khối A, C, D1, A1 với chỉ tiêu 120 nhưng chỉ 12 thí sinh dự thi và có 3 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên, thí sinh cao điểm nhất chỉ đạt 17 điểm.

SP song ngữ - Anh chỉ tiêu 40 có 23 thí sinh dự thi và chỉ 9 thí sinh đạt từ 14 điểm trở lên. Nếu lấy mức điểm chuẩn năm ngoái là 18 thì chỉ có 2 thí sinh đạt được.

SP tiếng Pháp chỉ tiêu 60 và có 29 thí sinh dự thi và chỉ có 11 thí sinh đạt mức điểm chuẩn năm ngoái (18 điểm). SP tiếng Trung Quốc có 34 thí sinh dự thi, chỉ tiêu 40, điểm chuẩn năm ngoái 18 năm nay không có một thí sinh nào đạt 18 điểm, thí sinh cao nhất chỉ 16,5 điểm.

Ở khu vực Tây Nguyên, trường ĐH Tây Nguyên có nhiều ngành hệ sư phạm chỉ có vài thí sinh đạt điểm từ sàn năm ngoái trở lên. Ngành SP Vật lý chỉ có 29 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Thí sinh cao điểm nhất của ngành này chỉ đạt 20 điểm.

Không còn sức hút

Mới đây, tại hội thảo khoa học “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” diễn ra tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Giáo dục nhận định: chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông còn yếu về năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức có hạn, hệ thống đào tạo giáo viên không theo kịp sự đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Một trong những nguyên do xuất phát thực trạng trên, theo nhiều đại biểu là do chất lượng đầu vào thấp. Thực tế từ số liệu thống kê trên cho thấy: nhiều ngành sư phạm có điểm chuẩn đầu vào chỉ ở mức trung bình 4 đến 5 điểm/môn.

Thậm chí, một số ngành ở nhiều trường đã cố gắng hết sức nhưng vẫn tuyển không ra người học. GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Đầu vào thấp thì khó có thể có giáo viên giỏi. Mà đã không có giáo viên giỏi thì làm sao đào tạo ra học trò giỏi?”.

Dù được miễn học phí, được nhiều ưu đãi khác nhưng giới trẻ vẫn chê nhóm ngành sư phạm, vì sao? TS. Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn cho rằng: Hiện nay việc miễn học phí, cộng thêm các khoản học bổng không còn đủ sức hút thí sinh.

Trước kia đầu vào ngành sư phạm cao, bây giờ thì ngược lại. Nguyên nhân là do lao động quá cực nhọc.

Ông Ngoạn dẫn chứng: “Giáo viên tiểu học phải dạy 93 giờ/tuần; giáo viên THCS dạy 97giờ/tuần và giáo viên THPT dạy 72 giờ/tuần, đều vượt quá số thời gian quy định. Nhưng thu nhập còn bấp bênh thì ít người muốn gắn bó với nghề này”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG