Một cuộc thanh tra bất thường?

Một cuộc thanh tra bất thường?
TP - ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) bị phát hiện có nhiều sai phạm sau đợt thanh tra về công tác quản lý nhà nước trong liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học giai đoạn 2006-2010.

> Chuyển hồ sơ sang CQĐT vụ '2.000 bằng thạc sĩ, cử nhân'

Báo Tiền Phong trò chuyện với ông Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQG HN.

SV ĐHQG trong phòng thí nghiệm
SV ĐHQG trong phòng thí nghiệm.

Xin ông cho biết quan điểm của trường về kết luận của Thanh tra chính phủ (TTCP) về các sai phạm của ĐHQG HN?

Đây là một cuộc thanh tra có rất nhiều dấu hiệu bất thường. Cuối năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt một kế hoạch thanh tra Bộ GD&ĐT và các cơ sở của Bộ GD&ĐT về liên kết đào tạo mà không có ĐHQG trong kế hoạch đó.

Việc thanh tra liên kết đào tạo trong ngành GD là đúng vì lĩnh vực này có nhiều điểm khiến dư luận bức xúc, đặc biệt có trung tâm đào tạo quốc tế đã từng được gọi là trường ma, đào tạo 23 khóa trong 10 năm liền do Bộ GD chỉ cấp phép tư vấn nhưng nơi đó đã làm từ đào tạo đến cấp hàng nghìn cái bằng thạc sĩ…

Sự bất thường ở đây là sau 8 tháng lần lữa, khi Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị thanh tra lùi lại thì xuất hiện thêm quyết định thanh tra Bộ GD&ĐT và ĐHQG HN vào ngày 19-8-2011.

Dấu hiệu bất thường thứ hai là khi đoàn thanh tra về, ông trưởng đoàn đọc quyết định và giao cho một tranh tra viên với trách nhiệm Phó trưởng đoàn, ông Nguyễn Mạnh Cường, phụ trách toàn bộ công việc thanh tra.

Điều bất thường thứ ba là không làm việc với ĐHQG mà về thẳng các đơn vị để làm việc và trong quá trình thanh tra không quan tâm nhiều đến chương trình đào tạo mà chủ yếu là phô tô các chứng từ liên quan đến tài chính mặc dù 2-3 tháng trước đó kiểm toán nhà nước đã làm việc rất nghiêm túc và kết luận không có vấn đề.

Thanh tra vào để thanh tra chương trình đào tạo thì lại toàn kiểm tra tài chính và kết luận: kiểm toán làm sai!

Trong quá trình thanh tra, có rất nhiều dấu hiệu vi phạm nên một đơn vị của ĐHQG HN đã báo cáo lên Tổng thanh tra và Tổng thanh tra đã có quyết định rút ông phó đoàn Nguyễn Mạnh Cường về và gần như việc thanh tra bị gián đoạn vào tháng 1-2012.

Sau đó ông Nguyễn Mạnh Cường, sau rất nhiều lần kiểm điểm, đã bị kỷ luật cảnh cáo.

Tiếp theo đó, nhiều tháng ĐHQG HN luôn nhận được rất nhiều văn bản đề nghị làm rõ một số điều và có lần đã mời ĐHQG HN sang và thảo luận một số nội dung rất kỳ lạ, chẳng giống gì thực tế đào tạo của ĐHQG.

ĐHQG HN cũng đã có một giải trình rất dài nói rõ là văn bản dẫn chiếu sai, cách hiểu chưa đúng… Tuy nhiên, TTCP không có bất kỳ hồi âm nào từ tháng 1 đến tận tháng 6-2012 và bất ngờ cho ra kết luận như đã biết.

Rất nhiều lần ĐHQG HN có văn bản đề nghị được làm việc để làm rõ một số vấn đề nhưng không được.

Cho đến nay, về danh nghĩa ĐHQG chưa nhận được kết luận, mà chỉ nhận được qua… thông tin báo chí. Trong thông báo của kết luận thanh tra, nơi nhận không có ĐHQG HN.

Thực hư của việc không thi đầu vào là thế nào?

Liên kết đào tạo là việc quản lý con em chúng ta để hạn chế việc chảy máu đô la khi đi học ở nước ngoài.

Vậy câu hỏi được đặt ra là nếu đi học nước ngoài thì học sinh có phải chịu chế tài bởi luật giáo dục VN hay không? Trường ĐH ở nước ngoài không thi đầu vào mà chỉ quản lý đầu ra và đó là quy trình đào tạo tiên tiến của thế giới.

Mình đã chấp nhận lấy bằng của bạn thì phải tuân thủ theo quy trình tuyển chọn của bạn chứ không phải thi ĐH của mình để tuyển chọn vào trường tây.

Thạc sĩ không làm luận văn tốt nghiệp được coi là một sai phạm lớn, thì sao thưa ông?

Thạc sĩ (Ths) có 2 loại: nghiên cứu và thực hành. Thực hành chỉ làm tiểu luận còn Ths nghiên cứu mới làm luận văn.

Vì vậy, không phải ai cũng làm luận văn. Đó là các hệ đào tạo nước ngoài mà tới đây chúng tôi cũng sẽ theo hướng đó.

Chương trình liên kết đào tạo cử nhân của TT Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) thuộc ĐHQG HN với Trường ĐH Griggs yêu cầu tuyển sinh đạt điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng tại thời điểm thanh tra, hồ sơ của sinh viên không có giấy báo điểm.Vì sao?

Chỉ có một số học sinh ở giai đoạn trước khi Bộ GD&ĐT chưa có quy định điểm chuẩn thì chúng tôi làm theo kiểu của trường bạn; sau đó Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn thì ĐHQG cũng thực hiện.

TTCP đề nghị không công nhận bằng tốt nghiệp của 2.000 cử nhân và Ths, ông nghĩ sao?

Chúng ta không nên đặt vấn đề công nhận bằng này hay không bằng kia. Hàng trăm ngàn người đi học hàng ngàn trường ĐH trên thế giới thì có đủ sức và có nên công nhận không? Công nhận trường ĐH nước nào và không công nhận trường nào?

ĐHQG HN có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Theo Kết luận thanh tra (số 1376/KL-TTCP) của Thanh tra Chính phủ đề ngày 8 tháng 6 năm 2012 do Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản ký, ĐHQG HN vi phạm một số điều sau:

Việc liên kết đào tạo đại học (ĐH) và sau ĐH với nước ngoài vi phạm quy định về tuyển sinh, quá trình đào tạo, đánh giá chất lượng và cấp bằng.

Các chương trình liên kết quốc tế của ĐHQG HN cấp phép không dựa trên năng lực của đơn vị đào tạo, chỉ dựa vào nhu cầu.

Công văn cấp phép không xác định số học viên/lớp, số lớp/khóa học; có trường hợp chỉ xác định: cho thí điểm chương trình nên đã tạo điều kiện cho một số đơn vị mở rộng quy mô đào tạo vượt xa năng lực; chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định...

Bản kết luận thanh tra còn chỉ ra một số nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong liên kết đào tạo tại ĐHQG HN: việc lựa chọn đối tác liên kết của các trường ĐH chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, việc dễ dãi từ khâu tuyển sinh, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng vi phạm các quy định pháp luật VN, dẫn đến nhiều chương trình liên kết đào tạo quốc tế hạ thấp chất lượng đào tạo, như không thi tuyển đầu vào, không giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, không làm và bảo vệ luận văn…

Hồ Thu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.