Đầu tư học môn Hóa dễ ghi điểm

Đầu tư học môn Hóa dễ ghi điểm
TP - Theo cô giáo Nguyễn Thu Hòa, Phó Tổ trưởng tổ Hóa - Sinh trường THPT Cao Bá Quát - Gia Lâm, Hà Nội thì môn Hóa là môn giúp các em dễ ghi điểm nếu chăm chỉ.

ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT:

Đầu tư học môn Hóa dễ ghi điểm

>Từ 25-4, đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT
>Chính thức công bố lịch thi tốt nghiệp THPT

Để giúp học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp, các giáo viên trong tổ chuyên môn Hóa của trường Cao Bá Quát - Gia Lâm cùng nhau biên soạn một cuốn tài liệu, trong đó bao gồm phần lý thuyết khái quát và các dạng bài tập với đủ các mức độ dễ - khó. Cô Hòa cho biết: “Chúng tôi phát cho học sinh cuốn tài liệu đó rồi thông báo trước cho học sinh nội dung ôn tập của từng tuần, từng tiết.

Chẳng hạn, các em sẽ được thông báo tuần này ôn phần đại cương về kim loại, tiết nào sẽ ôn lý thuyết, tiết nào sẽ ôn các dạng bài tập” cũng theo cô Hòa, điều quan trọng là giáo viên phải giao việc để các em làm trước ở nhà, đến lớp giáo viên chỉ tổng kết các dạng bài tập. Ví dụ, giáo viên giới thiệu bài tập dạng kim loại tác dụng với các loại muối, hoặc dạng kim loại tác dụng với axit gồm có những bài tập kiểu như thế nào! Sau đó là chữa bài tập, từ một bài điển hình đến một bài phức tạp. Hóa có rất nhiều dạng bài tập, nhưng chẳng tài liệu nào người ta phân dạng cho mình. Vì thế giáo viên trong tổ chúng tôi tự phân dạng rồi giới thiệu cho các em.

Một kinh nghiệm hướng dẫn ôn tập cho học sinh khác của các giáo viên môn Hóa Trường Cao Bá Quát - Gia Lâm là cho ôn cuốn chiếu theo từng chuyên đề. “Khi ôn đại cương về kim loại mà học sinh đã được học trong học kỳ I, thì tôi lồng luôn kiến thức của các chương về các kim loại cụ thể mà các em mới được học trong học kỳ II. Nếu ôn lần lượt theo từng chương, từng phần, hết đại cương mới đến các chất cụ thể thì trước hết là không có thời gian, hai là phần bài tập sẽ lặp lại khiến học sinh cảm thấy nhàm chán.

Trong phần ôn tập về kim loại thì đại cương là nội dung rất hay nhưng cũng rất khó. Khi ôn tập cho học sinh, bao giờ tôi cũng ôn tập phần đại cương rồi lấy những chất vừa được học xong để luyện vào đó. Khi học xong các bài về kim loại cụ thể, giáo viên cho học sinh làm bài tập đồng thời lồng ghép luôn với phần đại cương, thì ta sẽ có những chuyên đề rất hay về phần kim loại mà học sinh thấy rất dễ hiểu”, cô Hòa chia sẻ.

Theo cô Hòa, một đặc trưng của Hóa là kiến thức được cấu trúc theo hình trôn ốc, mỗi phần là một mắt xích để tạo nên kiến thức tổng thể của môn học trong chương trình THPT. Vì vậy, nếu học sinh chỉ ôn mỗi kiến thức Hóa trong chương trình lớp 12 thì sẽ không làm bài tập được.

Để giúp học sinh không phải kè kè bên mình SGK Hóa lớp 10, lớp 11 trong quá trình ôn, khi biên soạn tài liệu cho học sinh ôn tập, các giáo viên Hóa của trường đã khéo léo kết nối các kiến thức lớp 12 với lớp 10, 11.

Tuy nhiên, môn Hóa không đòi hỏi học sinh phải có tư duy sâu sắc, giàu trí tưởng tượng. “Tôi thường nói với học sinh, với những môn khác các em phải tập trung tâm trí để suy nghĩ rồi lập luận nhưng Hóa thì khác, các em không thể bịa các tính chất cho các chất được.

Do đó, nếu chăm chỉ, chịu khó thuộc lý thuyết, các em sẽ dễ dàng làm được các bài tập. Rất ít bài đòi hỏi tính toán phức tạp, đặc biệt là với kỳ thi tốt nghiệp. Vì thế đây là một môn các em dễ ghi điểm” cô Hòa nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG