Dạy thêm vẫn là thu nhập chính

Dạy thêm vẫn là thu nhập chính
Dạy thêm - học thêm là nhu cầu có thật nên dù Bộ GD-ĐT có quy định quản lý theo chiều hướng hạn chế, nhưng trên thực tế việc này vẫn diễn ra công khai.

Dạy thêm vẫn là thu nhập chính

Dạy thêm - học thêm là nhu cầu có thật nên dù Bộ GD-ĐT có quy định quản lý theo chiều hướng hạn chế, nhưng trên thực tế việc này vẫn diễn ra công khai.

Lớp học thêm tiếng Anh tại nhà một giáo viên ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM
Lớp học thêm tiếng Anh tại nhà một giáo viên ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: Thanh Niên

Đăng ký trước một năm

Chúng tôi tới lớp dạy thêm môn vật lý của thầy L.D.Đ - giáo viên Trường THPT Gia Định trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM). Trừ thứ hai và thứ sáu không có lớp học, các ngày còn lại trong tuần thầy dạy mỗi ngày từ một đến ba ca, riêng thứ bảy, chủ nhật dạy cả ngày.

Học sinh (HS) học hai buổi/tuần, mỗi buổi khoảng 90 phút, học phí khoảng 1,5 triệu đồng/ba tháng/HS.

Lớp học của thầy từ 40 - 50 HS, mỗi tháng thu nhập từ việc dạy thêm cũng hơn 50 triệu đồng. Tuy vậy, vào học lớp của thầy cũng không dễ. Thông thường chỉ HS nào theo học từ lớp 10 mới có cơ hội học chuyển tiếp lên, còn HS mới xin học giữa chừng thì rất khó.

Thu nhập của tôi như vậy là ít chứ có giáo viên chỉ cần vài năm dạy thêm đã mua biệt thự trong nội thành - Một giáo viên dạy thêm

HS tại TPHCM đều biết đến lớp dạy thêm ở quận Phú Nhuận của giáo viên một trường THPT chuyên. Để được vào những lớp của thầy, ngay từ đầu năm lớp 8, phụ huynh đã phải đăng ký để có chỗ học cho con em khi vào lớp 9.

Thầy dạy thêm chuyên nghiệp đến nỗi tạo riêng một website để thông báo thời khóa biểu cho từng năm học.

Cũng là giáo viên của một trường THPT chuyên tại TPHCM nhưng thầy N.H dạy từng nhóm tối đa 10 HS theo yêu cầu. Đây chủ yếu là những HS con em gia đình khá giả và như lời thầy thì có em nhà giàu "không thể tưởng tượng".

Phụ huynh tự đứng ra tổ chức lớp, tìm địa điểm phù hợp, tự thu học phí, thầy chỉ việc đến dạy và cuối tháng nhận thù lao.

“Nói chung thu nhập cao hơn gấp nhiều lần lương giáo viên. Thu nhập của tôi như vậy là ít chứ có giáo viên chỉ cần vài năm dạy thêm đã mua biệt thự trong nội thành", thầy H thông tin.

Có cả trợ giảng

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm tới lớp dạy thêm tiếng Anh của thầy N.C.D đường Huỳnh Văn Bánh, quậnPhú Nhuận, TPHCM. Lớp học là phòng khách của gia đình và khoảng sân trước nhà.

Khi giảng bài, thầy thường đứng sát cổng và dạy hai lớp cùng một lúc. Có ngày, HS đông quá, thầy quản không nổi thì nhờ một "trợ giảng" tên Lan quản lý lớp nhỏ bên trong. Do vậy mà tiếng giảng bằng micro bên ngoài của thầy hòa cùng với lời giảng của cô Lan bên trong nhiều khi tạo thành tạp âm, HS rất khó phân biệt.

HS học hai buổi/tuần, mỗi buổi 90 phút, tùy từng khối lớp, học phí dao động từ 130.000 đến 150.000 đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng khoảng 10 lớp, mỗi lớp khoảng 50 HS. Với mức học phí như trên, hằng tháng, thầy thu nhập khoảng 75 triệu đồng.

Khi đề nghị nhận định một cách khách quan về việc dạy thêm - học thêm, thầy N.H cho biết: "Từ khung chương trình của Bộ GD-ĐT, hiện nay, trường nào cũng tổ chức soạn giáo án có khối lượng bài tập gấp 10 lần sách giáo khoa. Vì vậy, để giải quyết hết khối lượng bài tập, HS phải tìm thầy cô hướng dẫn cho mình cách làm bài. Bên cạnh đó, lý do quan trọng hơn cả là nếu chỉ chăm chăm vào sách giáo khoa thì HS khó có thể đậu ĐH vì khoảng cách giữa đề thi tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh ĐH như một trời một vực. Thế nên, HS chỉ còn cách là đi học thêm".

Do đó, bao năm qua, việc dạy thêm - học thêm bị xã hội lên án nhưng chưa khi nào giải quyết được một cách triệt để.

Ông Võ Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), từng chia sẻ với báo chí về vấn đề này rằng: "Nếu nói đó là hệ lụy của chương trình học hiện nay quá nặng thì chưa đủ mà cốt lõi của vấn đề này nằm ở chỗ chế độ thi cử, tuyển sinh cũng như kế hoạch phân luồng HS ở bậc học phổ thông chưa tốt. Vì vậy, hầu hết HS đều có tâm lý tốt nghiệp THPT là phải vào ĐH trong khi lối vào bậc học này vô cùng nhỏ hẹp. Thế nên việc dạy thêm - học thêm sẽ còn tiếp tục diễn ra".

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiệu trưởng các trường có trách nhiệm quản lý việc DT của giáo viên.

Một hiệu trưởng khẳng định: “Đây là nhiệm vụ bất khả thi vì mỗi trường có hàng trăm giáo viên mà địa bàn cư trú khác nhau, có người tổ chức dạy tại nhà, có người thuê địa điểm, có người đến nhà HS… hiệu trưởng nào kiểm tra cho xuể. Trong khi đó, luật Viên chức cho phép người lao động được làm thêm ngoài giờ hành chính những việc thuộc chuyên môn của mình. Thế nên, nhà nước cấm cũng rất khó".

Có hiệu trưởng còn cho biết thêm: "Dù xã hội không đồng tình nhưng nhu cầu HS vẫn nhiều và thu nhập của việc làm này không hề thấp. Chi bằng, hãy coi đó là một nghề. Cũng như ngành y, bác sĩ được mở phòng khám tư thì đến lúc nhà nước cũng có quy định cụ thể về việc mở lớp học thêm. Quyền quản lý, giám sát thuộc các địa phương từ cấp phường, xã trở lên. Nếu địa điểm nào tổ chức lớp dạy không có phép thì xử lý".

Theo Bích Thanh - Minh Luân
Thanh Niên

Sáu điểm mới trong Dự thảo quy định quản lý dạy thêm - học thêm

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ GD Trung học Bộ GD-ĐT, cho biết Dự thảo quy định quản lý dạy thêm - học thêm sắp ban hành có 6 điểm mới:

1. Không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm hoặc dạy thêm trước những nội dung mà giờ chính khóa sẽ dạy.

2. Quy định thời lượng dạy thêm cho một HS/tuần, số tiết/ buổi học và thời gian của mỗi tiết học đối với từng cấp học.

3. Đối với dạy thêm - học thêm trong nhà trường:

- HS muốn học thêm phải tự viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ HS (hoặc người giám hộ) có con em xin học thêm phải trực tiếp ký, ghi nội dung cam kết với
nhà trường.

- Nhà trường phải phân loại HS theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ HS (không tổ chức lớp dạy thêm - học thêm theo các lớp học chính khóa).

- Giáo viên muốn dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm, nhà trường xét duyệt danh sách, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu dạy thêm phù hợp với trình độ HS.

4. Đối với dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm phải ký cam kết với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt điểm dạy thêm - học thêm về thực hiện đúng các quy định dạy thêm - học thêm và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm - học thêm; phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin công cộng của địa phương (xã, phường, thị trấn) và tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước khi thực hiện dạy thêm về: giấy phép dạy thêm - học thêm, danh sách người dạy thêm, danh sách người học, nội dung, chương trình dạy thêm - học thêm, thời khóa biểu, mức thu tiền học thêm.

5. Một số nội dung trước đây giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản quy định thì lần này được quy định thống nhất trên toàn quốc như: quy định tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm trong và ngoài nhà trường; thu và quản lý tiền học thêm; tiêu chuẩn đối với người dạy thêm; thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm; thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm...

6. Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý dạy thêm - học thêm của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh, huyện đến xã; các cấp quản lý giáo dục từ sở, phòng GD-ĐT đến các cơ sở giáo dục; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm và của người dạy thêm.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
GDP tăng vượt mọi dự báo, dấu ấn những ‘siêu dự án’ năm 2024
GDP tăng vượt mọi dự báo, dấu ấn những ‘siêu dự án’ năm 2024
TPO - Cơn bão số 3 mạnh nhất 30 năm qua gây thiệt hại nặng nề cho miền Bắc nhưng không thể xóa sạch thành quả của nền kinh tế. Bằng chứng là tăng trưởng GDP bứt phá ấn tượng, tăng lương cao nhất từ trước tới nay, đại dự án về đích thần tốc, nhiều kỷ lục mới được thiết lập... Cùng Tiền Phong điểm lại những sự kiện kinh tế nổi bật nhất năm 2024.
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.