Không để người mù ngoại ngữ vào cao học

Không để người mù ngoại ngữ vào cao học
TP - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện 14 trường sai phạm về miễn thi đầu vào ngoại ngữ cho người dự thi tuyển sinh thạc sĩ đang rà soát để báo cáo Bộ GD&ĐT. Ông cũng khẳng định, không để người mù ngoại ngữ học cao học.

> Sát hạch lại ngoại ngữ của hàng ngàn thạc sĩ 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Có ý kiến cho rằng Bộ đã phân cấp cho các trường đặt ra yêu cầu nên việc trường quyết định miễn thi cho học viên là không sai. Ý kiến của ông là gì?

Hiểu như thế là sai. Hiệu trưởng chỉ được phép quy định mức độ yêu cầu ngoại ngữ cao, thấp khác nhau tùy theo ngành học chứ không phải cho phép miễn hẳn thi hoặc nợ đầu vào môn ngoại ngữ.

Ý kiến của một số lãnh đạo trường ĐH còn cho rằng, đầu vào thì chỉ cần yêu cầu có mức độ về ngoại ngữ vì người học sẽ học tiếp trong quá trình học nên mới… miễn thi . Ông có ủng hộ ý kiến này không?

Ngoại ngữ là công cụ cần thiết không thể thiếu được trong đào tạo sau đại học để học viên có thể học tập, nghiên cứu, tiếp cận tài liệu, chương trình đào tạo của các nước tiên tiến. Nếu chỉ học tài liệu bằng tiếng Việt là không đủ. Bộ quy định các mức theo khung tham chiếu châu Âu ở các trình độ B1, B2 đã nói rõ: nói, đọc, viết phải đạt tiêu chuẩn nào …Tôi xin nhắc lại: không thể nói không biết ngoại ngữ mà có thể học được cao học.

Các trường đều chỉ ra sự bất cập trong quy định tuyển sinh tiến sĩ và thạc sĩ và cho rằng tuyển sinh thạc sĩ cũng cần bỏ quy định kiểm tra đầu vào ngoại ngữ và miễn thi như tuyển sinh tiến sĩ. Theo ông đề nghị trên có hợp lý không?

Bộ sẽ xem xét và điều chỉnh lại khi sửa quy chế thi với những chỗ bất hợp lý. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi thì các trường phải thực hiện đúng luật chứ không thể làm sai và không báo cáo.

Thông qua báo Tiền Phong tôi cũng muốn nói với lãnh đạo các trường là họ cần phải có trách nhiệm hơn trong việc góp ý kiến cho các văn bản của ngành. Bản thân Thông tư 10/2011/TT-BGD&ĐT về Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ đã được treo trên mạng hàng tháng trời và được gửi cho các trường để góp ý kiến nhưng vì sao lúc đó các trường không góp ý, điều chỉnh để bây giờ làm sai mới nói?

Không ít hiệu trưởng cho rằng với tình hình các loại bằng cấp phức tạp như hiện nay ở Việt Nam, ngành GD&ĐT cần có quy định cụ thể những loại bằng quốc tế nào được công nhận, ở mức độ nào; đặc biệt các loại văn bằng ở Việt Nam thì cần quy định cụ thể loại bằng nào, do trường nào cấp mới được công nhận. Ông có ủng hộ ý kiến này không?

Tôi ủng hộ nhưng ủng hộ thực chất chứ không chỉ có bằng mà đọc không ra một chữ! Khi nào điều chỉnh thông tư sẽ nghiên cứu kỹ và lấy ý kiến của các trường. Và quan điểm của tôi là công nhận chất lượng chứ không phải là những văn bằng đang trôi nổi hiện nay trên thị trường.

Cám ơn ông.

Trình độ ngoại ngữ của thạc sỹ bằng học sinh

Yêu cầu về ngoại ngữ cho học viên thạc sĩ ở trình độ B1 là không hề cao, chỉ bằng yêu cầu đối với học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) theo đề án ngoại ngữ mà thôi. Sau này học sinh tốt nghiệp THPT cũng phải đạt trình độ như vậy.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Bộ phận thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.