Đổi mới thi tốt nghiệp THPT:

Nên để các sở tự ra đề

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Ngọc châu
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Ngọc châu
TP - Hiện Hà Nội chưa tổ chức hội nghị thảo luận nhằm lấy các ý kiến góp ý dự thảo điều chỉnh phương án thi và xét tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết cá nhân ông ủng hộ chủ trương đổi mới của Bộ.

Ông Hoan nói:

Việc giảm môn thi là phù hợp với nhu cầu thực tế,  nó giúp việc giảm áp lực học hành lên vai học sinh. Hơn nữa, giảm môn thi sẽ giúp nhà nước giảm được kinh phí đáng kể để tổ chức kỳ thi. 

Với hai phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra, tôi thích phương án một, tức là có hai môn thi bắt buộc gồm Văn và Toán, hai môn thi mỗi thí sinh được tự chọn trong số năm môn Lý, Hoá, Sinh, Địa, Sử; Ngoại ngữ là môn khuyến khích, học sinh có thể đăng ký thi để được cộng điểm. Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học môn ngoại ngữ hiện có một sự chênh lệch rất lớn không chỉ trên toàn quốc mà ngay cả với Hà Nội nói riêng. Chất lượng dạy học môn ngoại ngữ các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy… trội hơn hẳn các huyện ngoại thành như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa.v.v… Dạy học ngoại ngữ phải đạt được mục tiêu rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nếu thi ngoại ngữ mà kiểm tra được bốn kỹ năng này thì mới nên thi. Như hiện nay thì thi chẳng để làm gì!

Tuy nhiên, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn đổi mới hơn nữa, chẳng hạn như có thể giao hẳn việc ra đề cho các sở GD&ĐT thay vì việc Bộ ra một đề thi chung trên toàn quốc như hiện nay.

Lý lẽ của đề xuất này là thế nào, thưa ông?

Việc tự ra đề thi sẽ giúp các sở đánh giá được chính xác hơn học sinh của mình, từ đó mới có tác dụng tích cực trở lại hoạt động dạy và học. Việc Bộ GD&ĐT ra chung một đề chung cho cả 63 tỉnh thành thì đề thi có thể vừa sức với học sinh các tỉnh khó khăn nhưng lại quá dễ với học sinh các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Ví dụ đề toán dài 150 phút nhưng ở Hà Nội có những hội đồng thi chỉ sau 40 – 50 phút hầu hết thí sinh đã làm xong.

Nếu giao cho các sở tự ra đề, tôi nghĩ họ sẽ ra những đề phù hợp với học sinh của mình hơn. Tôi cũng tin rằng sẽ không có việc ra đề quá dễ, tỉnh nào cũng sẽ ra đề để làm sao không có chuyện 100% học sinh đỗ, bởi nhà giáo nào cũng biết nếu thi mà đỗ hết thì hiệu quả sư phạm không cao.

Một vấn đề hiện nay gây nhiều tranh cãi trong dư luận là dự kiến miễn thi cho tối đa 20% học sinh. Ý kiến ông thế nào?

Tôi ủng hộ. Kỳ thi tốt nghiệp là một kỳ thi có những yêu cầu khá đơn giản. Kể cả những học sinh có học lực yếu mà cố gắng vẫn có thể đỗ. Với học sinh giỏi thì có thể biết trước chắc chắn các em đỗ. Trong kỳ thi, những em giỏi thường trở thành người mà một số em học lực yếu hơn dựa dẫm quay cóp. Nếu miễn thi cho những em học giỏi, các phòng thi sẽ mất đi những “hạt nhân” đó. Các em giỏi không phải thi còn giúp cho nhà nước giảm chi phí tổ chức thi.

Nhưng nhiều giáo viên rất lo lắng, không hiểu các sở sẽ đưa ra giải pháp kỹ thuật nào trong việc tính 20% này…

Tôi nghĩ rồi sẽ tìm ra được cách thức phù hợp. Chẳng hạn, có thể miễn thi cho những em vừa đạt học lực giỏi suốt 3 năm THPT vừa đạt giải cấp thành phố trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi… Diện miễn thi không nên phân bổ theo trường mà nên phân bổ chung cho cả tỉnh/ thành. Ví dụ, năm nay Hà Nội có 100.000 thí sinh dự thi thì sẽ có 20.000 em không phải thi, việc chọn danh sách này sẽ lấy từ cao xuống thấp trên toàn thành phố, vì thế sẽ diễn ra việc trường A có thể có mấy trăm em được miễn thi nhưng trường B sẽ chẳng có em nào! Có thể sở sẽ đưa ra các tiêu chí, thông báo cho các trường, trường lập danh sách gửi lên sở. Sở sẽ thành lập một hội đồng xét duyệt, đưa ra một danh sách chung.

Nhưng giáo viên cho rằng cách đánh giá học sinh ở từng trường rất khác nhau nên sẽ không công bằng cho các học sinh khi việc xét miễn thi không có mặt bằng kết quả chung?   

Lo ngại đó là có cơ sở, nhưng nếu Hà Nội làm, Hà Nội sẽ không chỉ căn cứ vào kết quả học tập rèn luyện do trường đánh giá mà sẽ dựa vào kết quả các kỳ thi chung, chẳng hạn như kỳ thi học sinh giỏi thành phố, các kỳ thi về văn nghệ - thể thao. Chẳng hạn kỳ thi học sinh giỏi thành phố, mỗi năm có khoảng 3.700 em dự thi, theo quy chế thì 60% số em này đoạt giải... Có thể học sinh diện chính sách cũng sẽ được đưa vào xét miễn thi nếu ở trường những em này đã được xếp học lực loại giỏi, hạnh kiểm tốt. Với lại dự kiến của Bộ GD&ĐT không nhất thiết miễn thi đến 20%, do đó có thể Hà Nội chỉ chọn 10 – 15% thôi. Nếu học sinh được miễn thi ít quá thì có thể xét thêm những em học sinh giỏi nhưng điểm phẩy cao.

Liệu điều đó có thể xảy ra một tình trạng chạy đua về điểm số của các trường khi mà trường nào cũng muốn lợi cho học sinh của mình?

Tôi nghĩ nếu lúc nào cũng cứ lo sẽ có tiêu cực thì chẳng dám làm gì cả.

Cảm ơn ông.

Trong kỳ thi, những em giỏi thường trở thành người mà một số em học lực yếu hơn dựa dẫm quay cóp. Nếu miễn thi cho những em học giỏi, các phòng thi sẽ mất đi những “hạt nhân” đó. Các em giỏi không phải thi còn giúp cho nhà nước giảm chi phí tổ chức thi.

MỚI - NÓNG