> Tổ chức Mrs. World nhận lỗi vì ghi sai tên Việt Nam
> Trần Thị Quỳnh mang dải ruy băng ghi sai tên nước
*Phóng viên: Chị sở hữu nhiều ưu thế và là người trẻ nhất trong số các thí sinh Việt Nam từng thi Mrs. World, nhưng lại đạt thành tích khiêm tốn nhất - chỉ vào tốp 6. Chị nghĩ gì về điều này?
Trần Thị Quỳnh: - Việc các đàn chị đoạt giải cao từ các năm trước thực sự là áp lực lớn với tôi. Tuy nhiên, khi vào tốp 6, tôi cảm thấy đó là một vinh dự và tôi hoàn toàn hài lòng. Có thể mọi người nghĩ tôi thua kém đàn chị, nhưng ở trong cuộc thi mới thấy, tốp 6 của tôi cũng là vị trí cao. Năm nay thí sinh rất đẹp, rất nhiều người quyến rũ, đến nỗi tôi cũng phải… mê. Cô bạn người Mỹ đoạt vương miện Hoa hậu thì quả thực là không thể không phục vì cô ấy hoàn hảo ở mọi mặt, từ sự trẻ trung, thân ái đến thân hình đẹp, săn chắc.
*Nhiều người cho rằng, kết quả của chị bị ảnh hưởng do chiếc váy dạ hội chị mặc kín như bưng, không phô được nét đẹp như các quý bà khác. Chị thấy sao?
- Không, tôi không nghĩ vậy. Ban giám khảo chấm giải là chấm cả quá trình. Cho nên sự nỗ lực của thí sinh chúng tôi kéo dài cả nửa tháng chứ không phải chỉ một ngày. Chiếc váy dạ hội tôi mặc đêm chung kết của nhà thiết kế Lê Thanh Phương. Anh ấy hợp với tôi ở gu thời trang thích vẻ đẹp cổ điển, đằm thắm và nhẹ nhàng. Bản thân tôi quan niệm phụ nữ có gia đình cần sự đằm thắm, nhẹ nhàng ẩn sâu bên trong chứ không chỉ khoe hình thể đẹp. Rất nhiều thí sinh, thậm chí cả ban giám khảo đã bày tỏ sự yêu thích với chiếc váy dạ hội của tôi. Tuy nó không phô diễn đường cong cơ thể, nhưng nó giúp tôi có dáng vẻ thướt tha, nhẹ nhàng rất êm dịu trên sân khấu. Sau khi kết thúc cuộc thi một thí sinh ngỏ ý mua chiếc váy, nhưng tiếc là nó bị hỏng khóa nên tôi không bán giúp nhà thiết kế được.
Chiếc váy dạ hội và dải băng sai tên nước Trần Thị Quỳnh sử dụng trong đêm chung kết Hoa hậu Quý bà Thế giới, tối 23/11 ở Quảng Châu, Trung Quốc.. |
*Vậy chị giải thích thế nào về sự cố cầm ngược cờ và đeo băng sai tên nước?
- Khi tham gia cuộc thi, tất cả chúng tôi đều phải tự chuẩn bị mọi thứ - có thể vì Ban tổ chức muốn đánh giá tinh thần tự lập của thí sinh. Chúng tôi phải tự trang điểm, quản lý tư trang. Ban tổ chức phát cho mỗi người hai đôi giày, một đen, một đỏ - sự kiện bình thường đi giày đen, mặc đồ tắm thì đi giày đỏ. Ai cũng nơm nớp lo bị mất đồ, bị hỏng vì nếu có trục trặc nào sẽ không có gì thay thế.
Thời gian thi chính thức diễn ra trong 11 ngày, càng những ngày cuối, lịch tập luyện càng dày đặc. Cờ và băng đeo đều do ban tổ chức lo. Một người của ban tổ chức đứng sẵn ở cánh gà phát cờ cho chúng tôi trước khi chạy ra sân khấu. Băng đeo thì chỉ được phát sát giờ thi chung khảo và sau khi thi xong bị thu lại để hôm sau phát đêm chung kết. Sân khấu là sân vận động quá lớn, thời gian chúng tôi chạy từ cánh gà đến phòng thay đồ mất 2 phút, ai cũng phải tháo giày cao gót mới kịp. Sự gấp gáp, căng thẳng, hồi hộp khiến chúng tôi không còn nhiều thời gian để ngắm toàn thân mà chỉ nhìn lướt qua được cái mặt mình.
Sự cố này ảnh hưởng thế nào đến chị?
- Tôi suy sụp. Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ dính điều tiếng không hay, đến khi gặp sự cố này thì quá lớn. Đôi lúc áp lực từ phản ứng của độc giả khiến tôi chịu đựng không nổi, không muốn đọc báo hay theo dõi bất kỳ một kênh truyền thông nào nữa. Ai ở trong tâm bão dư luận chắc cũng sẽ như tôi.
Tuy nhiên, tôi kể lại không phải để biện minh, sự việc đã thế rồi, tôi không biết nói gì nữa. Tôi biết lỗi của mình làm đau lòng công chúng cũng nhưng các cơ quan, ban ngành. Nhiều người bảo tại sao tôi biết đeo băng sai mà cứ đeo, tôi chỉ nói một lần mong mọi người hiểu, là nếu tôi biết, thì tôi nghĩ bất cứ ai dù ít có lòng tự trọng nhất cũng không khoác cái băng đó lên người. Đi ra quốc tế, mỗi người đều mang tinh thần dân tộc. Bản thân tôi lúc nào cũng nỗ lực thể hiện mình là một người phụ nữ Việt Nam đẹp, đằm thắm, thân thiện. Với niềm tự hào ấy, hà cớ gì tôi chịu đeo băng sai tên nước nếu như phát hiện ra?
Chị nghĩ sự cố này có bao nhiêu phần lỗi từ chị, bao nhiêu phần lỗi từ công ty Ciat - đơn vị cử chị thi Mrs. World và bao nhiêu phần lỗi từ quý bà Kim Hồng - giám khảo Việt Nam tại Mrs. World 2013 và cũng là người đứng đầu Ciat?
- Tôi nghĩ khó có thể rành rọt tính phần lỗi của ai. Sau sự việc, cả tôi, công ty Ciat và bà Kim Hồng đều đã nhận lỗi. Tất cả đều rất thiện chí, không ai đá quả bóng trách nhiệm sang chân ai. Trong chuyện này, tôi rất thông cảm với bà Hồng. Bà Hồng đứng ở vị trí giám khảo, không được tiếp xúc thí sinh, khi ngồi chấm thi thì ngồi khá xa sân khấu. Trong đêm chung khảo và chung kết giám khảo chỉ có thể nhìn gương mặt và hình thể để chấm điểm, lại phải nhìn tổng thể thí sinh chứ không thể chỉ nhìn một người. Trong quá trình thi, ăn cơm bà Hồng còn không dám nhìn tôi, đi lướt qua nhau cũng không chào hỏi vì sợ mang tiếng thiên vị thí sinh. Tôi nói ra những điều này không phải để thanh minh cho tôi và bà Hồng mà chỉ muốn mọi người hiểu thêm câu chuyện.
Sự cố này khiến chị vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Chị suy nghĩ gì về điều này?
- Tôi đã khóc rất nhiều khi đọc những đánh giá đó. Tôi hiểu rằng mọi người phản ứng trên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Bản thân thí sinh khi thi hoa hậu quốc tế, ngoài việc cạnh tranh nhan sắc còn phải quảng bá về đất nước. Sự cố đeo sai tên nước đã ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ quảng bá Việt Nam của tôi. Chính vì thế tôi rất buồn và thất vọng.
Không phải vì có lỗi mà tôi bào chữa, nhưng tôi cho rằng trong cuộc sống mỗi người nên có cái nhìn bao dung một chút. Từ trước tới giờ, tôi luôn có ý thức giữ hình ảnh sạch, không để công chúng phải bận tâm, chứng tỏ tôi rất tôn trọng hình ảnh của mình và tôn trọng công chúng. Đây là sơ suất vô cùng đáng tiếc và nếu mọi người nhìn nhận như vậy thì mình càng phải cố gắng hơn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội để sửa chữa sai lầm.
Người thân của chị phản ứng ra sao?
- Người ta vẫn nói, gia đình là nơi tuyệt vời nhất. Khi tôi từ Trung Quốc về, mọi người vẫn chào đón thắm thiết sau những ngày xa cách. Chồng tôi bình tĩnh lắm, còn động viên tôi bằng những câu vui vui, anh dặn con gái chăm sóc mẹ, làm mẹ cười. Bố mẹ chồng nấu cơm chờ sẵn, không đả động gì tới sai sót của tôi nhưng tôi buồn quá nên than thở: "Con buồn lắm, vì một việc này mà bao cố gắng đổ xuống sông xuống bể". Khi ấy bố chồng tôi mới bảo tôi kể lại đầu đuôi mọi chuyện. Sau khi nghe xong ông nói: "Thôi có ngã có khôn, ngã ở đâu thì đứng lên ở đó".
Nhà chồng tôi cũng xác định từ trước, công việc của tôi vất vả và dễ gặp điều tiếng, không sung sướng gì nên ai cũng động viên, không có trách móc gì.
Một lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng, chị có thể bị nhắc nhở. Tuy nhiên hình phạt dành cho chị cũng có thể sẽ nhẹ hơn mức cảnh cáo. Chị đón nhận chuyện này ra sao?
- Hôm 5/12, tôi và bà Kim Hồng đã từ Sài Gòn bay ra gặp lãnh đạo Cục để tường trình. Khi giải trình tôi chỉ biết nói: "Cháu giải trình mong các bác hiểu vì cháu không thể gặp, giải thích cặn kẽ với hàng nghìn người. Cháu chỉ mong được hiểu đúng sự việc và bao dung đối với sai sót của cháu". Tôi chưa biết lãnh đạo Cục sẽ xử lý việc này thế nào. Tôi cũng đang chờ đợi kết luận cuối cùng.
Chị có hối tiếc gì về việc đi thi Mrs. World?
- Nếu không có sự cố này thì Mrs. World là một cuộc thi hữu ích. Tôi được gặp gỡ, học hỏi những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới, ở những độ tuổi khác nhau. Chúng tôi chỉ giống nhau ở điểm đã lập gia đình. Đây là điều hoàn toàn khác biệt so với hai cuộc thi quý cô (Hoa hậu Thể thao và Miss International) mà tôi từng tham gia.
Từ bài học của mình, chị nhắn gửi gì tới những người đẹp sẽ đại diện Việt Nam đi thi quốc tế sau này?
- Tôi luôn nghĩ đây sẽ là bài học lớn không chỉ cho tôi mà cho tất cả mọi người. Trong cuộc sống, mọi người khó tránh khỏi sai lầm. Mỗi sự cố đều không giống nhau. Từ kinh nghiệm của tôi, có thể thấy ngoài việc chuẩn bị kỹ còn phải chu đáo, tránh sơ suất, nhất là về hình ảnh đất nước. Từ bài học ngày hôm nay, tôi hy vọng những người đẹp khác sẽ không bao giờ vướng phải chuyện tương tự.
Theo VnExpress