Nhạc Trịnh chỉ như bánh mì lề phố

Nhạc Trịnh chỉ như bánh mì lề phố
TPO - Hôm nay là dịp kỷ niệm 12 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001). Và không biết có “xách mé” không khi khẳng định: Nhạc Trịnh chỉ bình dân như bánh mì lề phố.

Bánh mì là một trong những món ăn Việt nổi tiếng nhất thế giới. Nổi tiếng tới mức, tên của nó, “banh mi”, đã chính thức trở thành một từ vựng tiếng Anh, được đưa vào Từ điển Oxford. Nhiều người Mỹ say mê món bánh mì, nhật báo uy tín Boston Globe thì gọi nó là “một anh hùng văn hóa”.

Nhưng nếu hỏi chính những người Việt rằng cái món ăn ấy, công thức chung để tạo ra nó là gì, thì hầu hết sẽ không trả lời được, hoặc nếu có trả lời thì cũng mỗi người một câu khác nhau.

Nó được kẹp-lung-tung-đủ-thứ. Một chiếc bánh mì dài (thứ mà người Pháp gọi là baguette), rồi cho vào đó rau đủ loại, thịt đủ loại, đôi khi là cá, trứng, thì gọi là “banh mi”. Bởi vì món ăn ấy được phát triển trên đường phố, nó bình dân cực đại, nên nó không thể có một công thức nấu chung như kiểu phô-mai Edam của Hà Lan hay là pa-tê gan ngỗng của Pháp được.

Với em gái - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh
Với em gái - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh.

“Pho” (phở), một từ tiếng Anh khác, cũng là một món siêu nổi tiếng trên phạm vi toàn cầu. Món này thì ít biến tấu hơn. Nhưng rồi cũng thấy những người Bắc đã vào Nam sống đôi chục năm, ra Hà Nội ăn phở nhăn nhó vì không có rau thơm và giá đỗ. Hay trên TV cũng có lúc xuất hiện một nhà nghiên cứu chê bai kiểu ăn phở kèm hai quả trứng trần.

Món ăn Việt hầu như là vậy. Bởi chúng là của cộng đồng, nên cộng đồng tự chọn nhân dạng cho chúng, theo nhiều cách khác nhau. “Banh mi” thực chất là tên gọi của một phong cách ăn uống chứ không phải là một món nữa.

Và nhạc Trịnh Công Sơn cũng như thế. Nó là của tất cả mọi người, của mọi tầng lớp, của mọi ca sĩ, của mọi lứa tuổi khán thính giả. Nó giống bánh mì, xuất hiện ở mọi quán cà phê trong hẻm hay trên mặt phố lớn, được hát trong quán nhậu hay trong thính phòng. Nên thứ âm nhạc ấy không thể có “công thức nấu”.

Nhạc Trịnh chỉ như bánh mì lề phố ảnh 2

12 năm sau ngày Trịnh ra đi, vẫn đâu đó xuất hiện những cuộc tranh cãi về việc “Ai hát nhạc Trịnh hay nhất?”. Người thì nói rằng đó là Khánh Ly, người lại bảo rằng chính Trịnh Công Sơn hát mới hay, rồi Hồng Nhung, Thái Hòa, Quang Dũng, hay là… Lam Trường?

Hỏi thế chẳng khác nào hỏi: “Tướng nào mạnh nhất Tam Quốc?”, một chủ đề từng được báo… Tuổi Trẻ Cười chọn để mở diễn đàn.

Nhạc Trịnh là một tinh thần, nên không thể có công thức cuối cùng cho nó. Người đứng tuổi đã nghe nhạc Trịnh từ thời Khánh Ly, Cẩm Vân, người trẻ hơn một chút thì biết đến nhạc Trịnh nhờ những băng đĩa của Hồng Nhung, Mỹ Linh. Nhưng cũng chẳng ai cấm được những người trẻ nữa nghe Trịnh lần đầu qua tiếng hát Quang Dũng, hay thậm chí là Lê Hiếu, từ cái thời anh còn bị chỉ trích gắt vì “âm vực hẹp”. Và cũng không ai cấm được họ yêu giọng hát kia từ cái lần đầu ấy, họ mặc định rằng: “Nhạc Trịnh là như thế”.

Khánh Ly hát u buồn. Cẩm Vân hát da diết. Thái Hòa hát khắc khoải. Quang Dũng hát nồng ấm. Lam Trường hát tình cảm. Hồng Nhung hát tươi vui. Lê Hiếu hát… tỉnh queo. Tùy mỗi người, mỗi lúc, mỗi tâm trạng, họ sẽ chọn một thứ nhạc Trịnh có thể đi vào lòng mình. Giống như cùng là ăn bánh mì, nhưng hôm nay tôi ăn bánh mì kẹp cá, hôm sau tôi ăn bánh mì trứng ốp-la, hôm sau nữa, trứng lại phải đánh lên có cho cả hành hoa vào. Miễn là tôi thấy nó ngon, thế là được.

Trong cuốn “Người Quảng đi ăn mì Quảng”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có nói về món ăn nổi tiếng của quê hương ông: mỗi địa phương, mì Quảng lại khác nhau, và ai cũng khăng khăng cãi nhau rằng mì Quảng của mình mới là thứ thiệt.

Món ăn Việt hầu như toàn vậy. Và người ta sẽ còn cãi nhau rất lâu nữa, về mì Quảng, hay về việc ai hát Trịnh Công Sơn hay nhất?

Phải biết thừa nhận rằng nhạc Trịnh vô ngã như món bánh mì lề phố, mới là sự tôn vinh xác đáng nhất dành cho tác gia vĩ đại ấy.

Theo Viết
MỚI - NÓNG