Lãng mạn mà vẫn thực tế
Những bản tình ca đậm tình yêu Hà Nội với hàng trăm ca khúc về mảnh đất này với sự lãng mạn của mùa thu, chất chứa của mùa đông, lãng đãng của những con phố để có thể làm người nghệ sĩ như anh 'chẳng thể nhớ nổi một con đường', đó là những cảm nhận về một nhạc sĩ trong Phú Quang.
Nhưng nếu ai đã từng gặp, từng biết đến những chương trình do anh thực hiện, mới hiểu, Phú Quang cũng rất thực tế và hiểu gánh nặng 'cơm áo gạo tiền'.
Đã sống tại thành phố Hồ Chí Minh 20 năm, làm việc tại Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch và trở về Hà Nội khi tuổi lục tuần, nhưng trái tim người nghệ sĩ trong anh vẫn luôn hướng về mảnh đất đã cất giữ và nuôi dưỡng những kỷ niệm, giữ lại cả dấu vết số phận mất mát - khổ đau, hạnh phúc và che chở. Phú Quang khiến người ta biết yêu Hà Nội hơn, càng đi xa càng nhớ.
Nhạc sĩ Nguyễn Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, nơi gia đình tản cư thời chống Pháp. Anh suýt chết khi còn sơ sinh, được một cha đạo cứu và cho tên thánh là Phêrô. Là con út trong gia đình bảy đời sống ở Hà Nội, Phú Quang ra đời khi mẹ đã tuổi 45.
Phú Quang kể: “Mẹ tôi thuộc làu những Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Lục Vân Tiên và mẹ đọc thơ rất hay. Tôi còn nhớ, hồi mới 13 tuổi, tôi làm một câu đối treo ngay trên bàn học: "Ngõ lầy lội đường trơ xác pháo/ Nhà hương tàn sàn nát đào rơi". Khẩu khí ấy tôi có là vì nhiễm tính cách mẹ tôi, chứ bố tôi thì khác, vì cụ cho rằng người có khẩu khí như thế sau này sẽ rất khổ.”
Nổi tiếng nhất họ
Anh trai kế ông là nhạc sĩ Phú Ân, nhưng Phú Quang mới là người con nổi tiếng nhất của dòng họ. Không chỉ bởi tài năng, mà nhạc sĩ Phú Quang còn sinh ra những tài năng. Ba người con đều được học nhạc, trong đó con gái cả Nguyễn Trinh Hương (1975) đã tốt nghiệp thạc sĩ Nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky (Liên bang Nga).
Năm 2006, Trinh Hương và chồng, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy (trưởng khoa Dây học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) từ Moskva trở về Hà Nội, với tâm nguyện cống hiến cho công việc công tác giảng dạy và biểu diễn tại quê nhà.
Hình ảnh Phú Quang trực tiếp chỉ huy dàn nhạc, chơi piano và hát, cùng con gái và con rể trưởng trong các đêm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã tạo dấu ấn về những đêm nhạc sang trọng mà ông chỉ đạo nghệ thuật, phối khí.
Lớn lên và có một tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội, từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972, thế nên nhạc sĩ chia sẻ rằng "Mối tình đầu và mối tình đẹp nhất của tôi cũng đều ở Hà Nội".
Yêu Hà Nội vì không phải lữ khách
Trong một lần trả lời câu hỏi: Tại sao NS Phú Quang lại yêu Hà Nội đến thế. Có phải NS Phú Quang và Hà Nội “yêu” nhau không? Phú Quang trả lời: "Tôi yêu Hà Nội vì hai điều. Thứ nhất, Hà Nội là quê hương tôi. Tôi là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên như bao người có quê khác, tôi cũng thiên vị với Hà Nội. Thứ nữa, tôi là một "thổ dân" của Hà Nội chứ không phải là một lữ khách thích ồn ào thường vội vàng lướt qua rồi không ngoái đầu nhìn lại, với những nhủ thầm “phố nhỏ, đường nhỏ, có gì hấp dẫn đâu”. Tôi quan sát Hà Nội kỹ, cảm nhận sâu, hiểu Hà Nội tỉ mỉ hơn người khác, và bởi thế mà yêu say đắm. Cái đặc biệt của tôi là không có gì đặc biệt cả!".
Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy được viết xuất phát từ những rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật và cả mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà còn là những giai điệu để tình tự với đất Thăng Long, Hà Nội cổ kính và thanh quý.
Nhạc Phú Quang có một dấu ấn, một phong cách riêng, giàu chất tự sự, da diết, nhưng đôi khi lại vút cao, đầy kịch tính. Phú Quang rất được hâm mộ với các ca khúc trữ tình, nhất là mảng bài hát về Hà Nội: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi... hay những ca khúc: Điều giản dị, Nỗi nhớ luôn làm người nghe cảm động.
Là một người có biệt tài về phổ nhạc cho thơ, rất nhiều bài thơ đã có một đời sống khác khi thành ca từ. Phú Quang không phổ nguyên bài mà chọn những ý hay nhất, linh hồn của bài để làm nên: Em ơi Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Dòng sông không trở lại (thơ Vi Thuỳ Linh).
Nhiều người nói Phú Quang may vì kiếm được những bài thơ quá tình, nhưng cũng chưa biết được, các nhà thơ cũng cảm ơn vị nhạc sĩ này, vì nhờ có thế, những bài thơ đã đến được gần với khán giả hơn.
Hơn 30 năm qua, ngoài sáng tác ca khúc, Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet. Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hòa tấu.
Nhiều trích đoạn hoà tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt phần âm nhạc của ông đã góp phần vào thành công của nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam: Bao giờ cho đến tháng Mười (ĐD: NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (ĐD: Lê Hoàng), Vị đắng tình yêu (tập 1, ĐD: Lê Xuân Hoàng), Hải Nguyệt (ĐD: Trần Mỹ Hà).
Mang“Hà Nội đến với khán giải một cách chân thực, ấn tượng và biểu cảm nhất là ý tưởng để có một đêm nhạc “Phú Quang và Hà Nội phố” sẽ diễn ra vào ngày thứ 7, 26-1 tới đây. Với sân khấu thiết kế tái hiện Hà Nội yên lắng, xưa cũ, những ca khúc da diết của nhạc sĩ Phú Quang sẽ vang lên tại Hội quán Doanh nhân, Phú Quang sẽ hát Em ơi Hà Nội phố, Mẹ ơi và giao lưu với khán giả. Những tác phẩm nổi tiếng của Phú Quang sẽ được thể hiện bởi giọng hát ấm áp, lịch lãm của NSƯT Tấn Minh và phong cách biểu diễn bốc lửa của Hà Linh (Giải nhất Sao Mai điểm hẹn 2007). |
N.Đinh