Hết thời tài sản nhà nước bỏ hoang

Thu hồi đất bỏ hoang sẽ giúp ngân sách có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Như Ý
Thu hồi đất bỏ hoang sẽ giúp ngân sách có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Như Ý
TP - Bộ Tài chính vừa hoàn tất xây dựng đề án khai thác các nguồn lực từ đất đai, công sản với tham vọng giúp ngân sách có nguồn thu bổ sung lên tới 100.000 tỷ đồng đến năm 2018. Nếu thành công, đây sẽ là nguồn tiền quan trọng cho quốc gia trong bối cảnh thu chi ngân sách gặp muôn vàn khó khăn như hiện nay.

> Khu nội trú tiền tỷ bỏ hoang

“Bỏ hoang” 100.000 tỷ đồng

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đất đai, tài nguyên và công sản là những nguồn nội lực quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, trong thực tế, những rào cản cả từ cơ chế chính sách cũng như tổ chức thực hiện đã gây hạn chế việc khai thác nguồn lực khổng lồ đang bị “ngủ quên” này.

Nếu như tổng thu về đất năm 2002 là 5.486 tỷ đồng (chiếm 4,43% thu NSNN), đến năm 2010 tổng thu về đất là 67.767 tỷ đồng (11,21% thu NSNN). Năm 2011 con số này là 60.633 tỷ đồng và năm 2012 ước đạt 53.952 tỷ đồng.

 “Cần rà soát lại toàn bộ chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hạn chế các đối tượng được miễn, giảm. Đồng thời, nghiên cứu đánh thuế nặng hơn đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng”, 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước do Bộ Tài chính quản lý, riêng đối với đất đai do các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng khoảng 1,5 tỷ m2 đất với tổng giá trị gần 594.000 tỷ đồng. Đặc biệt, phần lớn nhà, đất do các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nắm giữ, sử dụng đều nằm tại các vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, tình trạng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích còn diễn ra.

Đặc biệt, dù nắm giữ số đất lớn, nhưng nguồn thu nộp ngân sách từ việc sử dụng đất của các đơn vị này không hề tương xứng. Ngoài một số ít đơn vị nộp tiền thuê đất do có sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh thì tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất. Nói cách khác, số tài sản công này đang bị lãng phí không kể xiết.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố hồi tháng 5 vừa qua cũng cho thấy, công tác quản lý đất đai, tài sản công ở nhiều địa phương đang bị bỏ ngỏ.

Như tại TPHCM, UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cấp 2.800 m2 đất rạch thuộc khu đất được giao xây dựng dự án khu siêu thị, nhà nghỉ, bãi đậu xe tại khu số 9, đô thị mới nam thành phố cho cán bộ công chức của xã để làm đất ở không đúng thẩm quyền và mục đích sử dụng. Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các tỉnh khác như Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau, Phú Yên, Hậu Giang… Những trường hợp này gây thất thu cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Hết thời đất bỏ hoang

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, nếu được Chính phủ chấp thuận, chỉ riêng việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước, bao gồm các Tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước, sẽ giúp cho ngân sách có nguồn bổ sung hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu chưa đầy đủ của Bộ Tài chính đến cuối năm 2012, số thu từ sắp xếp nhà, đất do các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập là 28.812 tỷ đồng. Riêng đối với các Tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước, số tiền thu được từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trên 15.000 tỷ đồng.

Dự báo trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, tổng thu ngân sách nhà nước về đất đai đạt khoảng 700.000 tỷ đồng, bình quân thu hàng năm đạt khoảng 70.000 tỷ đồng.

Trong đó, riêng việc bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo chế độ quy định đối với cơ sở nhà đất dôi dư, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, xử lý quỹ nhà đất gắn với tái cấu trúc các Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty Nhà nước từ nay đến năm 2018, dự báo mang về cho ngân sách nguồn thu lên tới cả 100.000 tỷ đồng.

Còn nếu quyết tâm đẩy mạnh chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, bán, chuyển nhượng cơ sở cũ do các cơ quan, DNNN đang nắm giữ sẽ mang về cho ngân sách số tiền khoảng 18.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những giải pháp bán “tài sản hoang” chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, việc mở cửa thu hút các nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường biển, hàng không đến năm 2020 cũng giúp ngân sách tiết kiệm khoảng 15% trên tổng số 2,78 triệu tỷ đồng mà ngân sách sẽ phải bỏ ra để đầu tư. Tính chung, mỗi năm ngân sách sẽ nhẹ gánh khoảng 42.000 tỷ đồng.

Theo một quan chức Bộ Tài chính, để hút được nguồn lực khổng lồ này cho ngân sách cần hạn chế tối đa tình trạng giao đất, cho thuê đất theo phương thức chỉ định. Việc cho thuê đất cũng phải được áp dụng chung một hình thức là trả tiền hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê đối với đất sản xuất kinh doanh, không phân biệt tổ chức trong nước, ngoài nước và các thành phần kinh tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG