Gói 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở: Sẽ “không để trục lợi”
Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã cùng ký hai thông tư hướng dẫn cho vay gói hỗ trợ nhà ở xã hội trị giá 30 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, 70% lượng vốn vay dành cho cá thể và 30% còn lại cho doanh nghiệp. Thời hạn vay vốn đối với cá nhân tối thiểu là 10 năm và doanh nghiệp là 5 năm; thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa với cá nhân và doanh nghiệp lần lượt là 10 năm và 5 năm.
Thời hạn vay vốn đối với cá nhân tối thiểu là 10 năm và doanh nghiệp là 5 năm; thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa với cá nhân và doanh nghiệp lần lượt là 10 năm và 5 năm.. |
Mức lãi suất cho vay năm 2013 là 6%/năm. Định kỳ tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xác định lại mức lãi vay, tương đương 50% lãi suất cho vay trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm để công bố cho các năm tiếp theo.
Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề thời hạn vay 10 năm còn ngắn so với một số nước, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đây là nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất và thời hạn vay trong 10 năm, còn sau 10 năm, người dân vẫn tiếp tục được vay nguồn vốn này, nhưng không được hỗ trợ lãi suất như 10 năm trước.
Vì thế, khoản vay không có nghĩa chỉ kéo dài 10 năm, mà có thể lên tới 15 năm hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng tài chính của khách hàng và “khẩu vị” kinh doanh mỗi ngân hàng, ông Mạnh nói.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng thì căn cứ để xác định quy mô gói hỗ trợ là 30 nghìn tỷ đồng ở thời điểm hiện nay là do Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, tùy thuộc vào quá trình triển khai chương trình, nếu tính hiệu quả nâng lên, trong khi các mục tiêu ổn định vĩ mô không bị tác động xấu, quy mô gói vốn có thể được mở rộng.
Về vấn đề tài sản bảo đảm, theo quy chế tín dụng hiện hành, các ngân hàng thương mại có thể cho vay tín chấp và/hoặc nhận tài sản bảo đảm được hình thành từ vốn vay, dựa trên uy tín tài chính, đạo đức của khách hàng.
Liên quan đến khả năng một người mua nhiều nhà để đầu cơ hoặc vay vốn vào mục đích khác để hưởng trục lợi lãi suất thấp từ chính sách, ông Mạnh nói, "Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu rất kỹ để quy định một cách chặt chẽ, không để trục lợi. Một gia đình, bất kể có bao nhiêu thành viên cũng chỉ được mua một căn hộ, có xác nhận một lần của địa phương".
Kèm theo, hai bộ sẽ tiến hành thanh tra thường xuyên để tránh đầu cơ.
Trong khi đó, đối với vấn đề xác định đối tượng được vay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, quy định tại thông tư tương đối mở rộng nhưng vẫn chặt chẽ.
Ví dụ, những người thu nhập thấp có nhu cầu vay thì chỉ cần có hợp đồng nhưng phải đảm bảo một số tiêu chí và xét duyệt công khai. Tất cả những hồ sơ này nếu đạt chuẩn, sẽ được ngân hàng giải ngân ngay. Ngoài ra, đối tượng mua cũng được mở rộng đối với những cá nhân có nhu cầu vay mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Cùng đó, 30% vốn được dành cho doanh nghiệp xây dựng nhà được vay và nhờ đó, tạo thêm nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Trong khi đó, 70% gói vốn hướng vào yếu tố cầu, tăng thanh khoản hàng hóa. Cộng hưởng hai yếu tố trên, sẽ làm ấm các giao dịch ở phân khúc nhà ở xã hội và lan tỏa ra các phân khúc khác cũng như kích thích thị trường lao động, vận tải, vật liệu xây dựng.
“Nếu dòng tiền này được Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại triển khai tốt, đúng đối tượng thì sẽ tạo nên cú hích đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, nhất là khi mà theo đăng ký của bộ ngành trung ương nhu cầu nhà ở xã hội hiện lên tới 100 nghìn căn hộ”, ông Nam lạc quan.
Theo vneconomy