Từ giữa năm 2012, các chuyên gia đã dành nhiều dự đoán cho thị trường BĐS 2013. Theo đó, có rất nhiều kịch bản được đặt ra và đi theo 3 hướng: Một là, nếu chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục thắt chặt, thị trường BĐS vẫn trầm lắng.
Thứ hai, dù chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn thắt chặt nhưng các công cụ tài chính khác được ban hành, năm 2013 thị trường vẫn sẽ có những dấu hiệu phục hồi. Ba là, nếu chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng và các công cụ tài chính được ban hành, thị trường sẽ có một trào lưu, một làn sóng mới.
Đến hết quý 3-2012, thị trường BĐS vẫn không có một dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp phải chấp nhận tự thân vận động và một tương lai ảm đạm trong năm 2013 gần như đã có thể thấy trước. Tuy nhiên, sau yêu cầu của Quốc hội phải giải cứu thị trường BĐS trong năm 2013, đột ngột có một “làn sóng” các giải pháp từ các bộ, ban, ngành cho đến các hiệp hội, doanh nghiệp đưa ra để tìm cách phá “nút thắt” này.
Từ hạ giá bán, chia nhỏ căn hộ, giảm thuế cho đến Nhà nước can thiệp bằng dùng vốn ngân sách mua lại nhà thương mại làm nhà xã hội, nhà tái định cư… để giảm bớt hàng tồn. Sự đột ngột này ít nhiều khiến nhiều người “ngợp”. Và câu hỏi đặt ra là, sự giải cứu dù muộn màng nhưng đầy quyết liệt này có thể giúp BĐS trở lại thời kỳ hoàng kim như trước đây?
Trên thực tế, hy vọng này không phải là không có cơ sở khi thị trường BĐS cực kỳ nhạy với các chính sách. Cách đây vài năm, chỉ cần có một sự điều chỉnh chính sách của Nhà nước theo hướng có lợi, thị trường sẽ nhanh chóng bị tác động bằng những cơn sốt nóng.
Đến 2 phương án
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2012 đến nay, dù đã có nhiều đòn bẩy từ cơ quan nhà nước lẫn các ngân hàng, thậm chí chỉ tính riêng trong 2 tháng trở lại đây đã có tới 3 lần Bộ trưởng Bộ Xây dựng xuất hiện trước các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, nhưng thị trường gần như vẫn bất động, ế ẩm, người mua không còn mấy hào hứng.
Điều này báo hiệu về độ trễ của chính sách tác động đến thị trường này chắc chắn dài lâu, trong năm 2013 chưa thể giải quyết hết được, chưa kể sự mất niềm tin của người mua vào thị trường đã ở mức độ trầm trọng. “Khủng hoảng niềm tin gây nên tâm lý chờ đợi của người mua nhà là khó khăn lớn nhất. Trong khi người mua vẫn chờ đợi giá căn hộ tiếp tục giảm thì các doanh nghiệp cho rằng giá đã đến đáy, không thể giảm hơn” - chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định.
Không chỉ các chuyên gia trong nước kém kỳ vọng mà ngay cả những chuyên gia nước ngoài cũng có cái nhìn không lạc quan. Tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) mới diễn ra, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam, đánh giá lĩnh vực BĐS là khá mới mẻ và doanh nghiệp chỉ hạn chế ở việc xây chung cư, biệt thự cao cấp mà tầng lớp trung lưu không đủ tiền mua.
"Mặc dù giá BĐS đã giảm 30-35% so với mức đỉnh điểm tại một số khu đô thị, thị trường BĐS vẫn dư thừa nguồn cung và phải mất nhiều năm mới cân bằng lại được" - ông Sanjay Kalra đánh giá.
Như vậy, có thể thấy, kịch bản cho thị trường BĐS 2013 đã được rút gọn lại chỉ còn 2 phương án. Nếu các đề xuất của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính không được duyệt, thị trường sẽ ảm đạm như hiện tại. Tuy nhiên khả năng này khó xảy ra.
Còn ngược lại, các chuyên gia đồng ý rằng, nếu được hỗ trợ toàn diện như đề xuất của Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính, chắc chắn thị trường BĐS sẽ có những hồi phục. Nhưng mức độ hồi phục có được như kỳ vọng của các nhà đầu tư hiện hay không rất khó đoán, vì còn tùy thuộc vào việc Chính phủ muốn vực dậy thị trường đến đâu.
“Năm 2013 thị trường BĐS sẽ rất khó đoán định, nhưng dự báo là vẫn còn khó khăn vì các tín hiệu không thuận lợi vẫn tồn tại. Lạc quan hơn một chút, thị trường có thể đi lên ở một số phân khúc, nhưng trên bình diện tổng thể không có chuyển biến lớn” - TS. Trần Kim Chung, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết.
Theo Đầu tư Tài chính SG