BĐS thời nhanh - chậm quá đều... chết!

BĐS thời nhanh - chậm quá đều... chết!
Trong bối cảnh thị trường BĐS lao dốc, thanh khoản cạn kiệt, chủ đầu tư bất động sản triển khai dự án quá chậm, quá nhanh đều bị khách hàng phản đối. Tiến độ đang là “quân bài” được nhà đầu tư sử dụng để khiếu nại đòi quyền lợi, thậm chí để... ăn vạ, yêu sách, khiến nhiều chủ dự án lao đao.

Khoảng một năm lại đây, những vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến dự án chậm tiến độ đột nhiên bùng phát. Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng lý do sâu xa của các tranh chấp, được chính các nhà đầu tư khẳng định, ấy là vì thị trường quá khó khăn. Và vì thế, chậm tiến độ chỉ là cái cớ để nhà đầu tư đòi hỏi các yêu sách khác đối với chủ dự án.

Cách đây không lâu, một nhóm nhà đầu tư của dự án Hyundai Hilstate (Hà Đông) đã có đơn phản ánh tới nhiều cơ quan báo chí việc chủ đầu tư chậm bàn giao nhà.

Chuyện khách hàng tố chủ dự án chậm tiến độ hay chậm bàn giao nhà thời gian qua là rất đỗi bình thường, không còn là sự kiện giật gân, câu khách nữa. Song, Hyundai Hilstate vẫn thu hút được sự quan tâm của dư luận, bởi đây là dự án của một liên doanh uy tín của Hàn Quốc.

Theo phản ánh của đại diện nhóm khách hàng thì chủ dự án không những chậm bàn giao nhà, mà khi bàn giao, ngôi nhà cũng không đẹp... như kỳ vọng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, một đại diện khách hàng khiếu nại chủ dự án Hyundai Hilstate khi ấy thừa nhận: việc khiếu nại chủ đầu tư chậm bàn giao nhà chỉ là cái cớ. Mục đích lớn nhất của việc khiếu nại là khách hàng muốn làm giảm uy tín của chủ đầu tư, qua đó đòi lại khoản tiền phạt lãi suất lên đến vài trăm triệu đồng mà khách hàng phải đóng.

Trong số rất nhiều vụ việc khách hàng khiếu nại chủ dự án chậm tiến độ, việc chủ Dự án Hà Nội Times Tower của chủ đầu tư CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVCR) bị hàng chục khách hàng tố chậm tiến độ mới đây cũng gây ồn ào dư luận. Bởi, vụ việc diễn ra từ đầu năm 2012, nhưng căng thẳng đến nay vẫn tiếp tục leo thang. Các nhà đầu tư đã nhiều lần kéo đến trụ sở doanh nghiệp bao vây để bày tỏ nguyện vọng rút vốn khỏi dự án, nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2010, phần lớn nhà đầu tư mua căn hộ tại Dự án Hà Nội Times Tower đều phải trả trên 23 triệu đồng/m2 căn hộ. Trong khi thị trường lao dốc, các dự án lân cận đều giảm mạnh, nhà đầu tư dự án Hà Nội Times Tower muốn bán cắt lỗ cũng không xong đã chuyển sang khiếu nại chủ dự án chậm tiến độ với một mong muốn duy nhất là đòi rút vốn.

Việc bị khách hàng đòi rút vốn đúng lúc PVCR đang rất khó khăn về tài chính khiến chủ dự án lao đao, dự Hà Nội Times Tower vốn đã chậm, lại càng chậm hơn!

Làm quá nhanh cũng bị... khiếu kiện!

Không chỉ bị khiếu kiện vì thực hiện dự án quá chậm hoặc chậm bàn giao nhà so với cam kết, nhiều chủ dự án BĐS còn lao đao, bị khách hàng khiếu nại chỉ vì triển khai dự án... quá nhanh!

Cụ thể mới đây, Công ty liên doanh An Khánh JVC, chủ dự án Splendora đã bị khách hàng khiếu nại việc thu thêm hàng trăm triệu đồng trên mỗi suất liền kề, biệt thự. Ngoài ra, khách hàng còn tố chủ dự án sử dụng các loại vật liệu xây dựng rẻ tiền để hoàn thiện ngôi nhà nhiều tỷ.

Thế nhưng, khi nói đến gốc rễ của việc khiếu nại, nhiều nhà đầu tư phải thẳng thắn thừa nhận: Những bất cập trên khách hàng đã biết từ lâu nhưng vẫn im lặng chấp nhận. Việc tham gia khiếu nại tại thời điểm này chỉ vì thị trường BĐS suy giảm khiến nhiều nhà đầu tư không kịp đẩy hàng. Trong khi đó, chủ dự án lại triển khai dự án quá nhanh khiến nhà đầu tư không tìm đâu ra nguồn lực tài chính để hoàn tất hợp đồng.

Vì thế, nhà đầu tư đã phải dùng đến hạ sách là khiếu nại để làm mất uy tín chủ dự án để yêu sách, đòi chủ đầu tư phải tính lại giá bán, đồng thời yêu cầu giãn tiến độ bàn giao nhà và tiến độ đóng tiền.

Việc nhà đầu tư tố cáo nhiều sai phạm của chủ dự án đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của liên doanh chủ đầu tư Splendora. Thế nhưng, dù mất mặt, chủ dự án vẫn không chịu nhượng bộ, nhất mực thực hiện mọi cam kết theo hợp đồng đã ký với khách hàng trước đó, khiến tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư ngày một căng thẳng.

Trên thực tế, liên doanh An Khánh JVC không phải là chủ dự án duy nhất bị khách hàng khiếu nại và chịu nhiều thiệt hại vì triển khai dự án quá nhanh. Bởi trên thực tế, còn không ít chủ dự án rơi vào nghịch lý "dở khóc dở cười" này.

Mới đây, tập đoàn FLC đã rất tự hào vì trong lúc thị trường khó khăn, hầu hết các dự án chậm tiến độ hoặc đắp chiếu, doanh nghiệp này vẫn bàn giao căn hộ tại chung cư FLC Landmark (Mỹ Đình, Hà Nội) sớm hơn 4 tháng so với cam kết.

Thế nhưng, việc bàn giao căn hộ trong bối cảnh thị trường đóng băng lại gây khó cho nhà đầu tư. Vì thế, nhiều nhà đầu tư đã không nhận bàn giao nhà khi đến hẹn, trong khi hàng loạt vụ khiếu nại của khách hàng từ đó cũng phát sinh, khiến chủ đầu tư được một phen khốn đốn.

Trong khi thị trường BĐS lao dốc, hầu hết dự án chậm tiến độ, việc các chủ dự án triển khai đúng thời gian cam kết nhưng lại bị khách hàng quay lưng, khiếu kiện là một nghịch lý. Thế nhưng, đây dường như là hệ quả tất yếu của một thời kỳ thị trường tăng trưởng ảo, với sự tham gia chủ yếu là nhà đầu cơ. Đối với các chủ đầu tư, việc chạy theo "cầu" ảo cũng khiến nhiều chủ đầu tư phải trả giá.

Những thực tế trên thị trường cho thấy, các chủ đầu tư chạy theo "cầu" ảo của thị trường, đến khi thị trường lao dốc đều đang phải trả giá rất đắt.

Theo Vef.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG