Đi sâu vào các thôn của xã Tản Lĩnh, Vân Hoà, Yên Bài... thuộc huyện Ba Vì, gặp gỡ với nhiều cò đất người địa phương, chúng tôi không khỏi giật mình vì tại đây từ khi nào đã hình thành cả một thị trường mua bán đất nông, lâm trường khá nhộn nhịp.
Khá nhiều biệt thự mọc lên trên đất đồi rừng Ba Vì. Ảnh: Tuấn Minh. |
Thậm chí chỉ cần đi chiếc xe hơi hào nhoáng một chút là khách có thể được các cò đất chăm sóc nhiệt tình. Anh Hiểu vừa là chủ một nhà hàng tại xã Vân Hoà vừa làm “cò tay trái” cho biết, giá đất nông, lâm trường tại đây chịu ảnh hưởng chung của thị trường bất động sản nên giảm nhiều trong 1-2 năm qua.
So với thời kỳ cao điểm, tức là giữa năm 2010, nay giá chỉ còn từ 50-70%. Với đất nhận khoán của nông, lâm trường thuận tiện đường giao thông không có sổ đỏ giá bán chỉ còn chừng 1,5 triệu đồng/m2.
Theo một cò đất khác tên Thanh tại Vân Hoà, mặc dù đất chỉ có hợp đồng nhận khoán nhưng khi sốt giá, nhiều người mua không quan tâm giấy tờ, chỉ cần bản viết tay là xong.
“Khi nông, lâm trường chưa giải thể, một số trường hợp xin được cả dấu giáp lai, xác nhận của nông trường” - anh Thanh quả quyết.
Và để xin được những con dấu xác nhận này, đương nhiên phải có phí bôi trơn cho các sếp. Ngồi chuyện trò một lát với chúng tôi, để chứng minh khả năng của mình, anh cò đất lôi ra một tập giấy tờ, hợp đồng đã chuyển nhượng của Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì.
Về hình thức đây là các bản “Hợp đồng thử nghiệm nuôi bò sữa và trồng cây ăn quả” thực hiện theo Nghị định 01 của Chính phủ ngày 4-1-1995 nhưng bản chất là để che đậy việc chuyển nhượng trái phép.
Sau khi “tiếp tục nhận khoán” nhiều khu đất qua các bản hợp đồng nêu trên, những lô đất đó thực chất đã bị bán lại cho các đại gia làm nhà vườn, biệt thự nghỉ dưỡng.
“Nhiều người mua rồi, anh cứ yên tâm. Chi phí thủ tục nhẹ nhàng thôi, chỉ mười lăm triệu đồng là xong, khi nào xây nhà thêm vài ba chục triệu nữa bồi dưỡng” - một cò đất khẳng định.
"Xẻ thịt” đất nông lâm trường
UBND huyện Ba Vì cho biết, trên địa bàn huyện hiện có tới 10.809 ha đất nông, lâm trường trước đây giao cho 12 đơn vị. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý thời gian dài nên tình trạng chuyển nhượng, cho thuê trái phép, biến đất đồi rừng thành biệt thự, nhà nghỉ diễn ra phổ biến.
Trong số 655,5 ha của Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì, nhiều diện tích đã bị chuyển nhượng rồi xây nhà cao tầng trái phép trên đó, thậm chí chủ các hợp đồng chuyển nhượng liên kết với tổ chức kinh tế khác xây nhà nghỉ, làm du lịch.
Trung tâm này đã cho 720 hộ dân “mượn” hơn 20 ha đất. Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn-ca-đa cũng tự giao đất làm nhà ở và vườn cho 209 hộ dân với diện tích hơn 20,4 ha.
Trạm thực nghiệm giống cây trồng Ba Vì tự ý cắt ra 4,47 ha đất để làm nhà ở. Vườn Quốc gia Ba Vì thì tự ý giao gần 1 ha đất cho cán bộ nhân viên làm nhà ở, làm vườn.
Trạm thuỷ sản Suối Hai mặc dù mang đất cho các doanh nghiệp thuê lại nhưng lại chưa làm thủ tục thuê đất với nhà nước...
Cũng theo UBND huyện Ba Vì, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường đã ở mức báo động.
Công ty CP Giống gia cầm Ba Vì mặc dù trước đây đã giao khoán 45,4 ha đất theo Nghị định 01 cho các hộ dân nhưng thả nổi quản lý, không theo dõi, giám sát việc sử dụng đất.
Ngoài ra, công ty này còn giao khoán đất với chi nhánh Công ty Công nghệ Việt Mỹ và cho Trung tâm nghiên cứu cà phê Ba Vì thuê đất thời hạn 30 năm; tự ý giao trái quy định hơn 20 ha đất cho các hộ làm vườn và nhà ở.
Tại Nông trường Việt Mông trước đây, việc quản lý sử dụng đất xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Nhiều diện tích lớn đất của nông trường đã bị phân thành lô thửa, chuyển nhượng trái phép, xây nhà cao tầng, biệt thự, nhà nghỉ.
Trung tâm dịch vụ và chuyển giao kỹ thuật lâm nông nghiệp Ba Vì có nhiều hộ dân sử dụng đất của trung tâm nhưng không có hồ sơ giao khoán, không có danh sách người sử dụng đất; tự ý chuyển đổi gần 10 ha từ đất nông nghiệp thành đất thổ cư! Xí nghiệp Nông lâm nghiệp Sông Đà đã tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang thổ cư cho 326 hộ dân với diện tích 12,4 ha...