Thứ trưởng Bộ Xây dựng vẫn phải ở nhà tạm

Bất động sản nhiều nơi đang bị "đóng băng"
Bất động sản nhiều nơi đang bị "đóng băng"
"Nhiều lãnh đạo của các cơ quan cấp Bộ vẫn còn đang phải ở trong nhà khách, với các phòng chật chội không có nhà bếp, hầu như phải ăn “cơm bụi”, ngay Bộ Xây dựng hiện cũng có một thứ trưởng đang trong tình trạng này".

> Nhà nước mua BĐS ế để cứu ngân hàng?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, nhà nước nên đứng ra mua lại một số dự án bất động sản (BĐS) thích hợp để phục vụ an sinh xã hội và công vụ.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng BĐS không phải là nguyên nhân mà ngược lại, BĐS phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ những bất ổn của hệ thống ngân hàng.

Dẫn chứng về điều này, ông Nam cho biết tổng dư nợ BĐS trong ngân hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 8%, đây không phải con số lớn và là một ngưỡng an toàn.

Về con số tuyệt đối, những năm qua dư nợ BĐS liên tục giảm từ khoảng 270.000 tỷ năm 2010 đến nay là khoảng 203.000 tỷ đồng. Nợ xấu của BĐS hiện nay cũng chỉ xấp xỉ mức nợ xấu trung bình (xấp xỉ 3%) của toàn hệ thống.

“Như vậy 90% dư nợ là nằm ở khối khác chứ không phải BĐS. Có một số ngân hàng cá biệt có dư nợ lên đến hơn 30% là do lỗi của các ngân hàng này. Bộ Xây dựng đã có cảnh báo từ rất lâu rồi”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng khẳng định rằng, tài sản đảm bảo bằng BĐS là rất chắc chắn dù định giá hiện nay có bị giảm và mất đi phần nào. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, BĐS là một đồ thị hình sin luôn có xu hướng đi lên, đi xuống nhưng chỉ là giảm trong khoảng đã tăng trước đó.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đồng tình với biện pháp để xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng được đưa ra theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ: “Đối với một số loại công trình, bất động sản thế chấp vay ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các BĐS đó để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước”.

Theo ông, nhà nước không chỉ tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh mà cũng phải tham gia như một chủ thể, một nhà đầu tư.

Nhà nước bỏ tiền ngân sách để tạo lập nhà, có thể xây hoặc mua lại các dự án BĐS có nợ xấu để phục vụ cho hai mục đích rõ ràng là an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước sẽ bao gồm đáp ứng nhu cầu về trụ sở hoặc nhà công vụ. Ông Nam chia sẻ, nhà công vụ hiện nay rất thiếu.

Nhiều lãnh đạo của các cơ quan cấp Bộ vẫn còn đang phải ở trong nhà khách, với các phòng chật chội không có nhà bếp, hầu như phải ăn “cơm bụi” bên ngoài như Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng hoặc ngay Bộ Xây dựng hiện cũng có một thứ trưởng đang trong tình trạng này.

Về các mục tiêu an sinh xã hội, nhà nước sẽ tập trung cho những đối tượng có thu nhập thấp, những đối tượng gia đình chính sách. Đối với nhóm này thì Nhà nước nên đứng ra mua các dự án có giá trung bình trở xuống.

Tất nhiên phải chấp nhận quy mô và mức độ hoàn thiện vừa phải, vị trí không được đắc địa lắm vì đây là phục vụ cho những người có thu nhập thấp.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết hiện chưa nhận được ý kiến từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng dù trong hoàn cảnh bình thường thì việc nhà nước mua lại BĐS vẫn phải được tiến hành.

Còn trong giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp BĐS, của ngân hàng hiện nay thì việc nhà nước tham gia vào thị trường này sẽ giúp đạt được nhiều mục tiêu.

Ngân hàng giải phóng được nợ xấu, doanh nghiệp BĐS thu hồi, quay vòng được vốn, các mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước được tăng cường, đẩy mạnh.

Theo vietnamnet.vn/Bee.net.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.