Lao đao, suy kiệt là tất yếu
GS Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, lần suy thoái này của bất động sản nặng nề hơn rất nhiều so với 2 lần trầm lắng gần đây (giai đoạn: 1994-1996 và 2004-2005). “Đầu tư nóng thì dễ dẫn đến không hiệu quả.
Nhiều người cứ nghĩ là phải làm bất động sản mới ra tiền nhưng thực tế không phải vậy”- GS Đặng Hùng Võ nói.
Theo GS Đặng Hùng Võ, khó khăn hiện nay buộc nhà đầu tư phải xuống giá và ngay cả khi xuống giá thị trường cũng không dễ chấp nhận.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 12-2011, Bộ Xây dựng cho hay, những cơn sốt giá nhà ở một vài năm vừa qua, lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản cao đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường dẫn đến doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư bất động sản, kể cả những doanh nghiệp không có kinh nghiệm và năng lực tài chính.
Thậm chí nhiều tỉnh, thành phố đã cấp phép hàng loạt dự án nhà ở quy mô lớn ngay tại những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tối thiểu, đã tạo nên những khu nhà hoang, đô thị hoang hết sức lãng phí. Nhiều dự án huy động vốn tràn lan tạo nguồn cung ảo khiến thị trường phát triển thiếu lành mạnh...
Năm 2012, nhà giá thấp sẽ nhộn nhịp
GS Đặng Hùng Võ nhận định, năm 2012, nền kinh tế chưa thể nóng ngay lập tức và cũng chưa nhìn thấy khả năng người dân có nhiều tiền để đổ vào bất động sản. Tuy nhiên, trong năm 2012, thị trường sẽ nhộn nhịp trong khu vực nhà giá thấp phục vụ cho nhu cầu thực.
Nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng sang chung cư mini, nhà thu nhập thấp. Chính sách thuế, tín dụng cũng dành sự ưu tiên nhà giá thấp, nhà xã hội. Đây cũng là biểu hiện của yêu cầu tự tái cấu trúc thị trường đang diễn ra mạnh mẽ.
“Hoạt động nổi bật năm 2012 là thị trường tự tái cấu trúc. Nếu sớm thì từ giữa năm trở đi, khu vực nhà ở giá rẻ sẽ tăng giao dịch và nhộn nhịp vào cuối năm”- GS Đặng Hùng Võ khẳng định. Hàng hoá, nhà đầu tư, các hợp phần của thị trường đang được tái cấu trúc.
Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ đã phải chuyển nhượng dự án, hoặc sáp nhập vào các doanh nghiệp lớn. Công tác quản trị, các biện pháp giảm giá, đầu tư đều phải xem xét lại.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, chính sách với thị trường bất động sản hết sức tránh tình trạng nóng lạnh thất thường, nhất là tín dụng cần sớm ban hành tiêu chí cụ thể.
Cần phân loại bất động sản để có chính sách phù hợp, tăng cho vay xây nhà xưởng phục vụ sản xuất, vay mua nhà để ở, các dự án đã gần hoàn thành và giảm cho vay đối với bất động sản cao cấp, không thiết yếu. Giá bất động sản giảm về gần giá trị thực là tín hiệu tốt để các đối tượng tham gia thị trường tiến hành tái cơ cấu đầu tư, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Nếu tiếp tục chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục giảm số tuyệt đối như hiện nay, thị trường sẽ tiếp tục đóng băng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có khả năng hoàn thiện sản phẩm hoặc phải bán dưới giá thành và không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, nếu có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất ngân hàng ổn định, dòng tiền được hướng vào phân khúc thị trường có tính thanh khoản cao sẽ tạo được niềm tin vào thị trường của người có nhu cầu mua thì thị trường sẽ sớm phục hồi.