Tên lửa đẩy Trường Chinh 2F đưa tàu Thần Châu 9 vào không gian từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc vào lúc 18h37 hôm qua.
Ba nhà du hành vũ trụ tham gia vào chuyến bay là Jing Haipeng, Liu Wang và Liu Yang, trong đó Liu Yang là phụ nữ Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ.
10 phút sau khi rời bệ phóng, các tấm pin mặt trời của tàu mở ra và nó bay tới quỹ đạo, Xinhua đưa tin.
Theo kế hoạch, ba phi hành gia sẽ làm việc trên quỹ đạo khoảng trong hơn một tuần sau khi Thần Châu 9 kết nối thành công với Thiên Cung 1 - module được phóng lên quỹ đạo vào năm ngoái.
Hai phi hành gia sẽ làm việc bên trong module Thiên Cung 1 để thử nghiệm các hệ thống hỗ trợ, còn một người ở lại tàu để xử lý các sự cố bất ngờ. Họ cũng sẽ thử nghiệm các hoạt động tiếp tế hàng hóa và người từ địa cầu lên module trên quỹ đạo.
Ba phi hành gia trong tàu Thần Châu 9 trên màn hình tại trung tâm điều khiển chuyến bay sau khi tàu được phóng hôm 16/6. Ảnh: Xinhua. |
Ghép nối hai vật thể trên quỹ đạo là một kỹ thuật rất khó bởi chúng bay với vận tốc độ lên tới vài nghìn km mỗi giờ. Hai thiết bị phải di chuyển tới gần nhau một cách nhẹ nhàng và chính xác, nếu không chúng sẽ phá hủy lẫn nhau.
Tàu Thần Châu 8 và module Thiên Cung 1 từng ghép nối tự động thành công vào tháng 11 năm ngoái. Lần này tàu Thần Châu 9 và Thiên Cung 1 sẽ ghép nối dưới sự điều khiển của con người.
Bắc Kinh hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ ba, sau Mỹ và Nga, đưa trạm không gian lên quỹ đạo trái đất. Hiện tại Trung Quốc, Nga và Mỹ là ba nước duy nhất từng phóng tàu có người vào vũ trụ. Chuyến bay có người tiếp theo lên Thiên Cung 1 sẽ diễn ra trong năm nay.
Theo Minh Long - Hương Thu
VnExpress