Nổ lớn trên mặt trời
> Sao chổi va phải mặt trời
> Mặt trời sắp... biến mất?
Vụ nổ lớn nhất trong hơn 4 năm vừa xảy ra trên mặt trời, song giới khoa học khẳng định nó sẽ không tác động tới địa cầu.
Hình minh họa một vụ bùng nổ lớn trong bầu khí quyển mặt trời. Ảnh: blogspot.com. |
Space đưa tin, vụ nổ xảy ra hôm 9-8 và được xếp ở mức X6,9. Trên thang chia độ mạnh của vụ nổ trên mặt trời, X là mức cao nhất.
Joe Kunches, một nhà khoa học của Cơ quan Hải dương và Khí quyển quốc gia Mỹ, cho biết vụ nổ xảy ra ở phần không hướng về phía trái đất nên có lẽ con người sẽ không cảm nhận được tác động của nó.
Hoạt động của mặt trời tăng và giảm theo một chu kỳ kéo dài hơn 11 năm. Chu kỳ hiện nay của mặt trời bắt đầu từ năm 2008 và sẽ hoạt động của nó sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2013. Vụ nổ vừa rồi là vụ nổ lớn nhất tính từ đầu chu kỳ đến nay.
Các vụ bùng nổ trong bầu khí quyển mặt trời xảy ra khi những đường từ trường đan xen lẫn nhau và tạo thành các “nút”. Sự hiện diện của những “nút” ấy khiến năng lượng tích tụ. Khi năng lượng đạt tới một mức nhất định, nó được chuyển hóa thành nhiệt, ánh sáng và chuyển động của các hạt mang điện tích.
Trong những vụ nổ, mặt trời thường giải phóng một đám mây plasma (gồm những hạt electron và proton có năng lượng cao). Người ta gọi nó là gió mặt trời.
Mặc dù những vụ nổ ở cấp X là sự kiện lớn, chúng chỉ có thể tác động tới con người nếu những luồng hạt mang điện bay về phía trái đất. Gió mặt trời có thể phá hoại vệ tinh nhân tạo, gây nguy hiểm cho các nhà du hành trong vũ trụ, làm tê liệt hệ thống điện và thông tin liên lạc.
Sau vụ nổ hôm 9-8, hiện tượng mất tín hiệu radio trong thời gian ngắn đã xảy ra ở một số nơi tại châu Á, trang spaceweather.com cho biết.
Theo Minh Long
VnExpress