Tiếp sức cho những tấm gương hiếu học

Tiếp sức cho những tấm gương hiếu học
TPO - Nâng đỡ những học sinh có hoàn cảnh ngặt nghèo cần được hỗ trợ khẩn cấp, tri ân những nhà giáo không ngừng cống hiến cho sự nghiệp trồng người, Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên tiếp tục trao nhiều suất học bổng Đọt Chuối Non cho tinh thần hiếu học không ngừng lan tỏa.

> Tiền Phong đến với vùng tâm bão ở Nghệ An, Quảng Nam
> Không có hoa cho vùng bão lũ

Nhịn ăn chứ không nhịn chữ

Sau khi nhận danh sách đề cử từ các trường phổ thông trung học ngoại thành Buôn Ma Thuột theo tiêu chí học sinh khá giỏi mà gia cảnh khó khăn, nhóm phóng viên báo Tiền Phong chúng tôi đã về tận nơi nhận diện nguy cơ khiến các em có thể gián đoạn việc học hành.

Từ nhỏ đã chăn trâu lội đồng nhưng nữ sinh Nguyễn Thị Mỹ Qui (lớp 11A5, trường THPT Trần Phú, ở thôn 5, xã Hòa Khánh) luôn phấn đấu học khá giỏi để nuôi ước mơ vào giảng đường sư phạm.

Sáng nào cũng dậy từ 4 giờ để học bài rồi đạp xe 12 km đến trường, về nhà Qui còn tranh thủ chăm vườn, lo cho 3 em nhỏ để bố mẹ đi làm thuê, căn nhà cấp bốn xập xệ cứ bị dột ướt khi mưa về.

Em Mỹ Qui làm đồng gúp bố mẹ
Em Mỹ Qui làm đồng gúp bố mẹ.

Buổi tối, Qui nhặt và gói rau để sớm mai mẹ ghé chợ bán, nhặt nhạnh từng đồng trả dần khoản nợ đã vay để mổ tim cho em trai Qui từ 2 năm trước. Mùa cà phê chín, cuối tuần nào Qui cũng theo mẹ đi hái cà phê thuê.

Bà Sương, mẹ Qui thổ lộ : “Gia đình tui còn nợ gần 100 triệu đồng, ăn có thể nhịn nhưng việc học của con thì không thể ngưng được. Ba mẹ không có tài sản cũng ráng cho con cái chữ”.

Ở thôn 6 xã Hòa Khánh, nữ sinh Lê Thị Huyền Ly (lớp 12A6, trường THPT Trần Phú) nhà có 5 anh em thì 3 người đang học ở TP HCM, bố bệnh kinh niên, gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai gầy người mẹ nông dân. Chị kế của của Ly đậu cao đẳng nhưng đành nghỉ học đi làm. Cũng đạp xe 12km đến trường, cũng đi làm thuê quanh xóm như Qui, Ly tự xoay xở kiếm tiền đi học.

“Em gần thi tốt nghiệp rồi nên rất lo lắng, nếu em đậu đại học thì gia đình sẽ khó khăn hơn. Mấy anh chị em chắc phải có người lại nghỉ học để nhường quyền đi học cho người khác. Em cố gắng học tốt để thi vào ngành Quản trị kinh doanh, còn học được ngày nào hay ngày đó ! ”, Ly chia sẻ.

Dù khó khăn Ly luôn cố gắng học tốt
Dù khó khăn Ly luôn cố gắng học tốt.

Nhường nhau đi học

Kể về hoàn cảnh gia đình, H’Katarin Niê học lớp 10A5, Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (ở buôn Trinh 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ ) liên tục rơi nước mắt.

Lên cấp 3, đi học xa nhà hơn 50km, H’Katarin ở nội trú tại trường, rất nhớ bố mẹ. Ở nhà, bố bị bệnh gút nặng nhưng ngày ngày vẫn lê chân đau lên rẫy. Còn mẹ đi lại khó khăn do bị tai nạn vỡ xương bánh chè. Nhà có đến 11 anh chị em, trong đó 10 người đã học xong lớp 12, nhiều anh chị đã lập gia đình riêng. H’Katarin từng được giải khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh.

Gần đây em bị viêm xoang, bác sĩ bảo phải mổ nhưng H’Katarin biết bố mẹ không thể xoay ra tiền nên không dám nói, mỗi khi thời tiết thay đổi lại đau đầu không tập trung học hành được. Mỗi lần H’Katarin về thăm nhà rồi quay lại trường, mẹ dúi cho 50 nghìn đồng, cả hai mẹ con lại ôm nhau khóc nức nở.

H'Katarin nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi
H'Katarin nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi.

“Em luôn mơ ước trở thành cô giáo để về dạy bọn trẻ trong buôn, dù khó khăn đến mấy em cũng cố gắng vượt qua”, H’Katarin quyết tâm.

Nữ sinh Vương Thị Mai (lớp 10A2 trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng), nhà ở xã Ea Hiao, huyện Ea H’Leo cách trường tới 100km, Mai vẫn ôm giấc mơ vào giảng đường đại học.

Năm Mai lên lớp 4, bố mất vì bệnh u não, mẹ đầu tắt mặt tối với mấy sào cà phê cằn cỗi nuôi 5 chị em ăn học. Thấy mẹ nhọc nhằn, hai chị gái của Mai đang học cấp 3 đành bỏ học phụ giúp, nhường quyền đi học cho 3 đứa em. Gần đây, hai chị đi lấy chồng, mẹ lại gánh tất.

Thầy Bùi Xuân Lễ - Phó hiệu trưởng trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng cho biết: Các em được nhận học bổng Đọt Chuối Non lần này đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, gia đình ở vùng sâu vùng xa nên các em đến trường là cả nỗ lực lớn.

Nhà trường luôn động viên các em cố gắng học hành đến nơi đến chốn. Dù phần lớn học sinh là đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi năm, trường vẫn đạt tỉ lệ trên 90% học sinh thi đủ điểm sàn đại học.

Chiều 19/11/2013 tại trường PTTH Dân tộc Nội trú N’Trang lơng, Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên đã trao 17 suất học bổng Đọt Chuối Non, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại hai trường PTTH Dân tộc nội trú N’ Trang Lơng và THPT Trần Phú – TP Buôn Ma Thuột.

Đồng thời, trao thêm 10 triệu đồng cho Công đoàn trường THPT Nơ Trang Lơng để hỗ trợ các thầy cô giáo khi ốm đau. Vietcombank chi nhánh Đắk Lắk tài trợ chương trình học bổng Đọt Chuối Non 20 triệu đồng, thầy thuốc Khăm Phết Lào con trai Vua Voi Ama Kông tài trợ 15 triệu đồng.

Dự lễ có đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở GD-ĐT, Hội Khuyến học tỉnh Đắk Lắk và đông đảo thầy cô giáo, học sinh 2 trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.