Lãnh đạo huyện chưa có câu trả lời thỏa đáng

Lãnh đạo huyện chưa có câu trả lời thỏa đáng
TP - Sau khi Tiền Phong đăng tải bài “Ngang nhiên tàn phá rừng phòng hộ”, cuối tuần qua lãnh đạo huyện Kỳ Anh có cuộc làm việc với phóng viên. Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho rằng mọi việc huyện thực hiện đúng hoàn toàn. Tuy nhiên lãnh đạo huyện này lại không trả lời được những chất vấn của phóng viên về những vấn đề liên quan vụ việc.

> Ngang nhiên tàn phá rừng phòng hộ
> Phá rừng phòng hộ để... trồng rừng

Có thể có sự điều chỉnh?

Mở đầu buổi làm việc, phóng viên Tiền Phong đề nghị lãnh đạo huyện Kỳ Anh giải thích tại sao trong hồ sơ thu hồi đất của bà Lê Thị Phượng ghi rất rõ là tại khoảnh 2, trong khi đất của bà Phượng nằm ở khoảnh 1? Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng và các cán bộ khác không trả lời được nên đề nghị gọi cán bộ của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đến ngay cuộc họp để trả lời.

Lúc sau, một cán bộ xuất hiện và cho biết, rõ ràng giữa khoảnh 1 và khoảnh 2 là hai vị trí hoàn toàn khác nhau. “Có thể có sự điều chỉnh lại bản đồ tại các khoảnh này”, vị cán bộ BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh nói.

Khi phóng viên đề nghị vị cán bộ này khẳng định chắc chắn có sự điều chỉnh hay không, và nếu có sự điều chỉnh phải có văn bản chứng minh. Vị cán bộ này cho biết do đang đi công tác được lãnh đạo gọi đến nên chưa nắm được hết nội dung cuộc họp.

Về việc yêu cầu doanh nghiệp trả kinh phí cho việc điều các lực lượng này, ông Nguyễn Hoài Sơn, Phó Chủ tịch huyện Kỳ Anh, cho biết, “cái này là do anh em làm thêm cả trưa nên họ (tức doanh nghiệp –PV) giúp thêm ít tiền” và “đến nay chưa có tính toán cụ thể kinh phí”.

Về việc gia đình bà Phượng chưa đồng thuận được mức giá bồi thường, huyện Kỳ Anh đã huy động lực lượng vào bảo vệ cho Cty Việt Gia - Song Hui vào chặt phá rừng keo để thi công, ông Nguyễn Hoài Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, do doanh nghiệp và người trồng rừng không thỏa thuận được với nhau nên huyện thực hiện việc áp giá bồi thường theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên khi phóng viên đặt vấn đề cơ sở nào để lãnh đạo huyện Kỳ Anh cho rằng doanh nghiệp và người trồng rừng không thỏa thuận được với nhau?, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh nói: “Chúng tôi nghe phía doanh nghiệp họ nói bà Phượng đòi giá bồi thường cao quá nên không thực hiện”.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Kỳ Anh khẳng định, cho đến hiện nay, Cty Việt Gia - Song Hui chỉ có một mỏ đá duy nhất tại xã khu vực Đá Mài, xã Kỳ Liên. Ngay sau đó phóng viên đưa ra hai giấy phép khai thác mỏ đá của Cty Việt Gia - Song Hui tại ngay khu vực Đá Mài.

Cụ thể, Giấy phép thứ nhất cấp ngày 11/11/2009 do ông Võ Kim Cự (Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh tỉnh lúc đó) ký cấp 4,5ha. Trong lúc mỏ đá này chưa thể thực hiện thì đến ngày 22/7/2011, ông Trần Minh Kỳ (Phó Chủ tịch tỉnh) lại ký quyết định cấp phép mỏ đá rộng 15,4ha, cũng tại khu vực này. Trong hai mỏ đá này, chỉ có mỏ đá thứ nhất có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên việc thu hồi đất được tiến hành sau gần 2 năm tỉnh cấp giấy phép mỏ đá. Lãnh đạo huyện Kỳ Anh sau một hồi nghiên cứu thốt lên rằng, đây là lần đầu tiên thấy giấy phép này.

Điều động vì nghe nói

Về việc Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng, ra quyết định điều động lực lượng bảo vệ thi công cho mỏ đá Việt Gia - Song Hui. Lãnh đạo huyện Kỳ Anh cho rằng, do trước đây đã nghe Cty Việt Gia - Song Hui báo cáo có một số lần có người đến đe dọa lực lượng thi công, lo sợ khi triển khai thi công bị đe dọa nên ông mới ra quyết định huy động lực lượng hùng hậu để bảo vệ.

Tuy nhiên khi phóng viên đặt vấn đề, “xin được xem biên bản các lần đe dọa”, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và các thuộc cấp có liên quan lại nói rằng “không lập biên bản vì những người đó đe dọa chứ chưa hành động?!”.

Vì nghi vấn “mối đe dọa” (không biết đối tượng nào), Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh đã ký quyết định huy động 30 công an huyện (có cả lãnh đạo), xe đặc chủng, 35 người (cán bộ xã, lực lượng cơ động mạnh) tại xã Kỳ Liên, hàng chục cán bộ phòng ban, y bác sỹ, phóng viên truyền hình với những chỉ đạo tác chiến như đánh trận... để “bảo vệ thi công” cho mỏ đá. Tại quyết định này không hề có thời hạn. Toàn bộ kinh phí phát sinh, Chủ tịch huyện giao phía doanh nghiệp phải chịu. Ngày 24/10, sau 14 ngày “bảo vệ thi công”, khi nhóm phóng viên có mặt tại hiện trường, vẫn đang có 3 chiến sỹ công an với 1 xe đặc chủng thường trực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.