> Bản nuôi cá tiến vua
> Cá quý nước ngọt trước nguy cơ tuyệt chủng
Vùng Hội Yên, xã Ân Thạnh (Hoài Ân, Bình Định) trước đây là những ruộng chuối, vườn chuối ngút ngàn xanh. Thời điểm chuối được giá, xã Ân Thạnh có gần cả ngàn héc ta trồng chuối, giờ người dân lại đổi hướng, phá chuối trắng đồng.
Ông Trần Văn Lưu (78 tuổi, thôn Hội Yên, Ân Thạnh) ngậm ngùi: “Trước đây, một buồng chuối ngày thường bán được năm bảy chục ngàn, dân Hội Yên mới chuyển đổi trồng chuối. Hai năm nay, chuối rẻ hơn cho, cả buồng bán chưa được vài chục ngàn, chặt cho trâu bò ăn nó cũng ngán”.
Nhà ông Lưu có 5 sào ruộng chuối, chăm sóc và vun trồng khoảng 4-5 tháng mới tới vụ thu hoạch. Tuy nhiên, mỗi buồng chuối bán ra không đủ tiền chi phí chăm sóc nên ông đã chọn cách chặt chuối cho trâu bò ăn dần, và chuyển hướng sang trồng ngô, khoai lang.
Ông Lê Văn Phước (40 tuổi, thôn Thanh Lương, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân): “Vườn chuối nhà tôi trước đây bán một mùa khoảng 10-12 triệu, nay bán ra chưa đầy 1 triệu bạc. Chuối sụt giá thê thảm, nông dân chúng tôi thất thu, vớt vát mấy buồng lớn kiếm đồng bạc lẻ, còn lại chặt cho trâu ăn để phá rồi trồng khoai lang”.
Tương tự, tại vùng trồng chuối Trà Còng (An Lão, Bình Định) cũng chung số phận, sau trận mưa đá vào cuối tháng tư, các vườn chuối nơi đây tan tành. Người dân mặc sức, chẳng thèm lượm chuối về nhà.
Ông Nguyễn Văn Trọng, thôn Trà Cong, xã An Hòa (An Lão, Bình Định), cho biết: “Thôn Trà Cong sống bằng nghề chuối đã mấy năm nay, trong thôn có gần 200 hộ, ai cũng trồng chuối. Nhà trồng ít thì vài ba sào, nhiều thì nguyên rẫy chuối vài hécta. Cuộc sống nơi đây khá lên từ chuối, vậy mà không hiểu lý do gì vài năm nay giá mua chuối tụt xuống thê thảm, đến nỗi chuối chín đầy vườn nhưng chẳng ai thèm thu hoạch nữa”.
Người trồng chuối xanh mặt, dân buôn lao đao với chuối. Ngày trước, phiên chợ chuối đầu mối Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định) thu gom chuối từ vùng Hoài Ân, An Lão tấp nập khi trời chưa sáng. Bây giờ, chợ hiu hắt chuối không còn là mặt hàng chính trong chợ.
Bà Lê Thị Cảm (45 tuổi, KV.5, thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định), một thương lái hơn gần 20 năm trong nghề buôn chuối nói: “Nhìn chợ chuối thì biết, thời trước chợ rặt một mặt hàng là chuối, chợ chuối rôm rả lắm. Nhưng giờ, một tháng đôi, ba ngày mới bán được chuối cho người ta mua về thắp hương…”.
Những vườn chuối hất gốc, đốn buồng nằm chỏng chơ trên đường. Ông Nguyễn Nhâm (63 tuổi, thôn Phú Hữu, Ân Tường Tây, Hoài Ân), than thở: “Chuối vùng đất Ân Tường Tây vốn nổi tiếng là ngon, ngọt hơn nơi khác, trước đây vườn chuối 500 gốc cũng cho thu nhập gần 2 triệu/ tháng. Giờ tôi đã chặt bỏ hơn 300 gốc chuối rồi, ngày nào đàn bò nhà tôi cũng ăn chuối, giờ đem chuối thả vào chuồng bò chẳng buồn ăn”.
Nhìn cảnh trâu, bò không ăn nổi đành vứt luôn cây, luôn buồng, nhiều nhà đành để vườn chuối vậy đến lúc nó tự lụi đi. Chăm thì mất công, nhổ hết cũng chẳng đành vì tiếc công sức.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng thôn Hưng Nhượng, An Hòa (An Lão, Bình Định), cho hay: “Cái cảnh trồng chuối có tháng sắm được cả chỉ vàng giờ đâu còn, khắp thôn những “công ty hai sọt” (người buôn chuối bằng sọt tre) nằm mốc meo. Chuối hết thời, dân trong thôn bứng gốc trồng keo hết rồi. Chuối xưa là vàng, chuối nay cho không muốn lấy, người ăn không nổi, trâu bò chán chê”. |