TP Hồ Chí Minh: Thu phí cầu Rạch Chiếc từ 1-4

TP Hồ Chí Minh: Thu phí cầu Rạch Chiếc từ 1-4
TP - Tại kỳ họp thứ 8 diễn ra ngày 1-3, HĐND TPHCM đã thông qua Tờ trình của UBND TPHCM về “Kết thúc thu phí hoàn vốn dự án chuyển nhượng quyền thu phí đường Điện Biên Phủ (ĐBP) và đường Kinh Dương Vương (KDV), tiến hành thu phí hoàn vốn đầu tư dự án cầu Rạch Chiếc mới (Xa lộ Hà Nội)” từ ngày 1-4.

> Thông xe cầu Rạch Chiếc
> Hợp long nhánh giữa cầu Rạch Chiếc

Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) được chuyển quyền quản lý, thu phí giao thông đường ĐBP và đường Hùng Vương nối dài (nay là đường KDV) với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng, thời hạn thu phí là ngày 5-9-2001, dự kiến kết thúc đối với đường ĐBP là ngày 31-12-2013 và đường KDV là 31-8-2014.

Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM (KTNS), doanh thu của hợp đồng chuyển nhượng không đạt. Dự kiến đến hết Quý I/2013 mới thu được trên 1.954 tỷ đồng trên số phải thu theo hợp đồng là trên 2.185 tỷ đồng.

Việc “thất thu” do phân luồng giao thông, cấm xe tải qua cầu Sài Gòn, hoàn phí cho các phương tiện lưu thông trên Liên tỉnh lộ 25B (không sử dụng đường Điện Biên Phủ).

Trong thời gian thu phí nói trên, CII đầu tư thực hiện dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc mới (từ 4 lên 10 làn xe) nhằm giảm ùn tắc cửa ngõ phía Đông TPHCM với tổng kinh phí hơn 1.010 tỷ đồng. Thời gian thu phí cầu Rạch Chiếc là 12 năm sau khi kết thúc thu phí hoàn vốn dự án đường ĐBP (từ ngày 1-1-2014).

Do doanh thu không đạt nên việc thu phí dự án đường ĐBP và KDV dự kiến kéo dài thêm 1 năm và việc thu phí cầu Rạch Chiếc phải dời đến ngày 1-1-2015.

Theo tính toán của Ban KTNS, nếu không “đẩy nhanh tiến độ” thu phí cầu Rạch Chiếc, ngân sách thành phố phải bù 170 tỷ đồng cho CII theo hợp đồng, trả lãi phát sinh trong thời gian chờ thu phí và chi phí bảo trì công trình khoảng 150 tỷ đồng/năm, đồng thời kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn dự án cầu Rạch Chiếc lên từ 20 -22 năm.

Ban KTNS cho rằng việc chấm dứt thu phí đường ĐBP, KDV, chuyển sang thu phí cầu Rạch Chiếc sẽ hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, thất thu do phải thực hiện hoàn phí, ngân sách không phải cấp bù, thời gian thu phí hoàn vốn dự án cầu Rạch Chiếc nhanh nhất…

Trao đổi với Tiền Phong tối 1-3, một số doanh nghiệp vận tải cho rằng giá xăng dầu đang có xu hướng tăng, việc thu phí dự án cầu Rạch Chiếc, sớm chấm dứt việc hoàn phí là hình thức tận thu, không công bằng, sẽ càng gây áp lực tăng giá cước vận chuyển.

Các DN đang hoạt động ở cửa ngõ phía Đông không được hưởng lợi khi ngưng thu phí đường KDV vì trạm này nằm ở cửa ngõ phía Tây.

Chưa xem xét thu phí đường bộ với mô tô, xe máy

Tại kỳ họp này, HĐND TPHCM chưa xem xét, quyết định mức thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy. Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố cần có thời gian xem xét các mức thu, hình thức thu phí theo đề xuất có phù hợp với thực tế hay không nên chưa trình HĐND TPHCM xem xét tại kỳ họp này.

Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, mức phí đối với xe máy có dung tích xilanh đến 100 cm3 là 60.000 đồng/năm và xe có dung tích xilanh trên 100 cm3 là 150.000 đồng/năm. Thời gian thu phí tính từ đầu năm 2013. Chủ xe nộp phí tại UBND phường, xã, thị trấn hoặc nộp trực tiếp cho cán bộ tổ dân phố, khu phố, ấp...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG