Quậy phá nhà máy cồn Ethanol để đòi nợ

Quậy phá nhà máy cồn Ethanol để đòi nợ
TP - Đêm 19, rạng sáng 20-12, hỗn loạn xảy ra trước cổng Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân thuộc Cty CP Đồng Xanh (xã Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam), khi một nhóm người dẫn theo hàng chục ô tô loại lớn tập trung “quậy” nhà máy để đòi nợ.

> Nhà máy ngừng hoạt động vẫn gây ô nhiễm
> 'Biến sắn thành xăng', người trồng điêu đứng

Thuê vệ sĩ từ TPHCM ra siết nợ?

Khoảng 2 giờ ngày 20-12, hàng chục người đi trên nhiều ô tô, trong đó có một chiếc 16 chỗ và một xe loại 50 chỗ dẫn theo 16 xe bồn từ Đà Nẵng lên nhà máy cồn Đại Tân.

Đến cổng nhà máy, những người này phong tỏa đường đi, đập phá, đâm thủng lốp và khiêng 2 xe tải loại 3,5 tấn đang đậu chắn trước cổng nhà máy sang một bên.

Theo người dân phản ánh, trong số này có một số người mặc đồng phục vệ sĩ, có trang bị công cụ hỗ trợ gồm roi điện, bình xịt hơi cay. Họ xông vào tìm cách tháo dỡ cổng để xe bồn vào chở cồn.

Ông Trương Minh Hòa, trưởng công an xã Đại Tân, cho biết: Nhận được tin báo, công an xã huy động lực lượng đến bảo vệ hiện trường đồng thời báo cáo công an huyện cử lực lượng hỗ trợ. Yêu cầu nhóm người tự xưng là vệ sĩ xuất trình thẻ hành nghề nhưng không ai chấp hành.

Hỗn loạn xảy ra, đến khi công an xã nổ súng chỉ thiên nhóm người này mới bỏ đi. Hai xe tải nhẹ 92K 6048 và 92K 8109 (của những người dân khác đang chờ đòi nợ) chặn trước cổng nhà máy đã bị nhóm người trên đập phá làm vỡ kính, thủng nhiều lốp xe.

Công an huyện Đại Lộc tạm giữ hai ô tô chở 50 người. Đồng thời xác định trong số đó có 35 người là vệ sĩ của Cty dịch vụ vệ sĩ Phi Vũ (phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM), 15 người còn lại là thanh niên do Cty Phi Vũ thuê.

Các đối tượng đang được lấy lời khai, trong đó có bà Hà Thị Kim Oanh, Giám đốc Cty dịch vụ vệ sĩ Phi Vũ.

Mất khả năng trả nợ

Từ gần 2 tuần trước, hơn 20 hộ dân kinh doanh, sản xuất và cung cấp nguyên liệu và thức ăn cho công nhân Cty CP Đồng Xanh đã vây cổng nhà máy này để đòi số nợ hàng chục tỷ đồng công ty này thiếu khi mua nguyên liệu, tiền công bốc vác và tiền ăn uống cho công nhân.

Tuy nhiên, hiện nhà máy ngưng hoạt động, chỉ còn lưa thưa vài bảo vệ và lãnh đạo công ty thì “mất tích”.

Người dân cho biết, Cty này nợ người dân 21 tỷ đồng. Sau nhiều lan kết công nợ, quá hẹn, ngày 15-11 vừa qua, hàng chục hộ dân từ Kon Tum và Quảng Nam chuyên cung cấp nguyên liệu sắn đến nhà máy yêu cầu trả nợ thì được ông Lưu Quang Thái - Chủ tịch HĐQT Cty, cam kết đến ngày 2-12 sẽ bán cồn, sắn nguyên liệu để trả tiền.

Thế nhưng, sau đó lãnh đạo Cty “mất tích”, điện thoại không liên lạc được. Sợ Cty quỵt nợ, nhiều người dân bỏ làm bỏ ăn túc trực trước cổng nhà máy 24/24 để chờ gặp lãnh đạo, cũng như canh chừng không cho tẩu tán tài sản.

Giữa lúc đó, Chi nhánh ngân hàng Techcombank Đà Nẵng - một chủ nợ lớn của Cty CP Đồng Xanh đã đề nghị người dân phải để Techcombank Đà Nẵng vận chuyển cồn đi bán để thu hồi nợ, khiến người dân hết sức bất bình.

Ông Đặng Hùng Trận, Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc, cho biết: Huyện đã làm việc với Cty CP Đồng Xanh và được ông Lưu Quang Thái thông báo là Cty không có khả năng trả nợ vì hiện còn vay của 2 ngân hàng BIDV và Techcombank.

Tại buổi làm việc này, UBND huyện Đại Lộc đề nghị Cty CP Đồng Xanh cũng như các ngân hàng ưu tiên trả nợ trước cho người dân sau khi thanh lý tài sản.

Về thực trạng của các nhà máy sản xuất cồn Ethanol trên cả nước, trong đó có nhà máy Đại Tân (Quảng Nam), báo Tiền Phong mới đây đã có loạt bài điều tra. Công an tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc để làm rõ vụ việc.

Chiều 20-12, bà Phạm Thị Nhị, Trưởng phòng quản lý khách hàng - doanh nghiệp Ngân hàng Techcombank Việt Nam và bà Chu Ngọc Lan - Giám đốc Techcombank chi nhánh Đà Nẵng đã có buổi làm việc với một số cơ quan báo chí về vụ việc. Bà Nhị và bà Lan xác nhận Cty CP Đồng Xanh hiện còn nợ Techcombank 152 tỷ đồng.

Về việc thuê vệ sĩ áp giải hàng trong đêm dẫn đến đụng độ với các chủ nợ khác, bà Lan cho biết: “Đối tác thúc giục, chúng tôi đã báo cáo với các cơ quan chức năng địa phương yêu cầu được hỗ trợ nhưng không được giúp đỡ.

Vì vậy chúng tôi đã ký hợp đồng với Cty Logistics LA+ Techcombank để thuê họ áp tải, vận chuyển số lượng cồn trên bán cho đối tác. Việc thuê vệ sĩ là quyền của Cty Logistics LA+ Techcombank.

Họ có quyền thuê bên thứ ba để cùng thực hiện. Cty Logistics LA+ Techcombank là đối tác chứ không phải là công ty thành viên của Ngân hàng Techcombank”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.