Cán bộ hưu trí hài lòng
Long An là một trong những tỉnh thực hiện thí điểm việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua bưu điện.
Theo ghi nhận của PV, tại Bưu điện Chợ (TP Tân An), có rất đông người cao tuổi, cán bộ hưu trí tới trực tiếp bưu điện để nhận lương.
Ngoài hành lang, bưu điện bố trí bàn ghế sa lông cho người dân ngồi nghỉ trong lúc đợi đọc tên. Phía góc mỗi phòng làm việc, còn có 2 bàn tròn cho khách ngồi uống trà, đọc báo thư giãn.
Ông Phan Tư - một cán bộ hưu trí đến nhận lương hưu cho biết, so với trước đây, ông nhận lương hưu sớm hơn một tuần. Nếu như trước đây khi nhận lượng hưu phải ngồi chờ rất lâu và hoàn tất một số thủ tục, hồ sơ rồi mới được nhận tiền thì nay chỉ cần đợi một lúc là xong.
Ông Lương Văn My, 70 tuổi, cũng ở TP Tân An cho biết, trước đây, ông phải thường xuyên chịu cảnh chờ đợi nhiều lần mới lĩnh được lương, việc trả lương không có định kỳ, mất công đi lại nhiều lần, trong khi đó giờ chỉ đợi khoảng chục phút là xong.
“Đã thế nhân viên bưu điện còn cẩn thận ghi lại trong sổ lương thời gian lĩnh lương của tháng kế tiếp để khỏi quên” - ông My nói.
Theo ông Trần Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, mô hình chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người dân qua hệ thống bưu điện không chỉ có lợi cho người dân mà còn giúp địa phương trong công tác quản lý về chi trả lương và trợ cấp.
Theo ông Phước, nếu nhân rộng mô hình, đặc biệt tại các vùng sâu-xa, vùng dân tộc khó khăn, sẽ góp phần tạo môi trường tiếp dân thực sự chuyên nghiệp và có hệ thống.
Trong đó, việc chi trả sẽ giảm các khâu trung gian, giảm các sai sót, nhầm lẫn, bảo đảm quyết toán nhanh.
Nhiều kết quả khả quan
Theo BHXH Việt Nam, sau một năm thực hiện thí điểm tại 12 tỉnh (11 tỉnh đã triển khai trên toàn bộ địa bàn; Nghệ An mới thực hiện tại 5 huyện) với 124 huyện trên tổng số 139 huyện, hệ thống bưu điện đã bố trí được 2.002 điểm chi trả.
Nhìn chung, số điểm chi trả do bưu điện thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt, tương đương với số điểm chi trả do đại diện xã, phường trước đây thực hiện trên địa bàn.
Ngay trong tháng đầu tiên, khi bưu điện thực hiện chi trả, hầu hết các điểm chi trả đều được giữ nguyên tại địa điểm cũ để tạo thuận lợi cho người dân.
Từ tháng thứ hai, bưu điện thực hiện phương án di chuyển dần các điểm chi trả về địa điểm giao dịch của hệ thống bưu điện, đảm bảo theo nguyên tắc điểm chi trả mới thuận tiện cho người dân hơn điểm chi trả cũ và phải được sự đồng thuận từ phía người thụ hưởng.
Theo BHXH Việt Nam, từ tháng 7-2011, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam phối hợp với BHXH Việt Nam thực hiện thí điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tại 4 tỉnh qua hệ thống bưu điện. Đến đầu tháng 4-2012, hai bên thống nhất mở rộng thí điểm thêm 8 tỉnh. Hiện, đã có 12 tỉnh thí điểm trả lương hưu qua bưu điện gồm: Lâm Đồng, Bắc Kạn, Đắc Nông, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Nam, Bình Thuận, Tuyên Quang, Long An, Cần Thơ, Nghệ An, Quảng Trị. |
BHXH Việt Nam cũng cho biết, tính đến tháng 10-2012, bưu điện 12 tỉnh đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho 174.374 người, chiếm 6% tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng của cả nước, với số tiền chi trả hàng tháng là 453 tỷ đồng.
Cùng với đó, việc bố trí nhân lực phục vụ chi trả, vận chuyển và bảo quản tiền, đảm bảo an ninh tại các điểm chi trả luôn được đảm bảo.
Về việc quản lý người hưởng, bưu điện đã có sự phối hợp với UBND các cấp, cán bộ tư pháp, các tổ hưu trí tại các khu dân cư... để thực hiện báo cáo tăng, giảm người hưởng, nhờ đó công tác báo cáo giảm được kịp thời.
Tại các bưu điện trung tâm, bố trí cán bộ làm đầu mối phụ trách công tác quản lý đối tượng để phối hợp cùng cơ quan BHXH thực hiện.
Đặc biệt, tại Long An, Bưu điện tỉnh đã xây dựng và triển khai chương trình phần mềm quản lý đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện.
Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, ngoài một số bất cập, lúng túng ban đầu nhưng với ưu điểm của hệ thống bưu điện là cơ quan nhà nước có hệ thống tổ chức từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn, có đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức đông đảo, được đào tạo cơ bản, có kỹ năng về các dịch vụ tài chính khá chuyên nghiệp nên công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH thông qua hệ thống bưu điện tiến hành nhanh chóng, chính xác, kịp thời và an toàn, được các đối tượng đồng tình.
Theo ông Lê Bạch Hồng - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua bưu điện cho các đối tượng luôn phải đảm bảo yêu cầu đúng, đủ, thuận tiện, kịp thời, an toàn.
“Từ kết quả đạt được sau một năm thực hiện thí điểm, các Ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam sẽ sớm hoàn chỉnh báo cáo, xây dựng đề án trình Hội đồng quản lý và báo cáo Thủ tướng cho phép tiếp tục thực hiện quản lý người hưởng, chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện trong năm 2013 và xây dựng lộ trình thực hiện mô hình này trong những năm tiếp theo”- ông Hồng nói.