Công nhân bắt cá, mò cua chờ lương

Công nhân bắt cá, mò cua chờ lương
TP - Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Cà Mau, hoạt động cầm chừng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Những công nhân ở những doanh nghiệp này bị nợ lương, không được giải quyết bảo hiểm xã hội.

> Công nhân chế biến thủy sản bị nợ lương

Ông Lê Văn Dớn từng làm việc cho Cty Việt Hải nơi còn nợ Bảo hiểm xã hội 452 triệu đồng
Ông Lê Văn Dớn từng làm việc cho Cty Việt Hải nơi còn nợ Bảo hiểm xã hội 452 triệu đồng.

Cty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu hải sản Việt Hải (Cty Việt Hải), ở Khu công nghiệp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân (Cái Nước) vắng vẻ, hoang phế.

Bà Nguyễn Thị Guối, bế cháu dạo chơi, nói: “Ông chủ đi mất rồi, xí nghiệp ngưng hoạt động, công nhân ở đây luôn vì bị nợ lương, không được giải quyết chế độ gì hết!”.

Ông Lê Văn Dớn, thương binh hạng 1/4, ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước) từng tham gia giám sát xây dựng, giám sát bảo vệ, giám sát sản xuất Cty Việt Hải cho biết, Cty Việt Hải ngưng hoạt động từ đầu năm đến nay, nợ nần chồng chất các đại lý bán tôm nguyên liệu, nợ ngân hàng, nợ tiền điện…

Vừa đi theo cán bộ Chi nhánh ngân hàng Liên Việt Cà Mau kiểm tra niêm phong Cty Việt Hải, ông Lê Văn Dớn nói: “Tôi bị tai nạn lao động gãy thêm khúc chân phải, khi nghỉ việc, không được Bảo hiểm xã hội Cà Mau chi trả vì Cty Việt Hải còn nợ bảo hiểm. Đôi ba lần tôi đến hỏi chế độ, Bảo hiểm xã hội Cà Mau nói chờ khi nào Cty Việt Hải trả nợ bảo hiểm mới giải quyết”.

Tại Cty Việt Hải, hàng trăm công nhân tập trung đòi lương, gây mất trật tự trong khi ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty Việt Hải không có mặt và mất liên lạc.

Ông Nguyễn Văn Phép, 26 tuổi, ở xã Thạnh Phú (Cái Nước) làm cán bộ điều hành sản xuất, mức lương 6 triệu đồng/tháng, nói: “Tôi bị nợ lương hơn 30 triệu đồng, gọi ông Dũng không bắt máy, phải về quê phụ cha mẹ làm ruộng. Hơn 80 công nhân bị nợ lương, không được trả bảo hiểm, đời sống khó khăn, mỏi mòn chờ lương, phải tìm việc khác để kiếm sống”.

Khu nhà trọ công nhân do Cty CP Thực phẩm Đại Dương (Cty Đại Dương), ở ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân (Cái Nước) lác đác bóng công nhân.

Anh Nguyễn Văn Hòa, chủ nhà trọ nói: “Tôi xây dựng 57 phòng trọ, cho Cty thuê 300.000 đồng/tháng/phòng cho công nhân ở. Từ đầu năm đến nay, Cty Đại Dương không thanh toán tiền, công nhân bỏ đi tứ tán để tìm việc làm ăn sinh sống”.

Đôi vợ chồng trẻ Lê Văn Sấn- Trần Mỹ Duyên, ở huyện Ngọc Hiển, làm công nhân Cty CP Thực phẩm Đại Dương, đi không nỡ, ở không xong: “Cty Đại Dương nợ lương đã đành, các chế độ bảo hiểm không được giải quyết, không chuyển được để tìm việc mới!”. Những công nhân chờ lương phải hái rau đồng, bắt cá, mò cua để có cái ăn...

Nhiều doanh nghiệp hấp hối

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký hội chế biến thủy sản xuất khẩu Cà Mau (Casep) nhận định: “Tình trạng xây dựng xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu không tuân thủ qui hoạch, thiếu tính dự đoán nguồn nguyên liệu, dẫn đến thiếu tôm nguyên liệu từ nay đến năm 2020”.

Tổ công tác của UBND tỉnh Cà Mau mới đây khảo sát 27 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của Cà Mau.

Kết quả cho thấy, có 9 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, 9 doanh nghiệp gặp khó, thua lỗ, khó tiếp cận nguồn vốn vay nhưng vẫn còn duy trì sản xuất.

Còn lại 9 doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, nợ nần chồng chất, càng tồn tại càng lỗ nặng hơn.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, kiểm soát dư lượng kháng sinh nghiêm ngặt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp hàng tồn kho rất lớn.

Cty CP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) tồn kho 491 tỷ đồng, Cty Jostoco tồn kho 412 tỷ đồng, Phú Cường Jostoco tồn kho 98 tỷ đồng…

Phân tích tại 27 doanh nghiệp thì có đến 9 doanh nghiệp hàng tồn kho nhiều, nợ phải trả cao so với doanh số nhưng cố gắng giữ mối quan hệ tiếp cận vốn ngân hàng, giữ chân khách hàng.

Đặc biệt, những doanh nghiệp Đại Dương, Ngọc Sinh, Việt Hải, Minh Châu, Ngọc Châu, Nhật Đức, Cái Đôi Vàm…đang hấp hối.

Ông Tô Văn Phúc, Phó GĐ Sở Tài chính tỉnh Cà Mau nhận định: Nhiều doanh nghiệp thủy sản gần như mất khả năng thanh toán. Số liệu khảo sát cho thấy doanh nghiệp lỗ nhiều nhất 356 tỷ đồng, lỗ ít nhất 935 triệu đồng.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang nợ tiền bảo hiểm xã hội rất lớn như Cty Cái Đôi Vàm nợ 4,3 tỷ đồng, Cty Đại Dương 3,1 tỷ đồng, Camimex nợ 2,6 tỷ đồng… Điều gì sẽ xảy ra bất lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp này khi ngưng hoạt động, phá sản…

Ông Châu Thành Tôn, Chủ tịch Liên đoàn lao động Cà Mau nói: “Muốn bảo vệ quyền lợi người lao động nhưng rất khó vì chủ doanh nghiệp ngưng hoạt động, hoạt động cầm chừng. Họ hứa trả lương, trả bảo hiểm xã hội nhưng họ không thực hiện”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG