Quả đào tiên được bày bán nhiều. Ảnh: Duy Chiến. |
Cô Triệu Múi Lỷ, tuổi đôi mươi quẩy hai sọt đào tiên từ thôn Thán Dìu, Mẫu Sơn cho mẹ bán: “Nhà tôi có 68 cây đào, năm nay sai quả, mọi hôm giá 10 ngàn/kg, ngày này bán cao hơn một chút”.
Nói rồi, Lỷ cầm một vốc đào lên giới thiệu: Quả đào tiên Mẫu Sơn so với trước, quả không to, nhưng ăn ngọt, mát lành. Đào mọc tự nhiên trên sườn đồi núi, đến mùa tự ra quả, chín mọng. Con chim bay đến, ăn quả, nhả hạt, rừng đào cứ thế lan rộng ra các vùng. Theo cô Lỷ, con chim tinh lắm, những quả chim mổ, chưa kịp ăn là quả ngon nhất, mọc ở đầu cành ở phía đông, hướng về phía mặt trời.
Người Dao Mẫu Sơn nhộn nhịp mang mật ong, chuối hột khô, lợn quay, rượu men lá đến bán. Nhiều hơn cả là chanh rừng, đào tiên, dưa chuột.
Bà Triệu A Múi (42 tuổi ở thôn Lặp Pịa), thường xuyên mang chanh rừng bán cho khách du lịch, tiếp thị bằng tiếng Kinh khá sõi: Quả này, người Dao còn gọi là chanh Tứ quy. Mỗi năm cây chỉ cho thu hoạch một lần, quả nhỏ bằng ngón tay út, nhưng vị của nó rất đặc biệt. Quả chanh rừng ngâm kèm với măng ớt, chanh muối rất thơm, đậm đà. Không những vậy, chanh rừng còn là vị thuốc đặc trị ho, giải cảm.
Ông Thành, một thương gia từ Sài Gòn đánh xe đưa gia đình đến Mẫu Sơn nghỉ mát, chất đống hoa, quả miền rừng lên ô tô, mãn nguyện nói với người thân: “Người dân miền núi không nói thách, nhưng trả giá rẻ một chút, họ cũng bán”. Ông Thành giơ chiếc lồng chim lên, giới thiệu: Đôi chim chào mào này là ưng ý nhất, giá chỉ có 80 ngàn/con. Chim rừng khỏe, khôn, chuẩn bị biết hót.
Giám đốc sở VH-TT&DL Lạng Sơn, ông Hoàng Văn Páo cho biết, chương trình kéo dài trong hai ngày cuối tuần với nhiều nội dung như khám phá núi thiêng Phật Chỉ; thi Tiếng hát du lịch Mẫu Sơn, thi các môn thể thao dân tộc, thưởng thức ẩm thực độc đáo xứ Lạng, Hội trại thanh niên địa phương, phát động ra quân bảo vệ môi trường.