Phá rừng tìm vàng

Phá rừng tìm vàng
TP - Bị đốt trại, tiêu hủy phương tiện nhiều lần, nhưng các nhóm đào đãi vàng trái phép ở Đăk Nông vẫn hoạt động, tàn phá tài nguyên, môi trường.

> 'Vàng tặc' phá rừng từng ngày

Vàng được khai thác công khai
Vàng được khai thác công khai.

Thâm nhập bãi vàng Đắk Ha

Để vào được điểm khai thác vàng ở xã Đăk Ha huyện Đăk G'Long, chúng tôi phải gửi xe máy, lội bộ vào rừng chừng 3km thì nghe tiếng máy nổ rền vang. Lần theo đó, chúng tôi băng rừng tiếp cận các lán trại khai thác trong vai giảng viên, sinh viên nghiên cứu, khảo sát, điều tra rừng.

Nhiều phu vàng ở đây xăm trổ khắp thân thể hình thù khá kỳ quái. Lán trại treo đầy kim tiêm. Cách trại khoảng 10m là hầm khai thác, 4 chiếc máy nổ chạy hết công suất, hơn chục phu vàng vừa làm việc vừa trông chừng những vị khách không mời.

Anh T (quê ở Thanh Hóa) dè dặt: "Các anh hỏi về rừng thì em nói sơ sơ, còn về vàng thì không nói được. Chúng em chỉ biết làm công thôi, đến tháng nhận tiền còn chuyện khác thì không biết". Anh T chỉ tiết lộ đang làm công cho một doanh nghiệp ở thị xã Gia Nghĩa.

Men theo con đường mới ủi khoảng 5km, chúng tôi thấy các bãi khai thác vàng cũ mới xen nhau nham nhở, nhiều khoảng rừng trơ trụi, đất bị khoét hàm ếch.

Các con suối đặc quánh bùn đất, nhiều dàn máy cũ bị vứt lại tại các bãi. Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng vì các lán trại dùng hóa chất, thuốc trừ cỏ để đãi vàng.

Vào sâu hơn trong rừng, chúng tôi tiếp cận được trại khai thác vàng lớn thuộc vào loại nhất nhì bãi Đắk Ha. Trong căn hầm sâu, điện bật sáng trưng, hệ thống dẫn nước vận hành liên tục. Ngoài miệng hầm luôn có cai canh không cho người lạ vào.

Một người đàn ông vạm vỡ trực ở trại nói rằng đang làm cho một ông chủ trẻ ở Gia Nghĩa, lương tháng 2,5 triệu đồng, về số người làm thì không tiết lộ được.

Trò chuyện, anh này gật gù nói: “Nếu trúng lớn sẽ có người của ông chủ vào lấy vàng, anh em được thưởng nhiều, còn không chờ tháng lĩnh lương thôi”.

Xế chiều, nhiều xe máy lao ngược ra, đi kèm là những tay lái trông rất dữ dằn. Có những phụ nữ ngồi sau ôm chặt chiếc túi.

Mua đất đãi vàng

Nghe tiếng có vàng ở Đăk G'Long, nhiều phu vàng là tay giang hồ có máu mặt ở Hải Dương, Thái Nguyên, Thanh Hóa...? kéo vào làm ăn. Sau khi nhiều bãi vàng ở Quảng Sơn, Quảng Hòa, Đắk R'Măng, Đắk Som bị đánh sập, nhiều đầu nậu lại ùa ra bãi vàng Đắk Ha.

Anh Quỳnh, một cư dân xã Đắk Ha chuyên đãi vàng sa khoáng, kể: "Tôi đã đầu tư 200 triệu đồng mua đất và phương tiện, máy móc để vào đây đãi vàng. 8 anh em cùng làm, trung bình mỗi ngày đãi được 1 chỉ”.

Theo anh Quỳnh, trại của anh thuộc vào loại nhỏ nhất ở đây, có trại có đến gần 100 người. 'Mình đãi vàng sa khoáng nên khó trúng lớn, những trại đầu tư lớn, đào hầm thì có thể trúng đậm. Có trại đã đào được cả tạ vàng.Mình làm nhỏ đủ chi phí nên không chung chi, không sợ bị người khác làm phiền, còn các trại khác đều có người bảo kê".

Trại anh Quỳnh nuôi thêm gà, vịt và chuẩn bị sẵn can rượu 10 lít để giải khuây khi đêm về.

Dẹp trước, mọc sau

UBND huyện nhiều lần lập đoàn cưỡng chế giải tỏa, truy quét vàng tặc. Trong 3 tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, huyện tổ chức 5 đợt truy quét: tạm giữ 1 máy múc; phá hủy 46 lán trại, 71 máy nổ, 24 đầu bơm, 4.370 lít dầu diezel, 150 lít nhớt, 1.400m ống nước, 5 dàn khoan hơi, 10 dàn lọc và 5 máy phát điện.

Nhưng cơ quan chức năng vừa rút đi, vàng tặc quay lại khai thác với hình thức tinh vi hơn. Khi PV tiếp cận bãi vàng, nhiều phu vàng đều khẳng định đang làm việc cho một số công ty, doanh nghiệp tại thị xã Gia Nghĩa và việc khai thác đều hợp lệ.

Ông Nguyễn Hữu Kiện, Phó chánh văn phòng huyện Đăk G'Long, nói: "Huyện đã triển khai nhiều đợt truy quét nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, chỉ thu được phương tiện thô sơ còn các đối tượng thì trốn thoát.

Các điểm khai thác vàng ở sâu trong rừng, rải rác rất khó quản lý, giải tỏa. Do đường sá đi lại hiểm trở nên sau khi cưỡng chế buộc phải tiêu hủy tại chỗ các phương tiện".

Trung tá Bùi Ngọc Tiến, Phó phòng Cảnh sát Môi trường, khẳng định: Trên địa bàn tỉnh hiện không có công ty nào được cấp phép khai thác vàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.