Thanh tra bỏ qua nhiều tình tiết vụ hiệu trưởng ĐH TDTT Bắc Ninh gian lận hồ sơ giáo sư

Thanh tra bỏ qua nhiều tình tiết vụ hiệu trưởng ĐH TDTT Bắc Ninh gian lận hồ sơ giáo sư
TP - Liên quan vụ hiệu trưởng ĐH TDTT Bắc Ninh gian lận hồ sơ giáo sư, nhiều ý kiến đặt câu hỏi tính khách quan trong quá trình xác minh đơn thư của thanh tra bộ chủ quản- tức Bộ VH TT& DL bởi trước đó, đoàn thanh tra này từng báo cáo với lãnh đạo Bộ: ông Nguyễn Đại Dương không vi phạm khoản 2- Điều 8, Quyết định 174 của Thủ tướng quy định về tính trung thực của ứng viên giáo sư.

> Chưa cung cấp tài liệu cho công an vì “Trường này của Bộ”

Kiểm tra, không xem tài liệu gốc

Thực tế, kết luận của thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) cho thấy một số tình tiết quan trọng đã bị bỏ qua khi xác minh hồ sơ giáo sư của ông hiệu trưởng Nguyễn Đại Dương .

Thời điểm thanh tra Bộ VH TT&DL làm việc tại trường ĐH TDTT Bắc Ninh đầu năm 2011,ông Nguyễn Hùng Cường- một cán bộ nhà trường đã chủ động thông tin cho đoàn thanh tra biết việc ông không là thư ký và ký vào biên bản nghiệm thu hai đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống bài tập chuyên môn trong giảng dạy, huấn luyện kỹ thuật đẩy tạ lưng hướng ném” và “Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá kết quả học tập thực hành môn Cử tạ cho sinh viên ĐH TDTT 1”như trong hồ sơ giáo sư 44/GS/2009 của ông Dương.

Vậy nhưng không hiểu sao lại có hai biên bản nghiệm thu phô tô của hai đề tài này (trang 222 và 253 trong hồ sơ giáo sư) ghi “Người thực hiện: PGS.TS Nguyễn Đại Dương”.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Từ Sơn vừa có thêm văn bản khẳng định rõ ít nhất 3 trong số các đề tài mà ông Nguyễn Đại Dương nhận mình là chủ nhiệm như trong hồ sơ giáo sư số 44/GS/2009 là không có cơ sở.

Tại các cuốn kỷ yếu tuyển tập nghiên cứu khoa học của Trường ĐH TD TT Bắc Ninh từ 2005 đến nay, những đề tài nói trên mà ông Dương liệt kê trong hồ sơ giáo sư lại là của các ông, bà gồm: ông Nguyễn Văn Phúc, Đàm Thuận Tư và Phạm Hoàng Tùng, Vũ Quỳnh Như và Đàm Trung Kiên.

Cùng thời gian đó, đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng ủy nhà trường cũng chuyển kiến nghị này của ông Cường đến đoàn thanh tra. Tuy nhiên, nội dung tố cáo trên của ông Cường đã bị thanh tra bỏ qua.

Theo quy định, khi làm hồ sơ giáo sư, các ứng viên chỉ phải nộp bản phô tô tài liệu không có công chứng mà mình làm chủ nhiệm đề tài.

Vì thế lẽ ra khi thực hiện kiểm tra, xác minh đơn thư tố cáo hồ sơ giả mạo như trường hợp ông Nguyễn Đại Dương, việc đầu tiên cơ quan thanh tra phải làm là đối chiếu toàn bộ văn bản, quyết định phô tô so với bản gốc để xác định tính chuẩn xác của hồ sơ giáo sư.

Nhưng đoàn thanh tra tiếp tục bỏ qua việc này. Phải đến khi Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Từ Sơn vào cuộc, mọi việc mới vỡ lở. 14 quyết định triển khai, nghiệm thu đề tài phô tô trong hồ sơ giáo sư của ông Dương được khẳng định là không có thật, không có giá trị pháp lý.

Một số bản quyết định nghiệm thu và triển khai đề tài có dấu đỏ hiện đang lưu giữ tại trường nhưng nội dung lại hoàn toàn khác với những bản phô tô trong hồ sơ giáo sư của ông Dương.

Xác nhận?

Chỉ riêng với đề tài “ Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá kết quả học tập thực hành môn cử tạ cho sinh viên Trường ĐH TDTT Bắc Ninh”- năm 2005 như kê khai trong hồ sơ giáo sư của ông Dương cũng có nhiều uẩn khúc.

Theo biên bản nghiệm thu đề tài (gốc) hiện nay của Hội đồng nghiệm thu cơ sở thì ông Nguyễn Văn Phúc (bộ môn điền kinh) là người thực hiện chứ không phải ông Nguyễn Đại Dương.

Theo đó thì ngày 4-11-2005, ông Nguyễn Văn Phúc đã trình bày đề tài này trước các thành viên gồm các ông bà: Lưu Quang Hiệp (chủ tịch hội đồng); Phạm Đình Bẩm (phó chủ tịch); Nguyễn Kim Xuân (ủy viên); Trần Tuấn Hiếu (ủy viên) và Vũ Chung Thủy (thư ký).

Nội dung này phù hợp với quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu đề tài cấp trường và cấp bộ môn số 644 ngày 31-10-2005 do ông Trần Đức Dũng bấy giờ là hiệu trưởng ký.

Đặc biệt tại cuốn kỷ yếu nghiên cứu khoa học của Trường ĐH TDTT năm 2005 do nhà xuất bản TDTT ấn hành cũng ghi rõ đề tài trên là của ông Nguyễn Văn Phúc, không phải của ông Nguyễn Đại Dương.

Thế nhưng điều bất bình thường ở chỗ, khi có đơn thư tố cáo ông Dương gian lận hồ sơ, lập tức có giấy xác nhận của ông Phúc - người đang dưới quyền ông Dương trình thanh tra Bộ rằng “ông Dương mới là chủ nhiệm, còn ông Phúc chỉ là thư ký(?)”. Sau đó, thanh tra Bộ đã chấp nhận toàn bộ nội dung bản xác nhận trên.

Bình luận về việc này, một nhà khoa học đầu ngành nói với phóng viên Tiền Phong: Lẽ ra trong trường hợp này, đoàn thanh tra phải dựa cả vào chứng từ thanh toán đề tài khoa học, ý kiến thành viên hội đồng nghiệm thu và đặc biệt là cuốn kỷ yếu nghiên cứu khoa học của nhà trường hàng năm để xem xét lời xác nhận của ông Phúc có cơ sở không? Như thế mới đảm bảo đầy đủ tính khách quan, toàn diện để xác định ai là chủ nhiệm đích thực của đề tài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.