Nguy hại của một xã hội bằng cấp

Nguy hại của một xã hội bằng cấp
TP - Trước hết xin được bày tỏ sự tán đồng với diễn đàn này, quả là “ai cũng biết nhưng chẳng ai dám nói”.
Nguy hại của một xã hội bằng cấp ảnh 1
Nhiều sĩ tử cầu khấn điều thần kỳ bằng cách chạm tay vào bia tiến sĩ ở Văn Miếu.

Nay báo Tiền phong đã lên tiếng, độc giả không thể không ủng hộ quý báo, đã tiên phong trong việc tiếp nhận những quan điểm sống, những thói quen cần xác lập trong một xã hội hiện đại, để bàn dân thiên hạ được dịp tha hồ giãi bày.

Việc “vạch áo cho người xem lưng” tuy ở ta chưa có tiền lệ nhưng có thể coi như cuộc cách mạng, dám nhìn thẳng sự thật, dám nhận khuyết điểm và gánh chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Người Việt từ bao thế kỷ nay được thế giới biết đến, quan tâm và ngưỡng mộ khi nói đến tính tự tôn dân tộc. Lịch sử gắn liền với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm nên những tố chất như: ngoan cường, bất khuất, thông minh, gan dạ… luôn sẵn có trong mỗi người dân.Trong lao động sản xuất thì cần cù, chịu thương, chịu khó…

Đó là những phẩm chất có cấu trúc bền vững hay có nói cách khác: tố chất người Việt có đặc tính “bất di, bất dịch”. Những phẩm chất đó được coi trọng trong mọi thời đại. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những phẩm chất do không có cấu trúc bền vững nên chỉ có giá trị trong một hoặc một số thời đại nhất định, sự kéo dài “thời hạn sử dụng” những quan điểm cũ đã tạo thành thói quen, sở thích không còn phù hợp.

Chẳng hạn vì thích phô trương nên: làm quan thì phải đi xe xịn, quan trong lĩnh vực có nhiều vốn đầu tư nước ngoài và ngân sách nhà nước phân bổ nhiều thì mua cả hàng chục chiếc ô tô, thoáng tay cho mượn mà không cần thời hạn trả lại. Thanh niên choai- con sếp, mua cả loạt xe máy @ tặng bạn để “chơi ngông”. Thường dân thôi nhưng có chút tiền cũng đua nhau “chạy” cho con cái học trường nổi tiếng.

Trên lý thuyết thì có thể đổ lỗi cho hệ thống giáo dục còn bất cập. Giáo dục lẽ ra không thể có chuyện “trường điểm” vì đã có trường điểm thì sẽ có những trường “không điểm”, nhưng thực chất, trong tâm thức của người dân luôn muốn con mình nổi trội hơn con người khác, còn cốt lõi của việc nổi đó như thế nào thì chẳng mấy ai quan tâm.

Nhà trường sợ thua trường khác nên luôn báo cáo không trung thực, học sinh lên lớp 4, lớp 5 chưa biết đọc.

Hệ quả của những thói quen thích phô trương, coi trọng hình thức, trọng danh hơn thực đã để lại mầm bệnh trong một cơ thể vốn đã chẳng khỏe mạnh gì - xã hội bằng cấp.

Xã hội bằng cấp thông qua thi cử là một sản phẩm ưu việt trong chế độ phong kiến. Trong xã hội hiện đại, bằng cấp không phải là điều kiện tiên quyết, quyết định một người thành đạt hay không thành đạt. Một nhà nước sản sinh ra nhiều loại bằng cấp không thể đánh giá là nhà nước phát triển.

Ở nhiều nước phát triển, họ không tổ chức thi đại học. Bởi vì họ không coi trọng việc thi cử mà quan tâm nhất đến chất lượng đào tạo. Người lao động đi tìm việc, nhà tuyển dụng không bao giờ hỏi “Anh (chị) có bằng cấp gì?” mà “làm được những việc gì?”

Xã hội coi trọng bằng cấp là môi trường thuận lợi cho hạng người không có trình độ thực sự nhưng vẫn chiễm chệ trên những mảnh đất màu mỡ xanh tươi. Chủ tịch xã nọ không đi học buổi nào vẫn có bằng đại học và chỉ cần cái bằng không cần đi học đó lại tiếp tục làm chủ tịch xã. Do vậy khả năng am hiểu pháp luật của họ hoặc hạn chế hoặc họ coi thường khủng khiếp. Nên chẳng lạ gì chuyện chủ tịch xã lấy đất của dân để chia chác, biếu xén tràn lan, chuyện tày đình nhưng với họ chỉ là thường ngày ở huyện.

 Hoàng Xuân Dũng
(Vụ Tổ chức- Văn phòng Trung ương Đảng)

MỚI - NÓNG