> Rắc rối trả vé, Chế Linh nhập viện
Giữa vòng vây vệ sĩ và người hâm mộ. |
1. Nếu không tận nghe tận thấy những vi phạm của nhà tổ chức sô Chế Linh ở Hà Nội, tôi đã tưởng Sở Văn hóa làm lớn chuyện và như thế, vô tình, biết đâu, lại chạm vào cái “văn hóa hòa hợp, hòa giải” vẫn được coi là nhạy cảm.
Trước hết là chuyện quảng cáo. Luật qui định cho treo tối đa 15 băng rôn, Sở linh động cho 100. Live show Chế Linh bao nhiêu? Một ông bầu có uy tín ở Hà Nội cung cấp bằng chứng việc sô Nguyễn Hưng treo chẵn một ngàn băng rôn, còn Chế Linh: ít nhất 2 ngàn!
Chế Linh kể, từ sân bay Tân Sơn Nhất bước xuống, anh đã “bật khóc vì thấy mình tột cùng hẩm hiu: Không băng rôn chào đón, không băng rôn quảng cáo”. Trước đó ở Thủ đô, anh được thấy thông tin và hình ảnh về mình rải từ sân bay Nội Bài về Bờ Hồ, tỏa đi các tuyến phố - hàng ngàn cơ mà.
Việc này có nhỏ không? Ngoài chuyện luật lệ, chuyện mỹ quan, hãy tham khảo quan điểm của VCPMC (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam): “Việc treo băng rôn áp phích khi chưa được cấp phép, sai nội dung cấp phép, vượt mức cho phép- làm ảnh hưởng đến các đơn vị khác. Chúng ta chỉ có một không gian, nếu người này vượt có nghĩa là người khác không treo được. Và nếu người này làm sai (ma-ket đã duyệt) thì sao người khác phải chấp hành”?!
Trong một tuần, báo giới diện kiến những công dân Thủ đô khốn khổ nhất. Đó chẳng hạn là “ông bản quyền” Phó Đức Phương, người trong buổi chiều 15-11 đã ra sức “dãi dề” về nỗi thống khổ, bẽ bàng đi bòn từng đồng bản quyền của live show Chế Linh và các sô khác. (Dãi dề là từ ông Phương ưa dùng hôm đó, giống ca từ bài “Về quê”: Một chiều bưng bát cơm quê/Rưng rưng ta hát giọng quê dãi dề). Sau vụ trần tình lịch sử này của ông Phương trên báo chí, dân Hà Nội có từ mới- “Trạng Bùng” để gọi những ông bầu chuyên trốn tác quyền.
Khốn khổ nữa là những công chức Sở Văn hóa. Kể cả ngày nghỉ, họ cũng phải lần theo từng tuyến phố chỉ để làm cái việc cắt băng quá số lượng qui định và sai ma-ket của sô Chế Linh! Trong một ngày rượt đuổi như vậy (cứ cắt chiếc này lại mọc chiếc khác), vừa tự tay cắt một băng ở Hà Đông, phó thanh tra Hà đã bị xe máy tông. “Không chỉ mồ hôi mà cả máu của anh em chúng tôi đã đổ vì những việc tưởng là nhỏ”- họ nói.
Còn khán giả nhắn vào điện thoại của sếp họ- giám đốc Long: “Tiền đã làm ông mờ mắt nên chúng tôi đi đường nào cũng gặp những quảng cáo đó giăng trước mặt”. Cấp phép cũng không yên mà hủy phép cũng lôi thôi- đó là tình cảnh ông giám đốc Sở Hà Nội vừa qua.
2. Chế Linh nói cuộc trở về của anh là để tri ân khán giả mến thương mình bao lâu nay. Hai đêm ở Hà Nội, bằng giọng hát, anh đã chứng tỏ mình đáng được mong chờ. Còn khán giả Hà Nội thì chứng tỏ họ thật là những người mộ tài và… dễ tính. Ví dụ, không có được một sân khấu sạch trong cả hai đêm.
Suốt 3 tiếng đồng hồ, màn hình chính diện- làm nền cho nghệ sĩ biểu diễn- chạy toàn quảng cáo kiểu “Nhà hàng Vạn Tuế khai trương ngày…” Mà nơi này dù gì cũng đường đường Trung tâm hội nghị quốc gia!
Tối 16-11 Chế Linh chủ động thông báo rằng sô tối 19 ở TPHCM sẽ không diễn ra, lý do là “ông Hoàng Tiến- nhà tổ chức cuộc trở về lần này không thực hiện đúng quy định của nhà nước về quảng cáo, đi quá xa so với hợp đồng khi tự ý tuyên bố về buổi diễn 23-11 tại Hà Nội, xuất hiện với tư cách BTC đêm 12-11, và nếu tiếp tục hợp tác, tôi sẽ không kiểm soát được tình hình”.
Nửa ngày sau, cũng trên phương tiện truyền thông, anh gọi Hoàng Tiến là người chuyên nghiệp nhất, đã làm cho anh những việc không thể tưởng tượng nổi, và nếu không có Tiến anh sẽ hủy sô!
Trên yume có người trêu Chế Linh trong một bản “tấu hài văn hóa”: “Bác Chế hát THÓI ĐỜI khóc cho chuyện nợ TÌNH nhưng bầu sô của bác SAO NỠ ĐÀNH QUÊN tiền tác quyền? Bác hát ĐỊNH MỆNH giống như biết trước kịch tính của việc cấp phép biểu diễn cho bác; bác hát NHƯ MỘT CƠN MÊ vì người đời đổi trắng thay đen từng ngày từng giờ làm bác choáng muốn cắt hợp đồng vừa ký chưa khô mực; bác hát TỪNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM mà đi đến đâu cũng nghe ầm ỹ rối ren. Ở tuổi thất thập chưa kịp cổ lai hy, bác Chế đã thành một Hot Boy nổi loạn showbiz Việt!”.
Chế Linh nói cuộc trở về của anh là để tri ân khán giả mến thương mình bao lâu nay. Hai đêm ở Hà Nội, bằng giọng hát, anh đã chứng tỏ mình đáng được mong chờ. Còn khán giả Hà Nội thì chứng tỏ họ thật là những người mộ tài và…dễ tính. |
Nhập gia tùy tục, nhập tự vấn tăng (vào chùa hỏi sư). Chế Linh về Hà Nội định làm không chỉ một đêm, thì nơi duy nhất anh đến là Cục NTBD để cảm ơn họ đã vận trù vụ giấy phép cho mình, còn chủ nhà thực sự thì là đối tượng để anh hờn mát mà không đến tận nơi hỏi cho ra nhẽ: “Tôi rất lấy làm tiếc về tin tức cấm tôi trình diễn vào 12-11 tại Trung tâm hội nghị quốc gia và trong 6 tháng tại Thủ đô. Cuối cùng, trời không phụ lòng tôi và khán giả mến mộ”.
Bên lề cuộc họp báo về quyết định hủy sô Chế Linh, tôi hỏi thẳng ông Long: “Có phải tuy cấp phép nhưng rồi thấy đêm diễn (lần 1) hoành tráng, khán giả nồng nhiệt, báo chí nồng nhiệt nên Sở và cấp cao hơn cảm thấy không ổn và kiếm cớ?” Ông Long nhẹ nhàng: “Phóng viên có quen Chế Linh không? Nếu quen, hãy nói với anh ấy cố tìm nhà tổ chức đứng đắn, Sở sẽ tạo mọi điều kiện”.
Những ngày qua báo chí và khán giả đối xử với Chế Linh như thể cây mùa lá rụng, chỉ sợ làm anh tổn thương. Họ thỉnh thoảng lại phải nhắc mình và nhắc nhau “lỗi tại bầu và nơi cấp phép linh tinh, không phải tại nghệ sĩ”. Tuy vậy, cũng có người đặt vấn đề: Anh cứ vô can vô sự đến bao giờ khi mà cát-sê cao đút túi còn những rối ren linh tinh beng thì vô lo?
Bầu Tiến đã sẵn tai tiếng, vào đến Sài Gòn hai người lại quấn lấy nhau trước mắt nhà quản lý của thành phố. Như có báo viết, trong chốc nhát Chế Linh đã lại “hô biến”, hợp lý hóa sự có mặt của ông bầu này, biến anh ta từ nhà tổ chức xuyên suốt của mình thành người giúp việc, có tính chất thời vụ mấy ngày thôi rồi sẽ đường ai nấy đi, mọi người đừng thắc mắc gì nữa.
Vé bán ghi Chế Linh 30 năm tái ngộ- thêm một lần sai so với giấy phép. Thử hỏi làm sao người ta không soi. Xảy ra rắc rối với những người hâm mộ mua tấm vé bốn, năm triệu đồng rồi không đòi lại đủ tiền, lỗi của những ai?
30 năm Chế Linh mới lại về hát. Có bạn đọc Tiền Phong nói hóm: “Chế Linh 4 đời vợ, lận đận đường hôn nhân thì có khi cũng phải trải 4 đời bầu mới yên”. Đời còn dài, 30 năm đợi được thì 3 tháng có là bao. Chậm mà chắc, chuẩn bị chu đáo có phải hơn là “tôi phải xuất hiện cho bằng được” (tuyên bố ngày 17 về đêm 19) để rồi dở dang. Những ca sĩ Việt kiều khác kể cả Thanh Tuyền đều về hát êm thấm cơ mà.
Tuấn Vũ đàn em Chế Linh về tuổi đời và nghề, tuyên bố về hát “một đêm duy nhất” ở thánh đường Nhà hát Lớn, cuối cùng kéo đến nỗi dân tình đùa là “60 đêm duy nhất”. Tóm lại, từng tiếc cho Chế Linh và bây giờ, càng tiếc cho anh.
3. Vào buổi họp báo 7-11 đó, ông Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cho biết “giám đốc Sở Hải Phòng và TPHCM đều điện thoại hỏi tôi về kinh nghiệm xử phạt, vì sô Chế Linh tại hai nơi này đều vi phạm những qui định y như ở Hà Nội”.
Như vậy, có thể đoán rằng nhà quản lý ở trong ấy chỉ chờ sô của Chế Linh vào để tìm hiểu nguồn cơn. Mà tìm sai phạm trong chương trình này, có vẻ dễ hơn húp tào phớ!?
Trong cơn sóng gió vừa qua, Bộ VHTTDL muốn khẳng định quyền lực của mình (bằng việc vô hiệu hóa tuyên bố của Sở), bầu sô khẳng định quyền lực của mình (bằng việc chứng minh không có gì là không thể), thì TPHCM há lại kém! Và họ đã làm được điều đó.
Thêm nữa, phải chăng hành động hủy sô cuối của Chế Linh có phần thể hiện sự đồng cảm của hai cơ quan cấp tương đương. Có khán giả đã nhận xét diễn biến mới vừa qua là màn song kiếm hợp bích của hai Sở! Còn Bộ VHTTDL cho đến giờ này vẫn không lên tiếng.