Bao dung và kỳ thị

Bao dung và kỳ thị
TP - Cư dân Làng Vân - còn gọi là làng phong - với 134 hộ dân, 325 nhân khẩu được chính quyền TP Đà Nẵng đưa vào tái định cư tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) đã gặp trở ngại khi người dân nơi đây không đồng ý “sống gần” dân Làng Vân. Có người nói thẳng ra, họ không muốn sống gần “người hủi” - dù y học đã chứng minh bệnh phong không lây.

Tại Hà Nội, hàng trăm phụ huynh phản đối nhà trường khi biết những đứa trẻ HIV được xếp chung lớp học với con của họ. Thậm chí, họ chặn đường những đứa trẻ ấy, hăm dọa không cho chúng vào lớp. Thật tàn nhẫn.

Kỳ thị được định nghĩa là có thành kiến, phân biệt đối xử. Khi nhận thức và sự hồn hậu trong quan hệ xã hội giảm đi, mức độ kỳ thị tăng lên. Kỳ thị với người có HIV đã nóng đến mức một tổ chức của thế giới phải đề nghị giảm tuyên truyền về tác hại và nguy cơ lây nhiễm bệnh AIDS ở Việt Nam. Còn bệnh phong (cùi, hủi) xưa kia bị người đời xa lánh, phải đeo lục lạc để người ta tránh. Nó cũng là lý do chính khiến Hàn Mặc Tử bị xa lánh, phải tìm tri âm ở trăng, máu và lệ.

Sự kỳ thị có mặt trong văn học nghệ thuật. Thị hiếu chung ở ta vẫn là cái gì dễ hiểu, dễ diễn giải, cái quen thuộc. Nghệ thuật hậu hiện đại trong văn chương, nghệ thuật đương đại trong mỹ thuật, âm nhạc hiện đang gặp phải sự kỳ thị dưới nhiều hình thức. Nghệ sĩ làm nghệ thuật mới thường bị xuyên tạc là điên, muốn chơi nổi…; tác phẩm thì bị bảo là kỳ quái, bị đòi cấm cửa… Rất ít người chịu cảm nhận thật sự về những tác phẩm ấy, rất ít người chịu biết rằng nghệ thuật đó đã nở rộ trên khắp thế giới.

Nhưng có trường hợp sự kỳ thị lại bộc lộ sự nghèo nàn về nhân cách. Một cô gái đẹp vừa đăng quang trong một cuộc thi hoa hậu đã hồn nhiên trả lời báo chí: Tôi từng nghèo nên tôi rất sợ. Tôi không yêu người nghèo đâu. Cô rao lên: Yêu em tốn kém lắm… Cô từng nghèo, bố mẹ, anh chị cô còn nghèo, nhưng cô công khai kỳ thị cái nghèo, người nghèo. Tâm hồn cô nay chỉ còn ánh đèn sân khấu và những tiền vàng lấp lánh thôi sao?

Ngẫm ra, để bao dung và hội nhập, mỗi người có lẽ cần chuẩn bị nền tảng văn hóa để đón nhận những thứ mình chưa từng trải qua, chưa từng chứng kiến và chưa từng có trong tưởng tượng - những văn hóa khác mình. Đó phải chăng là nguyên nghĩa của ba chữ “người từng trải?”. Đó phải chăng là sự bao dung về văn hóa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG